Nhận bàn giao di tích lịch sử - văn hóa, địa phương không mấy "mặn mà"

Hoàng Thanh| 09/07/2020 09:43

Đắk Nông hiện có 11 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được Nhà nước xếp hạng và tỉnh có chủ trương bàn giao cho các địa phương quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, các địa phương không mấy "mặn mà" khi nhận bàn giao.

ADQuảng cáo

Nhiều di tích bị xuống cấp

Việc quản lý, bảo vệ di tích từ trước đến nay UBND tỉnh giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, một mặt việc phát huy giá trị di tích chưa đạt được kết quả như mong muốn. Mặt khác, công tác quản lý lỏng lẻo khiến cho nhiều di tích bị xuống cấp. Trước thực trạng trên, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có chủ trương giao cho UBND các huyện, thành phố quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa. 

Tượng đài Đoàn kết-Chiến thắng tại Di tích Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV bị sụt lún móng

Thực hiện chủ trương trên, từ đầu năm đến nay, Sở VHTT&DL, phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện cụ thể hóa chủ trương này. Theo Sở VHTT&DL, đến nay đơn vị đã hoàn thành các thủ tục bàn giao các di tích gồm: Di tích Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV và Di tích lịch sử N’Trang Gưh cho UBND huyện Krông Nô; Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil cho UBND huyện Đắk Mil; Di tích văn hóa Nhà dài Êđê, buôn Buôr cho UBND huyện Cư Jút; Làng văn hóa truyền thống dân tộc Mạ cho UBND huyện Đắk Glong.

Tuy nhiên, ngoài Làng văn hóa truyền thống dân tộc Mạ, ở xã Đắk P’lao (Đắk Glong) và Di tích lịch sử N’Trang Gưh, xã Buôn Choáh (Krông Nô) còn tương đối nguyên vẹn, hầu hết các di tích còn lại đều bị xuống cấp. Theo kết quả giám định tài sản của Sở Tài chính, Di tích lịch sử Ngục Đắk Mil có nhiều hạng mục bị xuống cấp như: Hệ thống điện bị hỏng, đường dẫn xuống bến nước bị hư hỏng, hàng rào bị gãy đổ, nhà trưng bày bong tróc sơn, lan can sắt rỉ rét, thiết bị nhà vệ sinh không còn sử dụng được...

Nhiều lán trại thuộc Di tích Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV bị hư hỏng nặng

ADQuảng cáo

Đối với Di tích Căn cứ kháng chiến B4-Liên tỉnh IV, việc xuống cấp còn nghiêm trọng hơn: Tường Nhà ban quản lý bị thấm, mái dột; tường rào bên hông bị gãy đổ; móng Tượng đài Đoàn kết - Chiến thắng bị sụt lún. Ngoài ra, 2 đầu mố cầu của 2 cây cầu bắc ngang qua suối dẫn vào di tích bị sạt lở, mặt ván cầu bị mất, các lán trại bằng tranh, tre, nứa bị hư hỏng, dột nát, thậm chí một số khu lán không còn mái tranh.

Cầu dẫn vào khu lán trại Di tích Căn cứ kháng chiến B4 - Liên tỉnh IV bị hư hỏng

Chính quyền địa phương kêu khó

Chính bởi việc di tích bị xuống cấp nên khi được bàn giao quản lý, bảo vệ, sử dụng, các địa phương không mấy "mặn mà".

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Nô, địa phương chấp hành quyết định của UBND tỉnh, song thực sự việc này gây nhiều khó khăn cho địa phương. Bởi vì, muốn phát huy giá trị di tích thì việc đầu tiên phải tu bổ, tôn tạo, sửa chữa, cần rất nhiều kinh phí. Thứ hai là vấn đề con người, hiện tại Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Nô chỉ có 4 biên chế nên nếu phải “ôm” thêm việc quản lý di tích thì càng khó hơn, đó là chưa kể việc hợp đồng bảo vệ...

Theo ông Lê Ngọc Quang, Giám đốc Sở VHTT&DL, việc bàn giao các di tích lịch sử - văn hóa cho các địa phương quản lý là tuân thủ theo Luật Di sản và Nghị quyết số 07/2018/NQ –HĐND ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh ban hành Quy định phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Đắk Nông.

Việc di tích bị xuống cấp, Sở VHTT&DL đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh tu bổ, sửa chữa. Mặc dù gặp khó khăn trước mắt, song trên thực tế nếu quản lý, bảo vệ tốt, các di tích trên rất có ý nghĩa trong việc phát huy giá trị về kinh tế - xã hội, nhất là về du lịch và giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhận bàn giao di tích lịch sử - văn hóa, địa phương không mấy "mặn mà"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO