Đoàn nghệ nhân Đắk Nông tham gia Festival Di sản Quảng Nam năm 2017: Giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người M'nông

Bài ảnh: H’Mai| 16/06/2017 14:04

Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam năm 2017, những sắc màu văn hóa đặc trưng với nhiều nét độc đáo trên khắp mọi miền đất nước đã tụ hội về Làng văn hóa truyền thống Cơ Tu, huyện Tây Giang (Quảng Nam). Nhiều hoạt động được diễn ra như triển lãm giới thiệu đặc trưng văn hóa, đặc sản, sản vật vùng, miền các dân tộc Việt Nam; trình diễn nghệ thuật dân gian, nghi lễ dựng cây nêu truyền thống; giao lưu văn hóa… với sự góp mặt của hơn 600 nghệ nhân từ 15 dân tộc thiểu số thuộc 14 tỉnh, thành phố.

ADQuảng cáo

Tham gia các chuỗi hoạt động của Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu và giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam nơi đây, Đoàn nghệ nhân Đắk Nông có cơ hội giao lưu, học hỏi và quảng bá về con người, văn hóa, vùng đất cao nguyên M’nông.

Các cô gái M’nông uyển chuyển trong từng điệu múa

Ngày hội của đại đoàn kết các dân tộc

Trong thời gian này đã thực sự trở thành ngày hội văn hóa đa sắc màu với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc như dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống, diễn tấu cồng chiêng… Qua đó thể hiện ước vọng về đời sống tâm linh, về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc của cộng đồng các dân tộc; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc.

Không gian độc đáo của làng văn hóa Cơ Tu có dịp chứng kiến sự đan xen, hòa trộn của những sắc màu văn hóa, âm điệu, trang phục đặc trưng của các dân tộc, các vùng miền khắp cả nước. Một sân chơi văn hóa lành mạnh được tạo nên, hướng mọi người đến việc giao lưu, chia sẻ bản sắc riêng của mỗi dân tộc… Qua đó, giúp đồng bào các dân tộc thắt chặt thêm tình đoàn kết, sự sẻ chia và tinh thần tự hào dân tộc.  

Là một trong những người tham gia sôi nổi, tích cực trong ngày hội, nghệ nhân Điểu Yre, bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) cho biết, lễ hội là dịp để chúng tôi ngồi lại bên nhau, cùng uống chung chén rượu cần, hát vang những lời ca của núi rừng và giao lưu, tìm hiểu bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi vùng đất, con người.

Đêm hội đoàn kết, ngọn lửa ấm cúng được thắp lên bập bùng, nhịp trống, chiêng rộn rã và vòng tròn được tạo nên bởi các bàn tay nắm chặt vào nhau, cùng say sưa với các điệu múa truyền thống… Giữa thanh âm của nhịp chiêng ngân vang, điệu múa truyền thống được các cô gái M’nông thể hiện uyển chuyển càng khiến cho ngày hội trình diễn cây nêu và giao lưu văn hóa thêm rực rỡ sắc màu.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến thăm, động viên Đoàn nghệ nhân Đắk Nông tham dự ngày hội tại huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam)

Tích cực quảng bá về vùng đất, con người M’nông

ADQuảng cáo

Trong một không gian đậm chất văn hóa Cơ Tu, cây Nêu của các dân tộc Ba Na, Co, Giẻ Triêng, M’nông, Raglai, Êđê... được các nghệ nhân dựng lên cùng với việc trình diễn các nghi lễ dựng nêu đặc trưng của từng dân tộc. Người dân nơi đây, bạn bè, du khách đã có dịp chứng kiến các nghi thức dựng cây nêu trong lễ ăn trâu, mừng lúa được mùa do các nghệ nhân M’nông ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) tái hiện.

Song song đó, qua các hình ảnh, hiện vật gồm chiêng, đàn đá, goong pe, trang phục, một số dụng cụ trong lao động sản xuất như nỏ, dụng cụ bắt mối, giỏ đựng cá, gùi; đặc sản cà phê, tiêu; sách, đĩa về Đắk Nông… giúp mọi người biết và hiểu thêm về con người, văn hóa, du lịch của tỉnh ta.

Một không khí lễ hội sôi động đã thực sự cuốn hút, cùng hòa mình vào một bữa tiệc văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn để du khách, bạn bè có dịp hiểu hơn, gần gũi hơn, yêu quý hơn về vùng đất và con người cao nguyên M’nông bình dị, thân thiện và mến khách.

Nghệ nhân Thị Ai, bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) vui mừng nói: “Được tham gia ngày hội lần này, tôi và các nghệ nhân cảm thấy rất vui, vinh dự. Không những được gặp gỡ, học hỏi, biết được nhiều nét văn hóa của các dân tộc anh em, nhiều cái hay để về kể cho con cháu nghe, tôi còn có cơ hội giới thiệu về văn hóa, các món ăn, những cái hay của người M’nông, của tỉnh Đắk Nông cho mọi người nơi đây…”.

Đồng bào các dân tộc cùng vui trong đêm hội Tây Giang

Với sự tỉ mỉ, tinh tế chuẩn bị các món ăn đặc trưng của người M’nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông như cơm lam, thịt gà rừng nướng, thịt gà rừng nấu ống tre, cá lăng nướng chấm mối ớt, canh thụt, canh bồi, đọt mây nướng, khoai lang Tuy Đức… đến ché rượu cần đã ủ từ lâu, bà Thị Ai cùng các nghệ nhân trong đoàn đã mang đến cho bạn bè những hương vị mới, dân dã, đậm đà khó quên.

Ngoài việc giới thiệu về nghi lễ, ẩm thực, trưng bày hiện vật, các chương trình, tiết mục biểu diễn dân gian truyền thống như hát dân ca, trình diễn nhạc cụ, múa truyền thống… của người M’nông cũng mang đến ấn tượng khó phai trong lòng bạn bè, du khách chứng kiến. Với niềm vui, sự thích thú thường trực trên khuôn mặt, hai “nghệ nhân nhí” Thị Nhi (10 tuổi) và Thị Na (11 tuổi) đã mang tiếng đàn đá của cao nguyên M’nông đến biểu diễn, giới thiệu, làm vang vọng núi rừng Tây Giang.

Alăng Sơn, một người dân Cơ Tu sống ở huyện Tây Giang (Quảng Nam) tâm sự: Đến tham gia lễ hội, tôi được biết, “mắt thấy tai nghe” nhiều hơn về các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam. Đặc biệt, tôi rất ấn tượng với Đoàn nghệ nhân Đắk Nông khi nghe tiếng đàn đá, tiếng chiêng, tiếng ống tre cùng tạo nên những âm thanh rộn rã. Cùng sử dụng các loại nhạc cụ đặc trưng, có khi giống nhau, nhưng mỗi dân tộc lại thể hiện một nét riêng độc đáo. Tôi hy vọng sẽ có dịp được đến Đắk Nông để biết thêm nhiều điều hay nơi đây.

Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, ngày hội này tạo điều kiện để các nghệ nhân được giao lưu, tìm hiểu, tăng cường sự hiểu biết, tình đoàn kết và phát huy các nét văn hóa đặc trưng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc. Đồng thời, đây là cơ hội để chúng ta trao đổi kinh nghiệm trong công tác bảo tồn văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa gắn với phát triển du lịch, kinh tế phù hợp; nghiên cứu, học hỏi để sau này có thể tổ chức tốt hơn nữa các hoạt động như thế tại địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đoàn nghệ nhân Đắk Nông tham gia Festival Di sản Quảng Nam năm 2017: Giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người M'nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO