Lòng yêu nước, thương dân của Bác tỏa sáng trong thi ca

Nguyễn Văn Thanh| 17/05/2019 09:40

Ngày 19/5/1890 cả dân tộc Việt Nam ta chào đón một người con ưu tú của đất nước ra đời: Đó chính là cậu bé Nguyễn Sinh Cung - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - người chiến sĩ cách mạng mang tên Nguyễn Ái Quốc và Người - Hồ Chí Minh cũng chính là vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam.

ADQuảng cáo

Trong suốt cuộc đời làm cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng sức dân, luôn tâm niệm là lấy dân làm gốc. Người cho rằng, “…trong bầu trời không có gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân”.

Chính vì lẽ đó, trong văn học, nói chung và thơ ca nói riêng, không ít những nhà thơ đã ca ngợi đạo đức Hồ Chí Minh thông qua ngôn ngữ văn học. Những bài thơ ca ngợi Bác Hồ dễ đi sâu vào lòng người, tình người, làm rung động trái tim thương nhớ, kính yêu lãnh tụ.

Bác Hồ thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. Ảnh tư liệu

“Yêu Bác để lòng ta trong sáng hơn/Xin nguyện cùng Người vươn tới mãi” (Tố Hữu). Lời thơ ấy đã nói lên tình cảm và nguyện ước của mỗi chúng ta. Bác Hồ là hiện thân của cái Đẹp cao cả dành trọn cuộc đời mình vì Nước vì Dân. Mà cái Đẹp luôn là đối tượng của thơ ca, nên dễ hiểu nhiều nhà thơ lớn luôn bị hấp dẫn bởi bức tượng đài kỳ vĩ hoành tráng mà rất mực chân thực, chân tình, bình dị. Lần đầu tiên viết về Bác, nhà thơ Tố Hữu cảm nhận vẻ đẹp ở Bác trước hết là vẻ đẹp của người lính đấu tranh vì dân tộc và thời đại: “Người lính già /Đã quyết chí hi sinh/Cho Việt Nam độc lập/Cho thế giới hòa bình…(Hồ Chí Minh).

Lòng yêu nước, thương dân cứ thôi thúc trái tim và bầu nhiệt huyết sục sôi tuổi trẻ. Ngày 5/6/1911, Nguyễn Tất Thành từ cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) rời Tổ quốc. Những dòng cảm xúc và tứ thơ Chế Lan Viên cứ lay động trong tâm thức hàng triệu thế hệ: “Đất nước đẹp vô cùng nhưng Bác phải ra đi/ Cho tôi làm sóng dưới con tàu đưa tiễn Bác/ Khi bờ bãi dần lui làng xóm khuất/ Bốn phía nhìn không bóng một hàng tre” (Người đi tìm hình của nước).

Làm sao quên được thời khắc xúc động và thiêng liêng đối với Bác, đối với Tổ quốc, Nhân dân. Trong bài thơ "Người đi tìm hình của nước", Chế Lan Viên đã rất thành công trong việc tái hiện bằng thơ cái khoảnh khắc rất cảm động phút "lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin": “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lênin/Bốn bức tường im nghe Bác lật từng trang sách gấp/Tưởng bên ngoài, đất nước đợi mong tin” (Người đi tìm hình của nước).

Vẻ đẹp giản dị mà vĩ đại của Bác đã đi vào cuộc sống của con người Việt Nam với bao điều để nhớ, để tự hào và dân tộc Việt Nam luôn nhận thấy “tình Bác sáng đời ta”, luôn hiểu rằng “ta bên Người, Người tỏa sáng cho ta”. Chân dung của Bác được Tố Hữu thể hiện trong nỗi nhớ của đồng bào Việt Bắc: “Nhớ ông cụ mắt sáng ngời /Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường /Nhớ Người những sáng tinh sương/Ung dung yên ngựa trên đường suối reo/Nhớ chân Người bước lên đèo /Người đi rừng núi trông theo bóng Người” (Việt Bắc).

Đối với người miền Trung, lời bài hát “Miền Trung nhớ Bác” của nhạc sĩ Thuận Yến như đã đại diện Nhân dân thể hiện tình cảm dạt dào, sâu nặng của đất và người miền Trung đối với Bác Hồ kính yêu: “Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/ Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đêm miền Trung... Trời miền Trung mưa tuôn nắng cháy/ Đất quê tôi đưa Bác suốt dặm trường/ Để bây giờ đất gọi mãi nhớ thương...”.

ADQuảng cáo

Đối với đồng bào Tây Nguyên, sự kiện lịch sử đầu tiên ghi nhận mối quan tâm và tình cảm của Bác đối với Tây Nguyên là bức thư của Người gửi Hội nghị các dân tộc thiểu số miền Nam được tổ chức tại Pleiku (Gia Lai) ngày 19/4/1946: “Đồng bào Kinh hay Tày, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê đê, Ba Na, Xê Đăng hay M’nông và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng, khổ, no, đói bên nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt…”. Lời của Người như truyền thêm sức mạnh cho đồng bào vững niềm tin vào Đảng, đoàn kết đứng lên làm cách mạng, đánh đuổi quân xâm lược, giữ lấy núi rừng Tây Nguyên thân yêu.

Từ niềm tin yêu, tôn kính như vậy, đồng bào đã ví von những điều hay lẽ đúng hôm nay mình có được như là những bông hoa đẹp đã được Bác Hồ, được cách mạng đem lại, ươm mầm vào tinh thần và ý thức: “...Hoa Bác Hồ cho bốn mùa tươi thắm/ Vàng xanh tím đỏ trắng hồng.../Ai muốn nhiều hoa đẹp nhất buôn/ Lo đánh Ngụy và lo đuổi Mỹ.../... Đất nước mình hôm nay đánh giặc/ Yêu hoa ta cố ta trồng/ Khi thống nhất, Bác Hồ về Tây Nguyên ta đón/ Trăm vòng tay có triệu cánh hoa ôm...” (Hoa - Hồng Chinh Hiền). Hình tượng Bác Hồ và lý tưởng cách mạng của Bác đối với đồng bào Tây Nguyên được ẩn dụ bằng rất nhiều hình tượng.

Ngoài những biểu tượng "hoa đỏ", "ông sao miền Bắc"... còn là "phương mặt trời mọc", "nước nguồn miền Bắc"... trong những lời thơ, lời ca nổi tiếng từ lúc bấy giờ: "... Em hỏi cây kơ nia:/ - Gió mày thổi về đâu?/ Về phương mặt trời mọc!/ Mẹ hỏi cây kơ nia:/ - Rễ mày uống nước đâu?/ - Uống nước nguồn miền Bắc!/Con giun sống nhờ đất/ Chim phí sống nhờ rừng/Em và mẹ nhớ anh/ Uống theo nguồn miền Bắc/ Như gió cây kơ nia/ Như bóng cây kơ nia"... (Bóng cây kơ nia - Ngọc Anh).

Còn đối với miền Nam, sinh thời Bác Hồ đã từng tâm sự: Mình sinh ra ở xứ Nghệ An, ra đi tìm đường cứu nước từ bến cảng Nhà Rồng. Qua Pháp, qua Anh, qua Mỹ, các nước châu Phi, đến Liên Xô rồi về Trung Quốc, thế mà đến nay chưa được vào tới miền Nam. Đáp lại tình cảm thiêng liêng của Bác, mỗi chiến sĩ trước khi ra trận đều khắc sâu hình bóng của Bác nơi trái tim mình. Nhiều chiến sĩ nói: Mỗi lần nhận nhiệm vụ hay trước một trận đánh lớn, nhớ tới Bác Hồ là chúng tôi lại thấy như được tiếp thêm sức mạnh. Khi đấu tranh với kẻ thù, người chiến sĩ có trái tim, trái tim mang hình Bác thiêng liêng rực rỡ.

Trong cảnh đất nước tạm thời chia cắt, bà má miền Nam đã gửi ra dâng Bác “gói đất miền Nam” với nghĩa tình thủy chung son sắt: “Đất này mảnh đất quê hương /Cùng chung máu thịt giang sơn Lạc Hồng /Xin dâng Cụ cả tấm lòng /Cụ in ở bức thành đồng miền Nam” (Gói đất miền Nam-Xuân Miễn). Từ chiến trường miền Nam, Thu Bồn đã Gửi lòng con đến cùng Cha để thắp nén hương viếng Bác: “Hẳn trong đôi mắt sáng ngời/Vẫn nguyên vẹn một khoảng trời phương Nam/Con qua Cẩm Lệ sông Hàn/Ngũ Hành Sơn đứng mơ màng bóng Cha”(Gửi lòng con đến cùng Cha). Viễn Phương đã bày tỏ nỗi đau thương vô hạn, và khát vọng mãi mãi bên Người của đồng bào miền Nam: “Mai về miền Nam thương trào nước mắt /Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác /Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây/Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này” (Viếng lăng Bác).

Tháng 5 về, nhớ về ngày sinh của Bác, và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác, lối sống giản dị, gần gũi với Nhân dân, trọng dân, thương dân. Một nếp nhà sàn nhỏ bằng gỗ, một đôi dép lốp cao su, hai bộ quần áo vải kaki bạc màu và chỉ một ham muốn, một ham muốn suốt đời sao cho dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành: “Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị / Màu quê hương bền bỉ đậm đà?... Nơi Bác ở: sàn mây vách gió / Sáng nghe chim rừng hót sau nhà/Đêm trăng một ngọn đèn khêu nhỏ/Tiếng suối trong như tiếng hát xa/ Còn đôi dép cũ mòn quai gót / Bác vẫn thường đi giữa thế gian?"....(Sáng tháng năm - Tố Hữu).

“Bác đi Di chúc giục lòng ta”, cuộc đời ta luôn có Bác dẫn đường, tên Người đã trở thành niềm tin và dũng khí, tên Người giục bước chúng con. Hình ảnh Bác luôn vẫy gọi chúng ta tiến lên phía trước. Người chiến sĩ vượt Trường Sơn muôn vàn gian truân thử thách vẫn như thấy đây là con đường “Bác mới đi qua”, “Bác đã đến nơi này”. Trong bài thơ “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, Nguyễn Trung Thu đã viết: “Đêm Trường Sơn /Chúng cháu nhìn trăng, nhìn cây /Cảnh khuya như vẽ/Bâng khuâng chúng cháu nghĩ/Bác như đã đến nơi này /…Đêm Trường Sơn chúng cháu dồn chân bước /Con đường Bác mới đi qua” . Bác ra đi không mang theo gì cả mà lại là nguồn sáng của lẽ sống lớn cho đời ta thêm hạnh phúc. Từ cảm nhận sâu sắc đó, Việt Phương khẳng định: “Mỗi chồi non tạc theo hình Bác /Tinh cầu ta thành trái đất niềm vui”.

Chúng ta luôn nhớ lời Người: “Ở đời và làm người phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, H, 1990, trang 174) và Người đã không chỉ cống hiến trọn cuộc đời mình cho độc lập dân tộc và tự do, ấm no và hạnh phúc của Nhân dân Việt Nam mà còn góp sức mình vào sự nghiệp giải phóng nhân loại bị áp bức, bất công trên toàn thế giới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lòng yêu nước, thương dân của Bác tỏa sáng trong thi ca
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO