Nhịp chiêng mãi ngân vang

Mỹ Hằng| 16/03/2018 10:40

Tại Hội Xuân Mậu Tuất 2018, các đoàn nghệ nhân đến từ các huyện, thị xã đã mang đến những tiết mục cồng chiêng đặc sắc của người M’nông, Mạ, Ê đê... làm say đắm lòng người.

ADQuảng cáo

Dấy lên niềm tự hào

Khi tiếng chiêng “thập thoong” vang lên cũng là lúc các chàng trai, cô gái hòa mình theo từng giai điệu. Với những nét độc đáo riêng trong lối trình diễn, các đội nghệ nhân đến từ các huyện Đắk Mil, Đắk R'lấp, Đắk Song, Tuy Đức, Gia Nghĩa, Đắk Glong, Krông Nô... đã thổi hồn vào đêm hội và truyền nhiệt huyết để mọi người cùng say sưa, hòa quyện cùng nhau.

Biểu diễn cồng chiêng tại bon N'Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa). Ảnh: Minh Huyền

Trong không gian bao la rộng lớn, nhịp chiêng khi thong thả, khoan thai, khi trầm hùng, khi sôi nổi như lời hỏi han, chuyện trò. Không gian như lắng lại, chìm đắm vào sự huyền ảo của văn hóa bản địa và cồng chiêng lúc này thực sự là món ăn tinh thần đậm đà bản sắc. Ai nấy đều đong đưa theo nhịp chiêng truyền thống, với những cảm nhận riêng của mình về âm thanh, giai điệu. Điều đó cho thấy, cuộc sống dù thay đổi nhưng trong tâm thức của bao người, cồng chiêng vẫn giữ vai trò quan trọng và chủ đạo trong các cuộc vui của cộng đồng. Mỗi khi tiếng chiêng vang lên lại thu hút, như có một lực vô hình kéo mọi người xích lại gần nhau.

Nghệ nhân Điểu Marin ở bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song) phấn khởi: “Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, cồng chiêng cũng như các văn hóa truyền thống đã quay trở lại với bon làng. Nhìn lũ trẻ diễn tấu thành thạo những bài chiêng quý, tôi cũng như bà con đang có mặt tại nơi đây hạnh phúc lắm. Càng vui hơn khi thấy mọi người hào hứng với không gian cồng chiêng và dấy lên niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc”.

“Linh hồn” của các lễ hội

ADQuảng cáo

Sau hơn 13 năm Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại, cồng chiêng ngày càng thể hiện được giá trị, trở thành cầu nối liên kết giữa con người với thế giới tâm linh, giữa người dân địa phương với du khách gần xa.

Riêng đối với tỉnh Đắk Nông, từ nhiều năm qua, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự nỗ lực của người dân, nạn “chảy máu” cồng chiêng đã chấm dứt và mở ra một trang mới. Theo đó, nhiều lễ hội mang tính chất cộng đồng như Lễ rước K’pan của người Ê đê; Lễ cúng bến nước, Lễ cúng sức khỏe của người Mạ; Lễ cúng thần rừng, Lễ mừng được mùa, Lễ sum họp cộng đồng của người M’nông… được tổ chức phục dựng và cồng chiêng cũng luôn có mặt, được xem là “linh hồn” của lễ hội.

Cồng chiêng là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Tại các bon làng trên địa bàn, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào vẫn duy trì được nét văn hóa diễn tấu cồng chiêng hết sức đặc sắc. Điều đó được thể hiện qua việc thành lập các câu lạc bộ văn nghệ dân gian và các đội cồng chiêng tại các bon làng. Đặc biệt, trong khuôn khổ các hội xuân đầu năm, các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng, dân ca dân vũ luôn được tổ chức, thu hút sự quan tâm tham dự của các nghệ nhân, các đội cồng chiêng.

Có thể nói, bao đời nay, tiếng cồng chiêng đã gắn bó với đồng bào M’nông, Mạ, Ê đê… từ khi sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Các lễ hội lớn, nhỏ đều có sự góp mặt của cồng chiêng vì nó không đơn thuần là nhạc cụ mà còn chứa đựng văn hóa tâm linh đặc sắc.

Đối với tỉnh Đắk Nông, cồng chiêng cũng như các văn hóa truyền thống vẫn còn được lưu giữ, phát huy là kết quả của việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy lễ hội, hoa văn, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc tại chỗ”. Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện tại ngành Văn hóa cũng đang khuyến khích, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc bản địa phát huy vai trò chủ thể trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của Không gian văn hóa cồng chiêng. Việc tổ chức các lễ hội truyền thống cũng như các hoạt động văn hóa liên quan chính là môi trường để nhịp chiêng mãi ngân vang, cồng chiêng mãi trường tồn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhịp chiêng mãi ngân vang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO