Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn: Nơi ấy, các anh luôn sống mãi

Thùy Dương| 28/04/2018 11:17

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn những ngày đầu tháng Tư, không có đoàn người nườm nượp từ khắp mọi miền Tổ quốc đổ về thăm viếng như vào tháng Bảy của mùa tri ân hoặc sát dịp ngày 30 tháng Tư.

ADQuảng cáo

Song đây đó vẫn có từng tốp đoàn, người lặng lẽ thắp nhang bên mộ phần của các liệt sĩ. Họ có thể là những người vợ tới thăm chồng, các con tới viếng cha, những người cựu chiến binh trở về chiến trường xưa thăm đồng đội.

Chứng kiến và thật sự cảm động là có bà mẹ già lưng đã còng, chân đã mỏi phải ngồi xuống đất chắp tay khấn vái nhưng vẫn muốn đến để tự tay thắp nén hương. Tất cả đều nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ đã hy sinh vì nền hòa bình của đất nước. Bước chân ai cũng thật nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng tới giấc ngủ thiên thu ấy. Không gian tĩnh lặng bao trùm...

Nhiều đồng đội, người vợ, người mẹ đến kính viếng hương hồn các liệt sĩ. (Trong ảnh: Đoàn người Nam Định đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn)

Tôi đã nghe cũng như đọc nhiều thông tin về Nghĩa trang Trường Sơn nhưng đến đây mới thấy nơi này rộng lớn quá. Trải dài trên đồi Bến Tắt mênh mông thuộc xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị là hơn 10.200 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau. Theo các tài liệu, những ngôi mộ liệt sĩ đầu tiên được quy tập tại đây từ cuối năm 1974. Nhưng đến cuối tháng 10/1975 nghĩa trang mới bắt đầu được xây dựng và hoàn thành vào tháng 4/1977. Đây là nơi quy tập hài cốt các liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại - đường mòn Hồ Chí Minh. Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn cũng là nơi tôn vinh những chiến sĩ đã hy sinh trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ cứu nước và trong những năm chiến tranh thống nhất đất nước. Nghĩa trang do tướng Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn đề xuất.

Sở dĩ chọn đồi Bến Tắt để xây dựng nghĩa trang vì vào năm 1959 khi thành lập Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, ban đầu có 500 cán bộ chiến sĩ xoi đường lập trạm dẫn vào khu vực Khe Hó gần đồi Bến Tắt. Năm 1973, sau khi tỉnh Quảng Trị được giải phóng, đại bản doanh của bộ đội Trường Sơn cũng về đóng tại khu vực đồi Bến Tắt. Đây cũng là thượng nguồn của dòng sông Bến Hải, nơi mà trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã chia đất nước ra làm hai miền. Chính vì vậy, Bộ Chính Trị đã quyết định chọn đây làm nơi yên nghỉ cho các anh hùng liệt sĩ.

Khu mộ liệt sĩ thuộc các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình

Nghĩa trang nằm ở vào thế “địa linh” với đồi, núi, sông suối bao quanh. Nơi đây có kiến trúc khá độc đáo, được chia thành nhiều khu. Trong đó, Khu tưởng niệm nằm ở trung tâm trên một ngọn đồi cao hơn 32m từ dưới cổng đi lên. Ở đây có 6 bức phù điêu được chạm khắc bằng đá ghi lại những hình ảnh các binh chủng của bộ đội Trường Sơn. Ở giữa sân có đài tưởng niệm bằng đá trắng cao vút uy nghi. Phía sau tượng đài có một cây bồ đề thiêng tự mọc. Cây ôm lấy tượng đài một cách tương xứng giống như một mái nhà che chở giữa nghĩa trang.

ADQuảng cáo

Quanh tượng đài là các khu mộ liệt sĩ, được tập trung theo tỉnh, thành phố, mỗi khu gồm các mộ liệt sĩ của một tới ba tỉnh. Các phần mộ được xây kiên cố, có sơ đồ mộ chí. Đường đi trong nghĩa trang được lát đá, gạch hoặc tráng xi măng, hai bên có nhiều cây xanh, bên mỗi ngôi mộ có cắm hoa sen nên không còn cảm giác lạnh lẽo, u tịch. Mỗi khu mộ đều có nhà tưởng niệm với kiến trúc phảng phất hình ảnh đặc trưng của từng vùng quê đất nước.

Trong nghĩa trang còn có Đại hồng chung đặt tại tháp chuông do các tổ chức và cá nhân phát nguyện đúc và hiến cúng. Trên thân chuông có khắc lời đề từ của Giáo sư Anh hùng Lao động Vũ Khiêu: “Bát ngát Trường Sơn hồn liệt sĩ/Dạt dào Đông Hải khí anh linh/Ba hồi chiêu mộ rung tâm trí/Muôn dặm non song nặng nghĩa tình”. Quả chuông khá to để mọi người khi đến viếng đều có thể thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình.

Đại hồng chung, nơi người dân đến viếng thỉnh lên những tiếng chuông và gửi gắm tâm nguyện của mình

Rời Khu đài tưởng niệm, mỗi người lại tìm về khu đặt mộ phần của các liệt sĩ dành riêng cho từng tỉnh với sự xúc động, nghẹn ngào. Đó không chỉ là niềm thương tiếc mà xen lẫn sự khâm phục, lòng biết ơn. Men theo lối đi bên tay phải ra hướng sau đài tưởng niệm, tôi cùng với một chị đồng nghiệp nữa tới khu mộ chung của hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Gia đình chị cũng như gia đình tôi có một liệt sĩ hi sinh ở mặt trận Quảng Trị mà tới giờ vẫn chưa tìm được hài cốt. Trong niềm hi vọng mong manh, chị nói có vẻ tâm linh rằng, cứ dò tìm xem có tên không, người nhà mình đã đến đây tìm nhưng chưa có duyên nên không nhìn ra, biết đâu mình lại có duyên với người đã khuất mà may mắn nhìn thấy.

Tôi lần tìm trên tấm bia tưởng niệm, trước mắt tôi là hàng chục cái tên mà năm sinh và năm mất gần nhau. Nhẩm tính ra, nhiều liệt sĩ mới bước vào tuổi mười tám, đôi mươi, chắc có nhiều người còn chưa có người yêu, chưa biết đến nụ hôn đầu. Họ tuổi đời đang phơi phới đã chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi của Tổ quốc. Nhưng họ không quay trở về nhà mà yên nghỉ lại nơi này. Bất chợt, trong lòng dâng lên một chút xót xa cái tuổi thanh xuân đẹp nhất, vậy mà... Tìm mãi nhưng tôi không nhìn thấy tên của người thân trong khu vực này, chị đồng nghiệp cũng không tìm thấy. Có lẽ rất nhiều người đã từng tới đây tìm kiếm nhưng không tìm thấy người thân và ở đâu đó trên mảnh đất một thời khói lửa này, còn rất nhiều, rất nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn còn yên nghỉ sâu trong lòng đất.

Được biết, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn xa xôi là vậy, nhưng hằng năm nơi đây đón hàng triệu lượt người đến thăm viếng trong niềm biết ơn chân thành. Có những gia đình năm nào cũng vượt bao quãng đường xa, về đây, nhiều đoàn tổ chức tuyến du lịch tâm linh, vượt gần ngàn cây số đến với nghĩa trang chỉ mong thắp nén hương cho người thân, thành kính tri ân lên mộ các liệt sĩ. Và dòng người viếng thăm cứ thế nối dài bất tận.

Trời Quảng Trị những ngày tháng Tư không có nắng gay gắt, cháy da cháy thịt như giữa ngày hè. Buổi trưa, thi thoảng có làn gió nhẹ làm rung rinh cành lá, không khí thật yên bình. Đứng giữa bầu trời trong xanh thanh bình hôm nay, ai cũng hiểu chính bởi do các liệt sĩ đã chiến đấu anh dũng, đã nằm xuống mới có được. Các anh không bao giờ chết, các anh luôn sống mãi trong lòng đất mẹ, trong lòng nhân dân!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn: Nơi ấy, các anh luôn sống mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO