Người đam mê thư pháp Việt

Văn Tâm| 29/01/2019 14:48

Theo học ngành quản trị kinh doanh, nhưng anh Trương Văn Thi, ở thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông lại "bén duyên" với thư pháp chữ Việt. Và rồi, nghề viết thi pháp chữ Việt đã theo anh đến bây giờ, trở thành công việc kiếm sống hằng ngày.

ADQuảng cáo

Chọn nghề viết thư pháp chữ Việt để khởi nghiệp, anh Trương Văn Thi, chủ Thư quán Mộc thi ở phường Nghĩa Tân, thị xã Gia Nghĩa đã có những thành công bước bầu

Nằm ở cuối đường Lê Thánh Tông (Gia Nghĩa) yên tĩnh, Thư quán Mộc Thi hòa vào cuộc sống bình dị của khu phố mới như tên gọi của nó. Những năm qua,  người dân trong khu phố đã quen với hình ảnh chàng trai có dáng vẻ thư sinh ngày ngày chăm chú với nét cọ, câu liễn. Mỗi nét chữ như gợi lên hình tượng “rồng bay, phượng múa” nên nhiều người gửi con theo học. Với anh Trương Văn Thi, đây chính là động lực để anh phát huy tài năng, coi đó như một cái nghề của mình.

Năm 2013, khi học xong ngành quản trị kinh doanh ở Đại học Quy Nhơn, người thanh niên quê gốc Bình Định Trương Văn Thi "khăn gói" lên Đắk Nông để tìm việc làm. Những năm đầu, anh xin vào làm kế toán cho doanh nghiệp, công việc ổn định, đồng lương ưu đãi. Thế nhưng, niềm đam mê thư pháp trong anh âm ỉ khôn nguôi.  Ban ngày, anh tiếp xúc với những con số kinh tế, đêm về lại âm thầm viết thư pháp. Thế rồi được vài năm, anh nghỉ làm hẳn ở công ty để quay về chuyên tâm cho công việc mình ưa thích.

Thời điểm đó, thư pháp chữ Việt còn khá xa lạ với người dân ở thị xã Gia Nghĩa. Thi tự mày mò cách viết chữ và tự rèn luyện bút pháp mà không qua một trường lớp nào. Thời gian này anh phải đối mặt với cơm áo thường ngày, nhưng không vì thế mà thiếu sự đam mê.

Khách đến Thư quán Mộc thi để tham quan và mua tranh chữ

ADQuảng cáo

Trương Văn Thi chia sẻ: “Ngày xưa, các ông đồ chỉ viết tặng, biếu hay cho chữ chứ không “bán chữ” bao giờ. Nên tôi luôn ý thức là phải hết sức trân trọng, vận dụng mọi thủ pháp để con chữ có hồn, phát huy tính truyền thống và hiện đại… Mình chọn  nghề “bán chữ” để khởi nghiệp, nhưng không vì thế mà làm phai mờ cái hồn của thư pháp chữ Việt”.

Tranh chữ thư pháp hiện rất kén người mua và rất khó tìm thị trường. Do đó, ngay từ khi có ý định mở thư quán, anh đã không đặt lợi ích kinh tế lên hàng đầu. Để thư pháp chữ Việt có chỗ đứng, được mọi người chú ý, anh đã theo các thi pháp gia, các nghệ nhân thi pháp để học hỏi. Anh còn cất công đi các tỉnh thành từ Nam ra Bắc để quảng bá thương hiệu của mình đến các địa phương, đưa sản phẩm đến được với nhiều người hơn.

Thi giải bày: Trước kia chưa có tiếng Việt nên ông cha phải sử dụng chữ Hán để viết. Giờ đây, chúng ta đã có tiếng Việt thì phải dùng chữ viết của dân tộc. Khi hoàn thành một bức liễn, bức tranh chữ, tôi thấy trào dâng một tình yêu đối với văn hóa truyền thống dân tộc. Hiện, tôi thấy mọi người đã yêu quý thư pháp Việt, trong đó có các học trò của tôi, nên tôi cảm nhận trong tương lai thi pháp Việt có rất nhiều triển vọng tại thị xã Gia Nghĩa.

Sản phẩm thư pháp trên quả dừa đang chuẩn bị giao cho khách hàng

Trong dịp Tết Nguyên đán 2019, anh Thi đã huy động thêm học trò, người thân để làm các sản phẩm như: các bức liễn thư pháp, câu đối, trang trí thư pháp trên quả dừa, bưởi… Đến nay, anh đã giao trên 2.500 quả dừa, với giá 50 ngàn đồng/quả; 600 bức liễn, câu đối, mỗi sản phẩm có giá trên 100 ngàn đồng… cho khách hàng ở các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Định, Đồng Nai, Bình Dương…Riêng mùa Tết này, anh Thi cũng có khoản thu nhập đáng kể từ nghề "bán chữ" mà mình đã chọn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người đam mê thư pháp Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO