Đền Hùng qua những vần thơ

Thùy Trang| 06/04/2017 17:18

Các truyền thuyết về Vua Hùng, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Hạ, Đền Trung... là đề tài văn học mở rộng, là nguồn cảm hứng vô tận của thi ca, nhạc họa, câu đối. Ðó là lòng tri ân chân thành của các đấng quân vương, các bậc danh nho, khoa bảng, các nhà chí sĩ và các nhà thơ thuộc nhiều thế hệ đến đây chiêm ngưỡng, nghiêng mình trước đất Tổ thiêng liêng, nơi cội nguồn của dân tộc Việt, niềm tự hào là con cháu Tiên Rồng suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước.

ADQuảng cáo

Khu di tích Đền Hùng nhìn từ trên cao xuống. Ảnh tư liệu

Vua Lê Hiển Tông (1715 - 1788) đã từng lưu bút gửi lại nhắc nhở con cháu muôn đời:

Nước cũ Văn Lang mở
Vua đầu nước Việt xưa
Mười tám đời tiếp nối
Ba sông họp một bờ
Mộ Tổ trên đỉnh núi
Ðền thiêng, non tỏ mờ
Dân chúng chăm thờ phụng
Khói hương mãi đến giờ...

Cảm hứng khi đến thăm Đền Hùng, Nông Quốc Tuấn (nói rõ là ai?) đã có vần thơ hào hùng mang tính thời đại, dự báo cho cả tương lai:

Đứng trên ngọn núi Hùng
Nhìn bốn phương trời đất
Bốn ngàn năm sau lưng
Rực rỡ đường trước mặt.

Nhà thơ Phạm Tiến Duật trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã viết về Đền Hùng với những vần thơ độc đáo, giàu trí tuệ:

Năm công nguyên thứ nhất là cái trụ xoay
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm sau là
năm tháng chúng ta đang sống
Một nghìn chín trăm bảy mươi lăm năm trước
niên đại Hùng Vương
Dân tộc ta là con chim Lạc ấy
Hai cánh thời gian đập sáng một con đường

Nhà thơ quân đội Nguyễn Ðức Mậu sau mùa "áo trận" trở về, lại như con thuyền ngược dòng truyền thuyết trong mơ màng sương khói tâm linh, tìm lại ngọn nguồn:

Trong Ðền Hùng tĩnh lặng khói hương rơi
Tôi như con thuyền trôi vào xanh thẳm
Ði ngược thời gian
Con thuyền trôi về bến
Ði ngược thời gian
Tôi tìm lại ngọn nguồn

Nhà thơ Nguyễn Đình Ảnh "Vào thăm Ðền Giếng" lại nghĩ về sức sống trường tồn của dân tộc”

Bão giông giặc giã liên miên
Mà sao nước vẫn trong nguyên đến giờ
Đứng bên miệng giếng sững sỡ
Ai từng soi đến bây giờ là tôi
Lo toan suốt cả một thời
Soi vào lòng giếng thảnh thơi lạ lùng!

ADQuảng cáo

Vùng đất Tổ được nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi liên tưởng tới một không gian truyền thuyết dân dã hòa quyện với không gian thời hiện đại:

Không còn dấu cũ lầu son
Phía sau, thành phố khói vờn trong mây
Trời cao bóng tỏa đường cây
Nhịp chày xưa thoảng đâu đây: Thậm Thình!

Tương truyền xóm núi "Thậm Thình" là nơi dân làng giã gạo, làm bánh chưng, bánh dày để dâng tiến vua những ngày lễ hội, đã nhập vào hồn thơ Nguyễn Bùi Vợi. Ðây là một trong những bài thơ hay viết về Ðền Hùng với thể thơ lục bát khá nhuần nhuyễn, uyển chuyển như những khúc múa nhịp nhàng của các cô thôn nữ, những nàng tiên sa bên cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non đối với Vua Hùng:

Trăm cô gái tựa tiên sa
Múa chày đôi với chày ba rập rình
Ðêm đêm tiếng thậm, tiếng thình
Cối gạo đầy cả nghĩa tình nước non

Truyền thống văn hóa, văn hiến được đúc lại trên những nét hoa văn của trống đồng, tiếng trống ngân vang, mãi mãi cất lên khúc ca hùng tráng vang vọng đến ngàn năm. Nhà thơ Hoàng Hữu có vần thơ như được sống lại thời tiền sử:

Trống đồng sau lớp đất vùi
Vẫn ban mai một mặt trời đang lên...
Sóng tung lấp lóa chiến thuyền
Sông sâu từng đã nhấn chìm giặc tan.

Trở lại thăm Đền Hùng, Ngô Văn Phú thấy núi Nghĩa Lĩnh vẫn giữ được màu xanh tiền sử, đã viết:

Mây đó chăng hay sắc đá Hùng Vương
Thành đóng cửa, vua dàn voi tập trận
Rất thanh thản tươi xanh đồi Nghĩa Lĩnh
Chiều trung du hồn hậu gió Phong Châu.

Với trường ca "Mặt đường khát vọng", nhà thơ Nguyễn Khoa Ðiềm lại suy tư nhiều về đất nước, về con cháu Tiên Rồng, về nơi cội nguồn dân tộc với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" - một truyền thống vô cùng quý báu, nhắc nhở mọi người hãy nhớ đến ngày Giỗ Tổ thiêng liêng, cúi đầu bái vọng:

Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu, làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ...

Đền Hùng - một di tích văn hóa, lịch sử đặc biệt là đề tài vô tận chảy mãi với không gian, thời gian, điểm gặp của tư tưởng yêu nước, tồn tại mãi mãi trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. Thơ viết về Ðền Hùng cũng là một thứ chính sử - chính sử của tình người, chính sử của lòng dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Hùng qua những vần thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO