Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở Đắk R’măng

Mỹ Hằng| 23/12/2016 09:56

Mặc dù vào Đắk Nông lập nghiệp đã lâu, nhưng gần 50 hộ đồng bào Thái đang sinh sống tại thôn 4, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) vẫn luôn trân trọng, gìn giữ vốn văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

ADQuảng cáo

Khua luống là nét văn hóa đặc trưng của đồng bào Thái ở xã Đắk R’măng. Ảnh: Đức Hùng

Ông Lò Văn Tịnh ở thôn 4 được xem là một trong những người am hiểu văn hóa của dân tộc Thái ở vùng đất xa xôi này, nhất là các làn điệu dân ca. Theo ông Tịnh, các thể loại dân ca Thái được mọi người biết đến là các làn điệu lăm, nhuôn, xuối, khắp (hát). Nhạc cụ của các lối hát này cũng khá đơn giản, với bốn loại là sáo, khèn, chiêng và trống. Tuy nhiên, để hát hay và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ, ngoài năng khiếu, ông còn phải sưu tầm, tìm hiểu kỹ càng thì mới có được những bài hát hay.

Với ông, được hát, được bẻ, được đối đáp trong những ngày lao động sản xuất, trong các lễ hội, đám cưới là niềm vui không gì đo đếm được. Mỗi khi trong thôn tổ chức sự kiện văn hóa hay cưới hỏi, ông lại có mặt để góp sức cho chương trình thêm vui, đầy ý nghĩa. Đặc biệt, ông đã tìm hiểu, sáng tác lời mới cho những làn điệu dân ca của dân tộc mình.

Hầu hết các bài hát do ông sáng tác đều xoay quanh các chủ đề ca ngợi Ðảng, Bác Hồ đã cho bà con cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hay những lời khuyên răn đối với con cháu trước khi lên đường nhập ngũ, động viên nhân dân phấn đấu xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ...

Ông Tịnh cho biết: “Hiện nay, song hành với sự phát triển, đổi mới, đó là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc. Vì thế, tôi luôn muốn niềm đam mê văn hóa dân tộc sẽ tác động đến ý thức của con cháu, giúp chúng hiểu ý nghĩa việc làm của tôi”.

ADQuảng cáo

Không riêng gì ông Tịnh, ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái cũng được nhiều người dân nơi đây chú trọng. Hiện nay, mỗi gia đình trong thôn đều cất giữ từ 2-3 bộ trang phục truyền thống của dân tộc và mỗi khi có các dịp lễ như mừng sinh nhật, lễ nàng han, lễ ném còn…, mọi người lại mặc để chung vui với cộng đồng. Hầu hết các chị em ở thôn 4 đều có thể tự tay làm cho mình chiếc khăn Piêu (chiếc khăn đội đầu) ưng ý.

Bà Lương Thị Hoa, một người dân trong thôn cho hay: “Ðối với người Thái, việc học dệt vải và thêu khăn Piêu là bài học phổ thông, tất yếu của tất cả mọi thành viên nữ trong cộng đồng. Chiếc khăn Piêu không chỉ góp phần làm đẹp thêm cho bộ trang phục truyền thống của dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần, văn hóa, được đúc kết, trao truyền qua nhiều thế hệ và cũng là một tiêu chuẩn để đánh giá sự đảm đang của phụ nữ Thái”.

Ông Hà Quang Cộng cũng chia sẻ: “Vào những ngày lễ tết, các thành viên trong gia đình đều mặc trang phục truyền thống để ghi nhớ những đặc trưng văn hóa của dân tộc. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà con trong thôn ai cũng trân trọng, gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, nên vui lắm”.

Bên cạnh đó, những lễ hội truyền thống như lễ cầu an, lễ hội nàng han, lễ ném còn… cũng được người dân nơi đây gìn giữ khá trọn vẹn. Mỗi khi lễ hội diễn ra thì mọi người đều đến chung vui và lúc này những làn điệu khắp, lượn, xòe cũng được cất lên một cách mượt mà, sâu lắng. Những món ăn “đặc sản” như rượu gạo, cơm lam, canh uôi, thịt lợn gác bếp, xôi đồ... đều được các gia đình làm và mang đến góp vui cùng cộng đồng.

Ðặc biệt, trên cơ sở tập hợp những người đam mê văn hóa dân tộc, hiện tại đồng bào Thái ở đây đã thành lập được Đội khua luống gồm 7 thành viên. Mỗi khi địa phương có sự kiện gì quan trọng, Đội khua luống lại có mặt để góp vui, mang lại niềm phấn khởi cho bà con.

Với đồng bào Thái, những điệu khắp, lượn vừa là “ông Tơ, bà Nguyệt” se duyên cho những đôi trai gái nên vợ nên chồng, vừa là sợi dây gắn kết bà con láng giềng. Vì vậy, vào các đêm trăng sáng hay lễ hội, đồng bào, nhất là lớp thanh niên thường ngân nga điệu khắp, lượn, làm cho cuộc sống nơi thôn dã thêm phần vui tươi với nét chân quê đáng quý.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa dân tộc Thái ở Đắk R’măng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO