Mai này ai hát sử thi? (kỳ 2)

Đức Hùng| 11/03/2016 09:36

Kỳ 2: Sử thi sống ở đâu?

ADQuảng cáo

Tự thân bảo tồn di sản

Người biết hát sử thi hiện nay, hầu hết là những người già, tuổi cao và phần lớn không biết chữ. Để có thể lưu giữ sử thi, già Y Kai thường hát trong lúc lao động trên rẫy, khi buồn, khi vui, khi sum họp với con cháu.

Nghệ nhân Y Kai, ở bon Jun Yuh, xã Đức Minh (Đắk Mil) người thuộc và hát kể được nhiều sử thi

Đặc biệt,  nghệ nhân Thị Mai, con gái của cố nghệ nhân Điểu Kâu ở xã Đắk N’drung (Đắk Song) vẫn dành thời gian để nghe lại những băng ghi âm mình thực hiện được, xem lại những tập sử thi đã biên dịch để nhớ. Với những tài liệu đã sưu tập được, Thị Mai đang hệ thống lại để có thể tìm những cách thức tốt nhất truyền dạy cho những người đam mê hát sử thi. Trong những câu chuyện hàng ngày của cuộc sống, Thị Mai còn là người đi hòa giải những mâu thuẫn của người dân trong bon bằng cách mà sử thi dạy.

Thị Mai tâm sự: “Trong sử thi, việc giải quyết một câu chuyện sao cho có tình, có lý, theo đúng luật nhưng cũng đầy tính cộng đồng, sâu sắc. Dựa vào đó, tôi đã hòa giải thành công hàng chục sự việc do mâu thuẫn trong cuộc sống gây nên”.

Trong những ngày gặp gỡ, trao đổi với các nghệ nhân hát sử thi chỉ cần được khơi gợi, được hỏi về văn hóa, về những gì họ đang có, đang nắm giữ thì tình yêu với văn hóa truyền thống dân tộc lại bùng cháy qua cách nói chuyện, thể hiện của họ. Họ hồn nhiên cất lên những câu sử thi và cũng gửi gắm bao trăn trở với văn hóa truyền thống. Qua những ngày gặp gỡ ấy, chúng tôi nhận ra, ngọn lửa tình yêu của họ với sử thi, với văn hóa truyền thống như lò than âm ỉ cháy, chỉ cần một cơn gió sẽ rực lên và bùng cháy mạnh mẽ.  Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống hiệu quả nhất thì phải từ chính họ, họ tự hào về điều họ làm và lưu giữ.

Theo các nghệ nhân, sử thi được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng, trải qua thời gian khả năng xuất hiện dị bản là rất lớn. Bên cạnh đó, trong cuộc sống hiện nay, đang có sự trao đổi thông tin và giao lưu văn hóa giữa các dân tộc, nếu không giữ được cái bản sắc riêng thì sẽ dễ mất đi vĩnh viễn những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.

Một thực tế hiện nay cho thấy, việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc một phần lớn cũng nhờ vào sự đam mê, tâm huyết của các nghệ nhân.

Môi trường diễn xướng sử thi không còn

ADQuảng cáo

Những nghệ nhân đam mê và lưu giữ sử thi đều cho rằng, ngày xưa họ được sống trong lễ hội, được sống trong những câu hát sử thi của cha ông. Từ câu hát ru, đến những hoạt động đời thường được chìm đắm trong môi trường sử thi để “thấm”, nên thích và nhớ, học theo. Nghệ nhân cũng đưa ra so sánh, hiện nay có bao nhiêu lần nghệ nhân được hát, bon làng, người trẻ được nghe sử thi? Câu trả lời cũng khiến nhiều người giật mình. Nếu nhìn từ các hoạt động văn hóa liên quan tới đồng bào M’nông hàng năm thì hiện nay, sử thi chỉ đang ẩn ở đâu đó. Các huyện cứ 2 năm tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc 3 lần và 2 lần/5 năm đối với cấp tỉnh, nhưng hầu như cũng không có chỗ cho sử thi, nghệ nhân thể hiện mình. Sử thi và kho tàng sử thi trong các nghệ nhân đang trong tình trạng mai một. Đất cho sử thi “sống” và phát triển ngày càng ít và gần như không còn. Trong các hoạt động văn hóa, có dành một khoảng thời gian cho sử thi thì cũng chẳng đủ để giới thiệu, để những người quan tâm kịp nghe qua, chứ chưa nói đến việc cho lớp trẻ, cho người yêu thích cảm nhận được.
Nghệ nhân Thị Mai-người đã có một khoảng thời gian dài được tiếp cận với rất nhiều bài sử thi cũng trăn trở: Hiện nay, môi trường để diễn xướng sử thi gần như không còn. Ngoài việc môi trường diễn xướng đã khác thì trong những hoạt động văn hóa truyền thống của bon làng người ta không còn thời gian và không dành thời gian cho việc diễn xướng nữa. Nếu tính toán chi li, một năm không có một dịp nào để hát sử thi, vậy thì làm sao truyền dạy được, làm sao có người yêu thích được. Phải biết mới thích, phải nghe, hiểu mới thích được chứ? Ngày xưa, người ta học được sử thi là vì được nghe mỗi ngày, sử thi được hát theo mùa, theo thời vụ, theo giai đoạn phát triển của cây trồng. Sống trong môi trường ấy, người học có trí nhớ tốt sẽ “thấm” rất nhanh.

Ý tưởng đưa sử thi vào trường học

Trăn trở về văn hóa truyền thống, Thị Mai đã thực hiện một cuộc thăm dò, tìm những người muốn hát sử thi và dự định sẽ mở một lớp học hát sử thi vào ban đêm để tìm kiếm một thế hệ kế cận. Thị Mai đã sưu tầm đủ tư liệu và đang ấp ủ việc xây dựng thành sách giáo khoa để dạy các em học sinh ở các cấp học. Học sử thi theo nhóm tuổi, ví dụ như thơ ru con dạy cho học sinh lớp 1 đến lớp 5; hát về các hoạt động giao lưu, giao tiếp, ăn ở, sinh hoạt truyền thống thì dạy cho học sinh từ lớp 6 đến lớp 9; hát sử thi dạy cho học sinh lớp 10 đến lớp 12.

Nghệ nhân Thị Mai mong muốn truyền dạy và đưa sử thi vào trường học

Nghệ nhân Thị Mai tâm sự: Sử thi được thể hiện khá rõ ràng và có thể sắp xếp theo độ tuổi. Nếu được đưa vào trường học sẽ có thể dễ dàng phát triển sử thi cho học sinh dân tộc M’nông. Hiện nay, nhiều sử thi được in thành sách nên là lợi thế cho việc truyền dạy, vì các em không cần phải học thuộc và chỉ cần nhìn vào chữ có sẵn và hát. Trước khi học bài nào, người hướng dẫn cắt nghĩa những từ cổ, những từ “khóa” để các em hiểu và tiếp thu nhanh hơn. Nếu làm theo cách này, sử thi có thể “sống” được và tiếp nối trong cuộc sống hiện nay.

Khó khăn nhất là sử thi rất đồ sộ, bao gồm mọi hoạt động, cuộc sống của con người. Trong khi đó, môi trường sinh hoạt, sản xuất của đồng bào không còn được như trước. Vì vậy, muốn học được sử thi phải có một quá trình, cần sự kiên nhẫn của người học và người dạy cũng phải biết sắp xếp sao cho phù hợp thì mới mong có người học được. Qua tìm hiểu, hiện có nhiều người M’nông thích giao tiếp bằng lối nói văn vần bằng thơ, một hình thức mang đậm văn hóa truyền thống.

Trao đổi về việc đưa sử thi vào trường học, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, thời gian qua, tại các trường dân tộc nội trú đang duy trì các câu lạc bộ cồng chiêng. Các trường học đã phối hợp với các nghệ nhân mở lớp và duy trì các đội chiêng, hình thành hạt nhân cho phong trào. Nếu đưa sử thi M’nông vào trường học như một hình thức sinh hoạt văn hóa dành cho các em người M’nông thì hoàn toàn có thể thực hiện được, về phía Sở rất ủng hộ ý tưởng này.

Ở góc độ trường học, thông qua các câu lạc bộ, các hoạt động sinh hoạt này sẽ mang tính chất trang bị kiến thức, giới thiệu, tạo môi trường để học sinh tiếp cận văn hóa truyền thống, khơi dậy niềm đam mê, muốn tìm hiểu. Môi trường học đường hoàn toàn có thể đón nhận thêm những hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống các dân tộc. Nếu làm tốt sẽ tạo ra một thế hệ kế cận và tiếp bước các nghệ nhân hát sử thi M’nông.   

Số liệu thống kê tại Thư viện tỉnh thì hiện có khoảng 86 tác phẩm sử thi M’nông với hơn 150 cuốn đã được biên dịch và in thành các tập sách để phục vụ độc giả nghiên cứu, tìm hiểu về sử thi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mai này ai hát sử thi? (kỳ 2)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO