Đong đầy cảm xúc Lý Sơn

Ghi chép của Hoàng Thanh| 20/07/2018 09:49

Đảo Lý Sơn cách đất liền khoảng 15 hải lý. Từ cảng Sa Kỳ (huyện Bình Sơn) đi tàu cao tốc, gặp lúc biển lặng, nên chỉ hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi đã có mặt trên đảo. Trước khi tàu cập bến, từ biển nhìn vào Lý Sơn tựa như một chú rùa sừng sững nổi trên biển cả. Tàu cập bến, từng đoàn người hối hả, tấp nập nối nhau lên đảo, dường như ai cũng muốn là người đầu tiên bước chân lên đất đảo yêu thương. Chúng tôi lên đảo khi mặt trời đã lên cao, từng cơn gió từ biển cả thổi vào mang theo hương biển làm vơi đi cái nóng oi ả của tiết trời mùa hạ.

ADQuảng cáo

Một góc đảo Lý Sơn. Ảnh tư liệu

Ấn tượng đầu tiên trong tôi là Lý Sơn sao gần gũi đến thế, không khác đất liền là bao. Trên bến, hàng đoàn xe ô tô đủ các loại đứng chờ khách. Dọc bờ biển những cột điện thẳng tắp đưa điện từ đất liền ra đảo; những nhà nghỉ, khách sạn san sát, nối nhau; những hàng quán rộn tiếng nói cười… Nhờ một đồng nghiệp ở Báo Quảng Ngãi giúp đỡ nên chúng tôi đã có phòng đặt trước và sẵn lịch trình để khám phá đảo. Cũng theo hướng dẫn, tham mưu của bạn đồng nghiệp, vừa đặt chân lên đảo, chúng tôi đã nhanh chóng trở lại bến tàu để lên ca nô thăm Đảo Bé.

Cột cờ Tổ quốc trên đảo Lý Sơn

Từ đảo Lớn (Lý Sơn) mất chừng gần 20 phút chúng tôi đã cập bến đảo Bé, nằm cách 2,5 hải lý về phía Tây Bắc. Đảo này có diện tích khoảng 0,67 km2 và là 1 trong 3 đơn vị hành chính cấp xã của huyện đảo Lý Sơn. Thông qua bác lái xe kiêm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn, chúng tôi được biết, hiện nay, ngoài việc xây kè, làm đường bê tông, đảo còn có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt nên ngày càng có nhiều người đến sinh sống, lập nghiệp. Phần lớn người dân trên đảo sinh sống bằng nghề đánh bắt hải sản và nông nghiệp. Tuy nhiên, do du lịch phát triển mạnh nên ngày càng có nhiều người chuyển sang làm du lịch và dịch vụ.

Đảo Bé có nhiều bãi san hô đẹp, hoang sơ nên thu hút được du khách, nhất là dịch vụ lặn biển. Trên đảo hiện có nhiều hộ dân làm du lịch bằng theo hình thức homestay và nhiều dịch vụ đi kèm như bán đặc sản, đồ lưu niệm biển... Hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã đi hết một vòng quanh đảo Bé. Tuy vậy, nhiều thành viên trong đoàn cứ nuối tiếc, muốn nán lại lâu hơn để chụp ảnh lưu niệm nhưng thời gian không cho phép vì phải trở lại để tiếp tục khám phá đảo Lớn.

Quang cảnh nên thơ trên đảo Bé

Cũng như đảo Bé, toàn bộ đảo Lý Sơn hiện đã được đầu tư xây kè và đường bê tông quanh đảo nên việc tham quan chủ yếu bằng xe ô tô, khá thuận tiện. Điểm đầu tiên chúng tôi ghé thăm là Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải hay còn gọi là Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Đây là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa lịch sử, thiêng liêng của Tổ quốc. Bảo tàng đang lưu trữ hơn 100 tư liệu, hiện vật về Đội hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải. Qua thuyết minh của nhân viên, chúng tôi như được “sống” lại về một thời xa xưa, các bậc tiền nhân, những dòng họ đã đi vào lịch sử xác lập chủ quyền của nước Việt Nam ở các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…

ADQuảng cáo

Du khách tham quan Bảo tàng Hoàng Sa Bắc Hải

Rời bảo tàng, chúng tôi đi vào trung tâm đảo để thăm và tìm hiểu quy trình sản xuất đặc sản nổi tiếng trên đảo là hành, tỏi. Trên đảo, người dân 2 xã An Hải và An Vĩnh đều trồng hành, tỏi, nhưng tập trung nhiều ở xã An Hải. Thời điểm chúng tôi ghé thăm đúng dịp vào mùa thu hoạch hành. Trên khắp các cánh đồng, bà con đang hối hả thu hoạch, người nhổ, người phân loại hay gom lại để vận chuyển hối hả trong nắng trưa. Theo cụ bà Lê Thị Phương, ở xã An Hải-người đã có “thâm niên” trồng hành, tỏi hơn 70 năm thì năm nay hành được mùa, được giá. Mỗi vuông (khoảng vài trăm m2) thu được chừng 5 tạ, với giá bán tại chỗ cho tư thương 35.000 đồng/kg thì nông dân đã có lãi. Theo các hộ dân ở đây, toàn đảo Lý Sơn hiện có khoảng trên 300 ha hành và tỏi, với sản lượng mỗi năm đạt trên 2.000 tấn. Hiện nay, việc vận chuyển dễ dàng và đã có tiếng trên thị trường nên giá cả hành, tỏi tương đối ổn định. Vì vậy, không những mở rộng diện tích, người dân còn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất như trồng hành, tỏi trong nhà vòm nhằm đạt năng suất và chất lượng cao hơn.

Lý Sơn có nhiều thắng cảnh đẹp, nhất là những thắng cảnh tự nhiên được hình thành qua hoạt động của núi lửa từ hàng triệu năm trước đây như: Hang Câu, Bãi Hang, Giếng Xó La, Cổng Tò Vò… Đây là những địa điểm thu hút nhiều du khách nhất khi đến đảo. Tại đây, có rất nhiều công ty du lịch trong nước tổ chức các tuor cho du khách. Người dân cũng bày bán các loại đặc sản của địa phương như hành, tỏi, hải sản khô, rong biển… cho du khách.

Thắng cảnh Cổng Tò Vò

Chúng tôi nuối tiếc rời thắng cảnh Cổng Tò Vò khi hoàng hôn đã buông trên đảo. Trên biển, mặt trời đã lặn xuống đường chân trời từ lúc nào, mặt biển lung linh sắc hồng. Dọc theo đường bờ biển, điện đường, điện ở các bảng hiệu của các quán hàng, khách sạn sáng lên khiến cho cả hòn đảo tựa như một viên ngọc lấp lánh giữa biển khơi.

Nông dân xã An Hải thu hoạch hành

Đêm trên đảo không yên lặng mà rất sôi động, nhộn nhịp. Từ chập tối, các quán hải sản bên bờ biển đã kín khách. Dường như du khách thăm đảo đều dồn hết ra những hàng quán bình dân này. Những loại hải sản đặc trưng của vùng biển như mực, cá dìa, ốc… còn sống được bày ra trước quán mời chào, níu chân du khách. Đêm chúng tôi ở lại trên đảo đúng vào dịp diễn ra World Cup 2018 nên dường như cả đảo không ngủ. Hàng nghìn người trên đảo đợi xem những trận bóng đá hấp hẫn diễn ra tận nước Nga.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi rời Lý Sơn trên chuyến tàu cao tốc đầu tiên, ai cũng quyến luyến, hẹn ngày trở lại. Thời gian thăm đảo không nhiều, song với những gì được trải nghiệm, chứng kiến, trong chúng tôi ai nấy dường như đều đong đầy tình yêu biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đong đầy cảm xúc Lý Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO