Nét đẹp văn hóa qua các lễ hội đầu xuân

Mỹ Hằng| 08/03/2019 09:29

Những ngày đầu năm mới, khắp nơi trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều nô nức mở hội vui xuân với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu.

ADQuảng cáo

Các lễ hội thường kéo dài cho đến hết tháng Giêng âm lịch và mang nhiều ý nghĩa. Bởi vậy, việc gìn giữ nét đẹp truyền thống qua các lễ hội đầu xuân có ý nghĩa rất quan trọng.

Tái hiện Lễ kết tình thân tại Hội xuân Liêng Nung 2019

Đắk Nông - nơi hội tụ của hơn 40 dân tộc và mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng. Hầu hết các lễ hội của đồng bào đều được tổ chức vào dịp đầu năm mới và tùy vào mục đích mà có quy mô lớn hay nhỏ. Lễ hội thường được chia làm 2 phần: phần lễ và phần hội.

Phần lễ được tổ chức trang trọng, theo đúng nghi thức cổ truyền như: đón bạn, cúng thần linh, cầu tài lộc, cầu sức khỏe và may mắn. Phần hội được tổ chức đa dạng với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, các trò chơi dân gian như: giã gạo nấu cơm nhanh, kéo co, nhảy bao bố... tạo nên không khí hứng khởi, sôi nổi.

Ấn tượng nhất trong các lễ hội là khi tiếng chiêng vang lên cũng là lúc mọi người nới rộng vòng xoang và cùng nhau nhảy múa, không những thể hiện nét văn hóa đặc sắc mà còn chứa đựng tình đoàn kết cộng đồng. Tại lễ hội, đồng bào các dân tộc đều mặc trang phục truyền thống và mang theo một số sản vật đặc trưng để giới thiệu cho bạn bè gần xa được biết.

Thi ẩm thực luôn thu hút sự quan tâm của người dân và du khách

Điều đáng ghi nhận là hầu hết các lễ hội đều thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo đồng bào và trở thành sợi dây gắn kết cộng đồng, cùng nhau gìn giữ nét văn hóa riêng của dân tộc. Điển hình như Hội xuân Liêng Nung được UBND thị xã Gia Nghĩa tổ chức hàng năm vào ngày mùng 10 tháng Giêng tại xã Đắk Nia luôn thu hút đông đảo người dân, nghệ nhân, vận động viên tham gia.

Ngoài việc tái hiện các Lễ kết tình thân, Lễ cúng sức khỏe và Lễ cúng bến nước của đồng bào Mạ, du khách cùng đồng bào còn được thưởng thức các món ăn đặc sản của dân tộc bản địa như cơm lam, thịt nướng, canh thụt đọt mây, lá bép… cũng như tham gia các trò chơi dân gian như bịt mắt bắt heo vàng, thi ném vòng cổ vịt...

ADQuảng cáo

Hầu hết các lễ hội đều được tổ chức vào dịp đầu xuân

Bà H’Jang ở bon Bu Sốp, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) tâm sự: “Hòa mình vào lễ hội, lại được tham gia giao lưu văn nghệ, thể thao, bà con chúng tôi vui lắm. Qua lễ hội còn giúp chúng tôi hiểu biết và ý thức hơn sự cần thiết phải giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”. Nghệ nhân K’Tiêng cũng chia sẻ: “Cứ đến ngày mùng 10 tháng Giêng hàng năm là chúng tôi hăm hở tham dự Hội xuân Liêng Nung. Đây không chỉ là dịp đồng bào cùng nhau vui vẻ sau một năm làm việc vất vả mà còn là dịp để giới thiệu văn hóa của người Mạ với các dân tộc anh em khác”.

Đồng bào tham dự ai cũng mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình

Bên cạnh các lễ hội của các dân tộc bản địa, một số lễ hội của các dân tộc phía Bắc cũng được tổ chức như Lễ ném còn của người Mông; Lễ lồng tồng (lễ xuống đồng) của người Tày, Nùng; Lễ cấp sắc của người Dao... cũng được tổ chức vào dịp đầu xuân, thu hút đông đảo các dân tộc anh em trên địa bàn tham gia.

Đơn cử như đồng bào Tày, Nùng ở xã Long Sơn (Đắk Mil) và xã Nam Xuân (Krông Nô)  tổ chức Lễ hội lồng tồng với sự tham gia của gần 1.000 nghệ nhân, vận động viên cùng đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Tại lễ hội này, sau phần lễ cúng tế trời đất và thần linh là phần hội với các điệu múa, hát đặc sắc của người Tày, Nùng, Dao như múa sư tử, múa sạp, hát sli, hát lượn, hát then, thi ẩm thực, thi trang phục truyền thống… rất sinh động

Diễn tấu cồng chiêng và múa xoang là nét ấn tượng tại các lễ hội xuân của đồng bào các dân tộc bản địa

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc tổ chức các lễ hội đầu xuân có vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần của Nhân dân. Qua các lễ hội, không chỉ là dịp để bà con bày tỏ lòng thành với các vị thần linh đã phù hộ, che chở cho bon làng mà còn phát huy tình đoàn kết, chung tay xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Trong việc tổ chức các lễ hội, ngành văn hóa cử cán bộ chuyên môn xuống đôn đốc, khảo sát thực tế cũng như tham khảo ý kiến của các già làng, trưởng bon, nghệ nhân xem tổ chức có đúng với phong tục truyền thống hay không… Đồng thời, chính quyền các địa phương cũng tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại nơi diễn ra lễ hội để người dân và du khách có thể an tâm hòa mình chung vui, tạo không khí phấn khởi đầu năm.

Thi trang phục truyền thống tại Hội xuân Liêng Nung năm 2019

Điều đáng nói nữa, qua nhiều năm tổ chức ở các địa phương, các lễ hội đầu xuân đều mang không khí vui tươi, phấn khởi, thực sự là nét đẹp văn hóa, sân chơi đúng nghĩa của đồng bào các dân tộc, không bị “thần thánh hóa”, mang tính chất mê tín, dị đoan, cầu tài, cầu lộc... như thường diễn ra ở một số lễ hội ở các tỉnh, thành trong cả nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nét đẹp văn hóa qua các lễ hội đầu xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO