Mối tương quan giữa văn hóa và du lịch

Thùy Dương (t.h)| 23/06/2017 10:38

Văn hóa là nền tảng cho du lịch khai thác, phát triển, nhưng văn hóa cũng phải dựa vào du lịch để quảng bá. Đó là mối tương quan cơ bản và chặt chẽ, không thể tách rời, nhưng việc sử dụng, khai thác hiệu quả mối tương quan này như thế nào là điều cần quan tâm, nhằm đạt tới mục đích chung là sự phát triển của xã hội.

ADQuảng cáo

Tấu chiêng trong Lễ cúng sức khỏe voi của dân tộc Êđê. Ảnh: Y KRăk

Hỗ trợ qua lại lẫn nhau

Mối quan hệ văn hóa - du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế có ảnh hưởng, tác động qua lại lẫn nhau. Trước hết là ảnh hưởng của văn hóa đối với du lịch. Nền văn hóa bản địa tạo nên tính độc đáo, đặc sắc, hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, từ đó góp phần đưa hình ảnh quốc gia/địa phương đến với thế giới bên ngoài một cách nhanh chóng, trực tiếp và sinh động. Về bản chất, du lịch là một hoạt động văn hóa cao cấp của con người.

Văn hóa tiềm ẩn đằng sau du lịch là nhu cầu nội sinh thôi thúc du khách lên đường và khám phá những vùng đất mới, văn hóa mới. Văn hóa là nguồn tài nguyên độc đáo của du lịch xét trên cả hai phương diện văn hóa vật thể (cảnh quan, di sản kiến trúc, di tích văn hóa - lịch sử, hàng thủ công mỹ nghệ, công cụ lao động, dụng cụ sinh hoạt, ẩm thực...) và văn hóa phi vật thể (lễ hội, nghệ thuật truyền thống, lối sống bản địa, phong tục tập quán địa phương, tín ngưỡng...).

Văn hóa là nền tảng cho việc phát triển du lịch bền vững, vì nó vừa là điểm nhấn thu hút du khách, vừa là cội rễ để bảo tồn bản sắc độc đáo trong sự giao lưu văn hóa đa dạng, tạo nên tính nhân văn cộng đồng. Văn hóa còn biểu hiện trong việc kinh doanh du lịch như hành vi ứng xử và cách thức kinh doanh giữa công ty lữ hành với du khách, giữa cư dân địa phương tham gia làm du lịch với du khách, giữa con người với môi trường du lịch, thậm chí còn trong cả mối quan hệ giữa người dân không tham gia làm du lịch với du khách.

Bên cạnh đó, du lịch cũng có tác động trở lại đối với văn hóa. Qua con đường du lịch, văn hóa bản địa được đưa đến với du khách qua những cách thức khác nhau: tham quan, khám phá, nghỉ ngơi, thưởng thức các loại hình nghệ thuật, giao lưu văn hóa... từ đó tăng cường sự đa dạng và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, vùng miền. Sản phẩm du lịch đồng thời cũng là sản phẩm văn hóa vì du khách khi tới một vùng đất mới thì nhu cầu văn hóa tinh thần luôn đi đôi với nhu cầu văn hóa vật chất.

Du lịch đem lại nguồn lực tài chính để phát triển kinh tế và văn hóa, nguồn thu từ du lịch được sử dụng để bảo tồn và duy tu các công trình văn hóa hiện có, xây dựng mới các công trình văn hóa, tài trợ cho các hoạt động văn hóa, từ đó quay trở lại góp phần phát triển du lịch.

ADQuảng cáo

Du lịch góp phần phát huy khôi phục giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như các công trình kiến trúc văn hóa cổ, các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống, các hoạt động sinh hoạt vật chất cổ xưa mang bản sắc địa phương. Du lịch cũng góp phần tích cực vào sự đa dạng của văn hóa, mang các nét văn hóa của du khách đến với nền văn hóa bản địa, du nhập những giá trị tốt đẹp từ các nền văn hóa bên ngoài và tôn vinh văn hóa bản địa trên phương diện vừa kế thừa vừa đổi mới.

Phát triển văn hóa du lịch trong bối cảnh toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa đặt ra cả thách thức và cơ hội mới cho các lĩnh vực, trong đó có du lịch, phát triển văn hóa du lịch bền vững. Theo các chuyên gia để văn hóa du lịch phát triển bền vững, phải bắt đầu từ du lịch bền vững. Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách và người bản địa, mang lại lợi ích công bằng cho các nhóm đối tượng tham gia, đồng thời quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo nguồn lực văn hóa - môi trường - xã hội cho phát triển du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững là du lịch giảm thiểu các chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích của du lịch cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương, được thực hiện lâu dài nhưng không ảnh hưởng xấu đến những nguồn lợi mà nó phụ thuộc vào.

Ba trụ cột chính cho sự phát triển du lịch bền vững: tăng trưởng kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Mạng lưới Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên Hợp Quốc (United Nation World Tourism Organization Network - UNWTO) chỉ ra rằng: Du lịch bền vững cần phải đáp ứng được ba tiêu chí: Về môi trường: sử dụng tốt nhất các tài nguyên môi trường trong phát triển du lịch, duy trì quá trình sinh thái thiết yếu và duy trì di sản thiên nhiên cũng như đa dạng sinh học tự nhiên.

Về xã hội và văn hóa: Tôn trọng tính chất xã hội và văn hóa của các cộng đồng địa phương, bảo tồn di sản văn hóa và các giá trị truyền thống đã được xây dựng và đang sống động, đóng góp vào sự hiểu biết và chia sẻ liên văn hóa. Về kinh tế: Bảo đảm sự hoạt động kinh tế lâu dài, cung cấp lợi ích tới tất cả những người hưởng lợi và được phân bổ công bằng, bao gồm cơ hội việc làm và cơ hội thu lợi nhuận ổn định và các dịch vụ xã hội cho các cộng đồng địa phương, đóng góp vào việc xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Chúng ta tự hào là một điểm đến của những giá trị và vẻ đẹp văn hóa, nghệ thuật lâu đời, độc đáo được gìn giữ, trân trọng dù có trải qua nhiều năm tháng chiến tranh chống xâm lược. Không phải nước nào trên thế giới cũng giữ gìn trao truyền được qua các thế hệ những thể loại nghệ thuật diễn xướng truyền thống như ở Việt Nam và ngày nay được công nhận là những di sản văn hóa của nhân loại như: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử Nam Bộ, hát xoan, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng, tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam cùng các loại hình nghệ thuật cổ truyền: tuồng, chèo, rối nước, dân ca các vùng, miền...; các di sản văn hóa thế giới: cố đô Huế, đền tháp Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, hoàng thành Thăng Long, Thành nhà Hồ và rất nhiều lễ hội truyền thống, làng nghề thủ công truyền thống.

Bên cạnh đó là những tài nguyên du lịch tự nhiên đã trở thành di sản thế giới như: Vịnh Hạ Long, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quần thể danh thắng Tràng An, các khu bảo tồn sinh thái và hệ thống hang động Sơn Đoòng, cao nguyên đá Hà Giang… Đấy chính là kho báu cần được trân trọng, tôn tạo, giữ gìn và phát triển để quảng bá tới bạn bè thế giới qua du lịch.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mối tương quan giữa văn hóa và du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO