Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ở Tây Nguyên

Bá Thăng| 31/03/2017 10:06

Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên được thể hiện rất đa dạng và độc đáo. Tính độc đáo của cồng chiêng Tây Nguyên thể hiện ở trình độ điêu luyện của người diễn tấu trong việc áp dụng những kỹ năng đánh cồng chiêng và kỹ năng chế tác.

ADQuảng cáo

Nghệ nhân có thể dùng theo dàn, theo bộ cồng chiêng. Mỗi bộ có từ 2 đến 12 chiếc, cũng có bộ 18 đến 20 chiếc như bộ chiêng của người Jrai, hoặc dùng đơn lẻ. Dàn cồng chiêng Tây Nguyên được tổ chức như một dàn nhạc có thể diễn tấu những bản nhạc đa âm với các hình thức hòa điệu khác nhau. Điều đặc biệt trong dàn nhạc này mỗi người chỉ đánh một chiếc cồng, hoặc một chiếc chiêng (trừ chiêng Arap của người Jrai).

Đánh chiêng kết hợp với các điệu múa tạo nên sức hấp dẫn và cuốn hút người xem. Ảnh: Đức Hùng

Khi nghe tiếng cồng chiêng, chúng ta có thể phát hiện các tầng giai điệu được đan xen và đối ứng với nhau bên cạnh phần đệm hòa âm trong các bài bản liên quan đến lễ hội cúng bến nước, lễ hội mừng được mùa, lễ hội cầu mưa, nghi thức đón khách hay kết nghĩa...

ADQuảng cáo

Âm thanh mở đầu của tiết tấu cồng chiêng thường là chuỗi âm thanh tạo nên một tổng phổ âm nhạc vừa tinh tế, vừa đầy đặn và sâu lắng. Điều này cho thấy, cồng chiêng Tây Nguyên là sự hòa quyện giữa hai loại nghệ thuật âm nhạc chủ điệu và đa điệu theo lối tư duy hòa âm được hình thành từ chính bản chất bồi âm đa thanh của tự nhiên. Đặc tính hợp tấu và hòa tấu của âm nhạc đã xác định tính diễn xướng tập thể của cồng chiêng qua mối quan hệ tương tác với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên trong dòng chảy lịch sử.

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa đặc thù của cồng chiêng Tây Nguyên được biểu hiện qua tính đa dạng,  tính thiêng, sợi dây liên kết giữa con người với yếu tố tâm linh  xuất hiện trong đời sống con người từ thuở thiếu thời đến khi nhắm mắt lìa trần qua sinh hoạt thường ngày, trên nương rẫy, trong thời bình, chiến tranh,  sự tinh tế, chính xác, đặc biệt qua cách chỉnh âm và tạo ra âm thanh (dùi gõ bằng gỗ cứng – gỗ mềm – gỗ có bọc da, tay mặt tạo ra thanh – độ cao – màu âm khác nhau tùy nơi gõ, tay trái có thể tham gia biểu diễn bằng cách bóp vành cồng làm thay đổi màu âm).

Biên chế của dàn cồng chiêng Tây Nguyên cũng rất đa dạng, chức năng của mỗi loại cồng trong khi biểu diễn mà còn liên quan đến tổ chức xã hội và triết lý sống của dân tộc trong vùng đó, như chia ra chiêng mẹ, chiêng cha, chiêng con, chiêng cháu – nhắc lại xã hội của các cộng đồng thiên về mẫu hệ, nên chiêng mẹ được xem là quan trọng trước chiêng cha – chiêng mẹ, chiêng cha phát ra thanh âm trầm hơn làm nền cho bản nhạc, chiêng con cách khoảng đều nhau như những cây cột dựng lên nhà, chiêng cháu di chuyển, tạo ra những âm thanh có độ cao và phối hợp thành giai điệu giống như kèo và nóc của nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng ở Tây Nguyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO