Nhịp chiêng Pi Nao

Mỹ Hằng| 28/04/2021 08:59

Bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) là một trong những bon đạt nhiều kết quả trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống, được chính quyền các cấp khen ngợi. Không những duy trì được các đội cồng chiêng, truyền dạy đánh chiêng, nhiều bài chiêng cổ bị thất truyền cũng được đồng bào khôi phục, gìn giữ.

ADQuảng cáo

Theo anh K’Bang, Trưởng bon Pi Nao, ngay từ xa xưa, cuộc sống của người M’nông nơi đây đã gắn liền với tiếng cồng, tiếng chiêng, thấm đẫm bản sắc văn hóa mà ông bà để lại. Năm 2008, dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bon Pi Nao đã thành lập được một đội cồng chiêng với 10 thành viên tham gia sinh hoạt. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng các thành viên luôn cố gắng sắp xếp, dành thời gian để tham gia luyện tập vào những lúc rảnh rỗi. Định kỳ ngày cuối tháng, các thành viên cùng với các nghệ nhân trong bon lại cùng nhau luyện tập đánh cồng chiêng, hát dân ca, dân vũ…

Bon Pi Nao hiện lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người M'nông

Đến nay, đội chiêng đã quy tụ hơn 20 thành viên và hoạt động có hiệu quả. Đội chiêng của bon từng đại diện cho tỉnh đi dự các ngày hội văn hóa lớn của khu vực và toàn quốc. Năm 2012, bon vinh dự được đại diện cho các dân tộc anh em trên địa bàn tỉnh đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen.

Năm 2016, các nghệ nhân của bon được chọn tham gia biểu diễn tại Hội thảo về âm nhạc bộ gõ do Học viện âm nhạc Hoàng gia Đan Mạch tổ chức, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Giờ đây, mỗi khi bon làng hay địa phương có sự kiện gì quan trọng, bà con lại tham gia hưởng ứng một cách nhiệt tình.

Bên cạnh việc truyền dạy và biểu diễn cồng chiêng, một số nghệ nhân còn có biệt tài chỉnh chiêng. Danh tiếng vang xa, nhiều đội cồng chiêng khác trên địa bàn tỉnh đã đến giao lưu, học hỏi cách đánh chiêng và chỉnh chiêng. Qua đó, đội đã truyền dạy hơn 10 bài chiêng cổ cho các đội cồng chiêng có nhu cầu học hỏi. Một số nghệ nhân trong bon còn được mời đi dạy cho các đội chiêng trẻ…

Đội cồng chiêng bon Pi Nao tham gia Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ 2 năm 2020

Anh Y Lanh, Đội trưởng đội chiêng bon Pi Nao cho hay: “Đối với người M'nông, cồng chiêng không chỉ là nhạc cụ truyền thống mà còn là tiếng lòng thành kính của con người với thế giới tâm linh. Vì vậy, các thành viên trong đội đều luôn cố gắng hết mình để có thể gìn giữ “linh hồn” của dân tộc. Mỗi khi có sự kiện gì, chỉ cần gióng lên một hồi chiêng, bà con trong bon đều tề tựu đông đủ, hưởng ứng”.

ADQuảng cáo

Ngoài đội chiêng nam, bon Pi Nao còn thành lập được một đội cồng chiêng nữ với hơn 10 thành viên. Từ những buổi đầu ngại ngùng khi lần đầu được tận tay gõ từng nhịp chiêng, đến nay từng thành viên nữ ngày càng thuần thục, kết hợp ăn ý giữa đánh cồng chiêng và múa xoang.

Chị H’Yon, thành viên đội chiêng nữ cho biết: “Ban đầu bỡ ngỡ lắm vì trước giờ mình chỉ múa theo nhịp chiêng chứ chưa đánh thử bao giờ. Ai cũng thấy khó nhưng tất cả đều vui lắm nên cố gắng luyện tập. Từ chỗ không biết đánh, đến nay các thành viên trong đội đều có thể đánh chiêng từ bài đơn giản đến bài phức tạp”.

Chị Thị Xanh cũng cho hay: “Mỗi thành viên trong đội chiêng đều có chung một niềm đam mê và mong muốn lưu giữ lại những bản sắc văn hóa truyền thống. Đội chiêng còn sưu tầm, lưu giữ những bài chiêng cổ và truyền dạy cho các thế hệ trẻ để tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước”.

Lực lượng tham gia diễn tấu cồng chiêng, múa xoang ngày càng trẻ

Với bà con ở bon Pi Nao, những buổi sinh hoạt, giao lưu, đánh cồng, đánh chiêng, múa xoang đã giúp đồng bào gần nhau hơn, thắt chặt tình đoàn kết, tạo nên được tiếng nói chung, sự thống nhất trong cộng đồng. Hiện nay, bon Pi Nao duy trì được 3 đội cồng chiêng đại diện cho 3 thế hệ là người lớn, thiếu nhi và phụ nữ.

Sự trao truyền nét văn hóa cồng chiêng giữa các thế hệ của bon đã khiến cho âm thanh của cồng chiêng mãi vang vọng giữa núi rừng. Một số bài chiêng tưởng chừng như bị thất truyền như Tue Ding Boh, Ndrao iêc bip, Nhim Tir, Pơm Blọ, Suôt Dặ, Ndrao Wai, Ting Bom, Ntăng Dâng Boh, Khiêk Krải...  vẫn được gìn giữ và lưu truyền.

Không chỉ xây dựng, duy trì và phát huy các đội cồng chiêng, bon Pi Nao còn là nơi lưu giữ nhiều bộ cồng chiêng nhất xã Nhân Đạo. Lực lượng tham gia biểu diễn cồng chiêng ngày càng đông và được trẻ hóa. Hiện tại, trong bon còn lưu giữ 5 bộ cồng chiêng tại các gia đình. Đây là những nét đẹp mà mỗi khi nhắc đến, người dân trong bon Pi Nao đều cảm thấy tự hào.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhịp chiêng Pi Nao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO