Khơi dậy niềm tự hào, đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Mỹ Hằng| 31/08/2018 16:59

Những năm qua, bằng tâm huyết, sự nhiệt tình, nhiều nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ, góp phần khơi dậy niềm tự hào, đam mê với nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

ADQuảng cáo

Chị Thị Ai ( bên phải) luôn tâm huyết, động viên các bạn trẻ giữ gìn nghề dệt thổ cẩm

Nghệ nhân Thị Ai ở bon Bu Kóh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) là một trong những người còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của người M’nông ở địa phương. Theo nghệ nhân Thị Ai, nghề dệt thổ cẩm gắn bó với chị khi vừa tròn 10 tuổi và đến nay đã hơn 30 năm. Hễ rảnh rỗi là chị lại ngồi bên khung cửi để dệt những tấm vải mình yêu thích. Những họa tiết, hoa văn, kiểu dáng đều được chị sáng tạo ngày càng mới lạ nhưng không hề mất đi nét đặc trưng của người M’nông.

Với nghệ nhân Thị Ai, dệt thổ cẩm truyền thống không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê, nên luôn mong nghề dệt thổ cẩm được bảo tồn và phát triển ngay trên quê hương mình. Bởi vậy, ngoài việc phục vụ cho các thành viên trong gia đình, chị còn dệt thổ cẩm bán cho những ai có nhu cầu. Năm 2012, chị Thị Ai được Trung tâm giới thiệu việc làm phụ nữ (Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh) mời làm người truyền dạy dệt thổ cẩm cho bà con trên địa bàn xã và chị đã tổ chức được hơn 10 lớp.

Mỗi lớp học kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, thu hút rất nhiều chị em tham gia học hỏi, nâng cao tay nghề và tự tay dệt những trang phục, vật dụng cho người thân trong gia đình. Chính tình yêu, sự nhiệt tình của chị đã động viên, khuyến khích thế hệ trẻ tiếp nối nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Chị Thị Ai ở bon Bu Kóh, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) gắn bó với nghề dệt thổ cẩm đã hơn 30 năm

Chị Thị Ai vui vẻ: “Dệt thổ cẩm không khó nhưng cần sự tỉ mỉ, nếu không có niềm đam mê thì không làm được. Khó nhất ở chỗ tạo hoa văn, đòi hỏi người dệt phải có trí nhớ cũng như sự tưởng tượng phong phú. Ngoài việc truyền nghề, tôi còn nhắc nhở lớp trẻ phải biết tự hào và gìn giữ văn hóa truyền thống của cha ông. Thấy nhiều chị em phụ nữ trong xã biết dệt thổ cẩm tôi vui lắm”.  

ADQuảng cáo

Tương tự, cũng xuất phát từ niềm đam mê dệt thổ cẩm, chị H’Len ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) vẫn ngày ngày ngồi bên khung cửi để dệt những tấm vải mình yêu thích. Theo chị H’Len, nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê không cầu kỳ nhưng đòi hỏi sự chuẩn xác trên từng chi tiết của hoa văn.

Với đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, những họa tiết, hoa văn truyền thống của người Ê đê đã được chị H’Len thể hiện hài hòa, bắt mắt trên từng tấm vải. Vì vậy, chị H’Len được xem là một trong những người dệt thổ cẩm đẹp nhất ở xã Tâm Thắng và thường xuyên đại diện cho địa phương tham gia tranh tài ở các hội thi dệt thổ cẩm đẹp, mang về nhiều danh hiệu.

Chị H'Len ở buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút) là người đi đầu trong hoạt động gìn giữ nghề dệt thổ cẩm ở địa phương

Từ niềm đam mê, chị H’Len quyết tâm gìn giữ nghề truyền thống bằng việc tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Một mặt, chị H’Len phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức mở các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm, một mặt đi đến nhà các bạn trẻ trong buôn để vận động theo học, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu nghề truyền thống. Dưới sự chỉ dẫn của chị, sau khi học xong, các học viên đều có thể tự tay làm ra sản phẩm từ công đoạn dệt cho đến may vá để mặc vào những ngày lễ hội truyền thống của đồng bào.

Chị H’Pơl ở bon Bu Pảh, xã Trường Xuân (Đắk Song) dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng vẫn quyết tâm gìn giữ nghề dệt truyền thống của dân tộc Mỗi khi ngồi vào khung dệt, chị lại nhớ đến người mẹ quá cố đã chỉ dẫn, khơi dậy niềm đam mê cho mình. Chị H’Pơl cho biết: “Trước đây, bà con trong bon thường hay mặc trang phục truyền thống nên nghề dệt rất phổ biến, hầu như nhà nào cũng có khung cửi. Tuy hiện nay cuộc sống phát triển, có nhiều thay đổi, nhưng bản thân tôi vẫn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm để phục vụ bà con khi có nhu cầu, nhất là trong các dịp lễ hội".

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình yêu văn hóa truyền thống, cùng với sự vận động, nỗ lực của cơ quan chức năng mà nghề dệt thổ cẩm vẫn còn duy trì ở các bon làng. Toàn tỉnh hiện có 643 người biết dệt thổ cẩm và đa phần vẫn còn duy trì nghề. Một số nghệ nhân tâm huyết, có tài hoa được khuyến khích truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ. Vì vậy, mỗi khi địa phương tổ chức các sự kiện quan trọng, đồng bào lại khoác lên mình những trang phục truyền thống, tạo nên những sắc màu độc đáo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi dậy niềm tự hào, đam mê với nghề dệt thổ cẩm truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO