Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt trong ngành du lịch

Mỹ Hằng| 19/04/2019 09:23

Phát biểu tại Diễn đàn Nguồn nhân lực Du lịch Việt Nam với chủ đề "Đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn" được tổ chức lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, du lịch không chỉ là một lĩnh vực kinh tế giàu tiềm năng mà còn là niềm tự hào, là sức mạnh mềm và ảnh hưởng văn hóa của Việt Nam trên toàn cầu. Do vậy, phát triển du lịch không chỉ là một nhiệm vụ kinh tế đơn thuần và nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt trong ngành du lịch.

ADQuảng cáo

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, với khoảng 100 triệu người Việt Nam trong nước và nước ngoài, nguồn nhân lực của nước ta là hoàn toàn không thiếu cả lượng và chất. Điều cốt yếu là chúng ta phát huy được tốt nhất những tiềm năng trong mỗi người Việt Nam. Chúng ta cần có một môi trường chính sách tốt, mỗi doanh nghiệp cần có một cơ chế quản trị, chính sách đãi ngộ tương xứng với thành quả, năng lực đóng góp, đồng thời thu hút những lao động có kỹ năng từ các lĩnh vực khác tham gia vào ngành du lịch. Ngoài ra, các trường đại học, cơ sở đào tạo cần cập nhật giáo trình, phương pháp đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực này, đáp ứng tốt các chuẩn mực quốc tế cũng như xu hướng phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, chúng ta cần phải xây dựng chiến lược phát triển đúng hướng và khả thi, đặc biệt là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về lượng và chất để ngành du lịch Việt Nam phát triển tương xứng với tiềm năng, vị thế của mình. Một năm nhu cầu nhân lực du lịch Việt Nam lên đến 40.000 người, cả nước có 346 cơ sở đào tạo nhân lực du lịch nhưng cần quan tâm hơn tới chất lượng đào tạo.

Thực tế đó cũng là nỗi trăn trở của tỉnh Đắk Nông trong những năm qua, khi đội ngũ nhân lực du lịch hiện nay chưa đáp ứng được đủ số lượng cũng như chất lượng trong việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ văn hóa huyện Cư Jút giới thiệu về các điểm văn hóa, du lịch trên địa bàn với Đoàn chuyên gia UNESCO thẩm định, khảo sát hồ sơ xây dựng Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn quản lý nhà nước về du lịch và bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ, ứng xử cho đội ngũ quản lý, nhân viên tại các nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Nông… Thế nhưng, trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch. Số lao động tại các nhà hàng, khách sạn không ổn định, thường xuyên thay đổi. Đây là một cản trở lớn đối với phát triển du lịch tỉnh Đắk Nông.

Điều đáng nói, hiện nay Đắk Nông đang trong tiến trình hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông. Mô hình CVĐC vừa có ý nghĩa bảo tồn thiên nhiên, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc, vừa phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trên nhiều lĩnh vực. Do đó, vấn đề tuyển dụng, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch Đắk Nông nói chung và phục vụ CVĐC Đắk Nông nói riêng đang là một trong những vấn đề hết sức cần thiết.

Những năm gần đây, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng lượng khách đến tham quan du lịch tại tỉnh Đắk Nông ngày một nhiều. Mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh Ðắk Nông là phấn đấu đến năm 2020 đón 530.000 lượt khách, tạo việc làm cho khoảng 6.000 lao động phục vụ trực tiếp cho ngành du lịch. Trong khi đó, thách thức lớn nhất đối với ngành du lịch tỉnh hiện nay vẫn là thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và chuyên môn.

ADQuảng cáo

Đơn cử như mới đây, để phục vụ cho việc đón Đoàn chuyên gia UNESCO chuẩn bị đến thẩm định thực địa CVĐC Đắk Nông lần thứ 2 vào thời gian sắp tới, tỉnh đã phải huy động 30 giáo viên dạy tiếng Anh tại các trường trên địa bàn tỉnh, rồi tập huấn bồi dưỡng cho họ những kiến thức cơ bản về CVĐC, kỹ năng thực hành và thuyết minh du lịch...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh gặp mặt, trao đổi với học sinh, sinh viên về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch gắn với CVĐC Đắk Nông

Trong một lần gặp mặt với các bạn trẻ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh đã khẳng định, hướng tới mục tiêu bền vững gắn với phát triển du lịch CVĐC toàn cầu, tỉnh cần một đội ngũ hướng dẫn viên đủ năng lực để có thể thực hiện các nhiệm vụ trong du lịch. Tuy nhiên, hiện nay, tỉnh Đắk Nông đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, chưa có nguồn hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Vì vậy,  tỉnh mong muốn các bạn trẻ gắn bó với du lịch địa phương, qua đó thúc đẩy niềm đam mê khởi nghiệp trên lĩnh vực du lịch. Một khi các bạn đã cảm nhận và có ý định khởi nghiệp bằng con đường du lịch thì khi đó việc sử dụng con người phục vụ du lịch sẽ đi theo chiều hướng khả quan hơn.

Các học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia đăng ký đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch

Có thể nói, nguồn nhân lực phục vụ du lịch có vai trò quan trọng trong việc quyết định trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sự phát triển ngành du lịch của địa phương. Vấn đề đặt ra ở đây, đó là cần phải quan tâm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng phải chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao tính chuyên nghiệp về kỹ năng giao tiếp, ứng xử phục vụ du khách của đội ngũ quản lý, nhân viên. Tỉnh, doanh nghiệp cũng cần liên kết với các trường đại học, cơ sở đào tạo liên quan đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực du lịch để đáp ứng tốt nhu cầu học tập của người dân, nhất là giới trẻ.

Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 1.100 người đang làm việc trong ngành du lịch; trong đó, lao động phục vụ tại các khu, điểm du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, nhà hàng khoảng 1.077 người. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động có trình độ từ sơ cấp đến đại học chỉ chiếm khoảng 27,5%; trong đó, qua đào tạo chuyên môn về du lịch chỉ chiếm 17%...

Trong bối cảnh chung cũng như vì mục tiêu phát triển du lịch về lâu dài của Đắk Nông, đã đến lúc vấn đề nguồn nhân lực trong ngành du lịch phải được quan tâm đúng mức, không thể theo kiểu “ăn xổi”. Có như vậy, tỉnh mới có thể nâng cao chất lượng hoạt động du lịch, thu hút du khách gần xa đến tỉnh nhà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò then chốt trong ngành du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO