Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018): Đền thờ vua Đinh-vua Lê ở Cố đô Hoa Lư

Quốc Sỹ| 17/04/2018 09:41

Nằm trong quần thể Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng (Đinh Bộ Lĩnh) và vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) là điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách trong và ngoài nước. Đền thờ hai vua này nằm trong quần thể Di sản thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận năm 2014; được xếp hạng "Top 100 công trình 100 tuổi nổi tiếng ở Việt Nam”.

ADQuảng cáo

Ðền thờ vua Đinh Tiên Hoàng tọa lạc trên diện tích khoảng 5ha, được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 17, theo kiểu "nội công, ngoại quốc". Lớp ngoài là Ngọ môn quan (cổng ngoài) có 3 gian lợp ngói. Qua một sân ngắn vào đến lớp thứ hai là đến Nghi môn (cổng trong) gồm 3 gian dựng bằng gỗ lim, kiến trúc theo 3 hàng chân cột. Bốn góc ngoài của nghi môn có xây bốn cột trụ cao. Ði hết chính đạo, qua hai cột trụ lớn là đến sân rồng. Giữa sân rồng có một long sàng bằng đá xung quanh chạm rồng nổi, dài 1,8m, rộng 1,4m. Hai bên long sàng có 2 con rồng đá chầu, được tạc trên hai tảng đá xanh nguyên khối rất đẹp.

Cổng Đông, lối chính dẫn vào Khu di tích lịch sử văn hóa Cố đô Hoa Lư và đền thờ vua Đinh-vua Lê

Từ sân rồng bước lên là Bái đường 5 gian có kiến trúc độc đáo. Tiếp đến là Thiêu hương, kiến trúc theo kiểu ống muống, nơi thờ tứ trụ triều đình nhà Ðinh. Ði hết toà Thiêu hương du khách bước vào chính cung 5 gian. Gian giữa thờ tượng vua Ðinh được đúc bằng đồng đặt trên bệ thờ bằng đá xanh nguyên khối. Hai bên bệ đá có hai con rồng chầu bằng đá, tạc theo kiểu yên ngựa. Gian bên phải thờ tượng Ðinh Phụng Lang (ngoài), Ðinh Ðế Toàn (trong) đều quay mặt về phía Bắc; là hai con thứ của vua Ðinh Tiên Hoàng. Gian bên trái thờ tượng Ðinh Liễn quay mặt về phía Nam, là con trưởng của vua Ðinh.

Ngọ môn quan của đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng có khắc bốn chữ Hán “Bắc Môn Tỏa Thược” (có nghĩa là Khóa chặt cửa Bắc)

Ðền thờ vua Ðinh Tiên Hoàng là một kiến trúc độc đáo trong nghệ thuật chạm khắc gỗ và đá của các nghệ sĩ dân gian Việt Nam ở thế kỷ 17 - 19. Ðền vua Ðinh nằm giữa các tán cây đại thụ, các vườn cây ăn quả, cây cảnh đan xen nhau càng tạo nên vẻ bề thế, hoành tráng, tôn nghiêm của ngôi đền.

Theo Đại Việt Sử ký toàn thư của sử gia Lê Văn Hưu, Đinh Tiên Hoàng tên húy là Đinh Bộ Lĩnh, người ở động Hoa Lư, châu Đại Hoàng, con của Thứ sử châu Hoan Đinh Công Trứ. Đinh Bộ Lĩnh có công dẹp yên các sứ quân tự lập nên Đế, ở ngôi 12 năm (968 – 979). Thuở niên thiếu, Đinh Bộ Lĩnh thường cùng chúng bạn chăn trâu ngoài đồng, các bạn của Đinh Bộ Lĩnh tự thấy kiến thức không bằng ông nên suy tôn ông làm trưởng. Khi chơi đùa, vua Đinh thường bắt chúng bạn khoanh tay làm kiệu để rước và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Cũng theo Đại Việt Sử ký toàn thư, Đinh Tiên Hoàng có tài năng, sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời. Đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, vua Đinh đã một phen cất quân mà 12 sứ quân phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ…

Sân rồng và Bái đường đền thờ vua Đinh

Đại Cồ Việt là quốc hiệu của Việt Nam dưới thời nhà Đinh, Tiền lê và đầu thời nhà Lý, kinh đô ban đầu đặt tại Hoa Lư và từ tháng 7 âm lịch năm 1010 đặt tại Thăng Long-Hà Nội.

Nhà nước Đại Cồ Việt tồn tại 86 năm kể từ khi Đinh Bộ Lĩnh thống nhất vùng châu thổ phía Bắc, lên ngôi hoàng đế năm 968 cho đến tháng 10 âm lịch năm 1054 đời vua Lý Thánh Tông, khi ông đặt ra quốc hiệu Đại Việt. Thời kỳ Đại Cồ Việt đánh dấu lần đầu tiên sau thời kỳ Bắc thuộc, người Việt có được một quốc gia độc lập, một nhà nước phong kiến tập quyền riêng và quân đội riêng.

Long sàng được đặt giữa sân rồng, được công nhận là “Bảo vật quốc gia”

Trước mặt đền là núi Mã Yên có hình dáng giống cái yên ngựa, trên núi có lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng. Để lên được lăng mộ, du khách leo qua 265 bậc thang bằng đá.

Trong nhà trưng bày di tích khảo cổ học, nền móng cung điện thời kỳ Đinh – Tiền Lê, thế kỷ thứ X, các nhà khảo cổ học đã tìm ra những viên gạch có dòng chữ “Đại Việt Quốc Quân Thành Chuyên” và gạch “Giang Tây Quân”.

ADQuảng cáo

Nơi thờ Quốc phụ Quốc mẫu vua Đinh Tiên Hoàng

Cách đền thờ vua Đinh khoảng 300m là đền thờ vua Lê Đại Hành. Lê Đại Hành tên thật là Lê Hoàn. Trong cuộc đời 64 năm của Lê Hoàn (941-1005) có tới 37 năm gắn bó với kinh đô Hoa Lư, kể từ khi xây dựng kinh đô Hoa Lư (968-1005) và 34 năm kể từ khi Lê Hoàn giữ chức Thập đạo tướng quân cho đến khi mất (971-1005). Trong 25 năm làm vua ở kinh đô Hoa Lư (980-1005), Lê Hoàn có hai công lớn là "kháng Tống" năm 981 và "bình Chiêm" năm 982. 

Đền thờ vua Lê Đại Hành cũng được xây theo kiểu “nội công ngoại quốc” giống đền thờ vua Đinh, nhưng có quy mô nhỏ hơn. Ngoài thờ vua Lê Đại Hành, đền còn thờ thái hậu Dương Vân Nga, hoàng tử Lê Long Đĩnh, đền còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng.

Vết tích nền móng cung điện Kinh đô Hoa Lư nằm ngay sát đền thờ vua Đinh

Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay. Bên tay phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ "Hổ phục" gồm gốc cây Duối tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng "voi quỳ" được khắc hai chữ Hán "Bất di".

Núi Mã Yên, nơi đặt lăng mộ vua Đinh Tiên Hoàng

Qua Nghi môn nội (cửa trong) cũng 3 gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ "Phượng Ấp", bên trái là hòn non bộ "Long Mã". Ở sân rồng gần gian giữa của Bái đường có long sàng bằng đá. Tuy nhiên, long sàng này có mặt bằng, không được chạm rồng nổi như long sàng ở đền thờ vua Đinh. Do vậy, long sàng ở đền thờ vua Lê Đại Hành không được công nhận là “Bảo vật quốc gia” như long sàng ở đền thờ vua Đinh.

Cổng chính đền thờ vua Lê Đại Hành

Ðền có ba toà: toà ngoài là Bái đường, toà giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người có công với vua Lê Ðại Hành. Gian giữa chính cung thờ Lê Hoàn ngồi hướng về phía trước, bên phải là hoàng tử Lê Long Đĩnh quay về hướng Bắc, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga quay hướng Nam về phía đền vua Đinh. Theo lý giải của dân gian thì mặc dù bà đã xuất giá làm vợ vua Lê Đại Hành nhưng vẫn hướng về người chồng cũ là vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên trái chính cung thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái vua Lê và Dương Vân Nga, đồng thời là vợ của Lý Thái Tổ sau này. Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân là người sinh ra vua Lý Thái Tông vào năm 1000. Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, bà thường về chùa Duyên Ninh để trông coi lăng mộ vua cha và tác hợp cho nhiều đôi trai gái thành duyên.

Cách bài trí của đền thờ vua Lê cũng tương tự như đền thờ vua Đinh

Phía trước đền thờ 2 vua Đinh-Lê có Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ. Nhà bia đặt tấm bia đá cao 1,99m, rộng 1,38m (chưa kể phần đế). Mặt bia quay hướng Bắc. Trán bia chạm hình mặt nguyệt và vân ám, diềm bia chạm hình hoa cúc dây. Bia có khắc toàn bộ nội dung bài Văn bia tưởng niệm, ghi nhận công lao của vua Lý Thái Tổ ở Hoa Lư do Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Vũ Khiêu soạn thảo. Đây là một công trình kiến trúc có ý nghĩa lớn, giá trị lớn về lịch sử- văn hoá, trường tồn, được mô phỏng, dựng xây theo lối kiến trúc nghệ thuật truyền thống phương Đông.

Nhà bia tưởng niệm vua Lý Thái Tổ

Được biết, theo kế hoạch, Lễ Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018) và khai mạc Lễ hội Hoa Lư 2018 sẽ được tổ chức với quy mô cấp tỉnh vào lúc 20 giờ tối thứ Ba, ngày 24/4/2018 (tức ngày mùng 9 tháng 3 âm lịch). Địa điểm tổ chức tại sân Lễ hội, Khu di tích lịch sử văn hoá Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968 - 2018): Đền thờ vua Đinh-vua Lê ở Cố đô Hoa Lư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO