Độc đáo khèn bè của đồng bào Thái

Mỹ Hằng| 03/09/2017 09:57

Tại Liên hoan văn nghệ quần chúng tỉnh Đắk Nông lần thứ VI năm 2017 vừa được UBND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều tiết mục được biểu diễn bằng nhạc cụ dân tộc, mang đậm dấu ấn, bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em sinh sống trên vùng quê Đắk Nông. Trong đó, bác Vi Thanh Duấn thuộc Đoàn văn nghệ quần chúng huyện Krông Nô đã mang đến liên hoan tiết mục “Độc tấu khèn bè” của người Thái. Bác Duấn tâm sự, được chọn tham gia và giới thiệu khèn bè - bản sắc văn hóa Thái tại liên hoan là một điều rất đỗi tự hào.

ADQuảng cáo

Bác Vi Thanh Duấn và chiếc khèn bè - nhạc cụ độc đáo của đồng bào Thái trong lần về dự liên hoan

Theo lời bác Duấn, cũng như các dân tộc khác, trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào Thái đã chế tạo ra nhiều loại nhạc cụ phục vụ cho đời sống tinh thần của mình như khèn, sáo, pí... Trong đó, khèn bè là nhạc cụ nổi bật nhất, mang đậm sự sáng tạo và không thể thiếu trong những dịp hiếu hỉ, lễ, tết, đón xuân...

Khèn bè có cấu tạo khá đơn giản gồm 14 ống nứa, nhưng phải là nứa tép bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu và xếp từ thấp đến cao. Khèn được chia làm 2 bè, mỗi bè 7 ống, bầu khèn làm bằng gỗ, một đầu khoét thủng để thổi, một đầu bịt kín bằng sáp ong. Lưỡi khèn được làm bằng đồng hoặc bạc trắng, dát mỏng như tờ giấy để gắn vào trong các ống khèn, phía trên bầu hơi có dùi những nốt bấm.

Các ống khèn đều được gắn chặt với đầu hơi và phụ thuộc vào lưỡi khèn. Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm. Khèn bè dài, tiếng to, trầm, dùng cho người cao tuổi thổi ở nhà. Khèn bè ngắn, tiếng nhỏ, thanh, dùng cho thanh niên mang theo người.

ADQuảng cáo

Người thổi khèn bè phải hiểu được tính năng riêng của khèn và phải thuộc những giai điệu, bài hát riêng để có thể chuyển tải đến người nghe cái hay, cái tinh túy của tiếng khèn. Người Thái quan niệm rằng, tiếng khèn sẽ mang lại sức mạnh thể chất và thể hiện tinh thần mạnh mẽ của người đàn ông - trụ cột trong các gia đình. Vì thế, bất cứ chàng trai người Thái nào khi biết cầm con dao, cái cuốc để lao động trên nương trên rẫy thì cũng là lúc họ biết cầm khèn và thổi.

Việc thổi khèn không chỉ để giải trí sau một ngày lao động mệt nhọc mà còn thể hiện tài năng của mình. Chiếc khèn còn là chiếc cầu nối để thanh niên tìm cho mình một người bạn đời thích hợp. Hình ảnh những chàng trai khỏe mạnh với những giai điệu khèn say đắm sẽ chiếm được cảm tình của các cô gái. Bởi vậy có biết bao chàng trai, cô gái Thái nên duyên vợ chồng từ tiếng khèn trữ tình ấy.

Độc đáo và gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt nên dù đã vào Đắk Nông lập nghiệp đã lâu, nhưng bà con người Thái vẫn luôn duy trì, gìn giữ chiếc khèn bè và xem đó là niềm tự hào của dân tộc mình. Tại các dịp lễ hội hay sự kiện gì do chính quyền địa phương tổ chức, đồng bào lại mang chiếc khèn và những giai điệu của nó đi tham dự, góp vui. Đó cũng là cách để đồng bào giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình với các dân tộc anh em khác.

Bác Vi Thanh Duấn cho biết: “Đối với người Thái, khèn bè là tiếng lòng, luôn gắn bó với cuộc sống bình dị nên dù đi đâu, làm gì, chúng tôi đều mang theo nó. Trên vùng đất mới, giai điệu dặt dìu của khèn bè làm cho tâm hồn người Thái trở nên tươi mát, đầy sức sống, góp phần cho đất trời Đắk Nông thêm tươi vui, giàu bản sắc".

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo khèn bè của đồng bào Thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO