Những bài hát bất hủ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ

Thùy Trang (th)| 06/05/2022 08:30

Chiến dịch Điện Biên Phủ với chiến thắng vào ngày 7/5/1954 làm nên sự kiện "lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu”. Theo chân những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, không ít những nhạc sĩ, ca sĩ cùng ra tận mặt trận phục vụ bộ đội. Chứng kiến tận mắt những khó khăn, nguy hiểm và hy sinh mất mát trong chiến tranh, nhiều tác phẩm đã ra đời trong những thời khắc lịch sử của chiến dịch, sau này trở thành những bài hát bất hủ của nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

ADQuảng cáo

Giải phóng Điện Biên

Ca khúc luôn được vang lên vào mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Xuất xứ ra đời của “Giải phóng Điện Biên” đã được nhạc sĩ Đỗ Nhuận ghi chép trong hồi ký “Âm thanh cuộc đời” như sau: “Ngày 7/5/1954, chúng tôi đang cuốc, rải đá thì vào buổi chiều, một đồng chí liên lạc từ mặt trận đạp xe qua, reo to: “Mường Thanh địch hàng rồi! Giải phóng Điện Biên rồi!”. Tất cả đoàn văn công ngừng tay cuốc, ôm nhau nhảy không cần nhạc đệm… Tôi lại đàn, lại hát. Đêm hôm đó, tôi ngồi viết bên bếp nhà sàn đỏ lửa, thâu đêm, suốt sáng. Tay búng chiếc violin, mồm cứ i ỉ, sợ làm ồn anh em mất ngủ. Có mấy củ sắn lùi trong bếp than để bồi dưỡng đêm, tôi vừa viết, vừa bóc sắn ăn”.

Bài hát “Giải phóng Điện Biên” đã ra đời từ đó. Kết thúc bài hát, ca từ chợt vút lên thật hào hùng: “Núi sông bừng lên/Đất nước ta sáng ngời/Cánh đồng Điện Biên, cờ chiến thắng tưng bừng trên trời”.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng

Trên đồi Him Lam 

Khi chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức bắt đầu, mở màn bằng trận Him Lam vào chiều muộn ngày 13/3/1954. Chỉ sau 5 giờ đồng hồ chiến đấu, ta đã chiếm được cứ điểm này, tiêu diệt và bắt sống hơn 500 địch quân, hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam.

Giữa trận địa còn ngổn ngang xác pháo, xác địch, mùi thuốc súng vẫn còn khét lẹt, nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã sáng tác nên ca khúc “Trên đồi Him Lam”. Bài hát hừng hực khí thế chiến đấu, không chỉ thể hiện ý chí "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh" của những người lính Cụ Hồ mà còn thể hiện khát vọng chiến thắng, khát vọng hòa bình, cổ vũ mạnh mẽ tinh thần yêu nước của quân và dân ta. "Hôm qua đánh trận Điện Biên. Chiến hào xuất kích đồi Him Lam ta tiến quân vào. Đột phá tiêm đao tiến đánh vào. Đi mở đường thắng lợi, ba tháng đổ mồ hôi ta tới đây quyết diệt cho hết quân thù...".

Hành quân xa

“Hành quân xa dẫu có nhiều gian khổ. Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi… Chí căm thù bởi bọn thực dân nó áp bức. Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi…”. Những câu hát trong bài “Hành quân xa” đến nay vẫn còn nguyên giá trị, tôn thêm niềm tự hào dân tộc của quân và dân ta khi đồng lòng, đồng tâm thực hiện Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ADQuảng cáo

Cùng với hai ca khúc “Giải phóng Điện Biên”, “Trên đồi Him Lam” thì “Hành quân xa” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận là ca khúc tiêu biểu đã phản ánh chân thực cuộc chiến tranh chính nghĩa, hào hùng của dân tộc ta. Bài hát được ông sáng tác trong hoàn cảnh rất đặc biệt. Một lần, ông cùng các chiến sĩ hành quân từ huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) qua đèo Khế đến Thượng Bằng La (Yên Bái). Hành quân ngày đêm nhưng đoàn quân cũng chưa biết địa điểm tập kết ở đâu. Thế rồi, nghỉ giữa chặng đường hành quân, các anh cùng bàn luận, phán đoán ý đồ tác chiến của cấp trên. Một đồng chí đứng lên hô vang: “Thôi, không cần thắc mắc! Đời chúng ta, đâu có giặc là ta cứ đi”. Câu nói đó trở thành gợi ý để nhạc sĩ Đỗ Nhuận phát triển và sáng tác ca khúc “Hành quân xa” - một bản hành khúc cho người lính trong những năm dài kháng chiến. Bài hát với ca từ giản dị, tự nhiên, ngắn gọn, dễ thuộc nhưng vô cùng sâu sắc.

Con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp xuyên suốt chiều dài của TP. Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Qua miền Tây Bắc

Nhạc sĩ Nguyễn Thành viết nhạc phẩm “Qua miền Tây Bắc” khi cùng các đồng đội hành quân và dừng chân trên đèo Khâu Vác (cửa ngõ vào Điện Biên). Những khó khăn trên con đường lên Điện Biên, qua những miền Tây Bắc hiện lên sinh động qua những giai điệu, ca từ của bài hát đã cho thấy những khó khăn, gian khổ của bộ đội Cụ Hồ.

"Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa. Suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua. Bộ đội ta vâng lệnh Cha già, về đây giải phóng quê nhà". Thấp thoáng trong bài hát còn là khung cảnh hoành tráng của thiên nhiên, chất dân giã, hoang sơ của miền Tây Bắc hùng vĩ. Bài hát đã đi vào cuộc sống sinh hoạt đời thường của các chiến sĩ, trở thành một trong những bài hát quen thuộc trên mọi chiến tuyến.

Hò kéo pháo

"Hò kéo pháo" là bài hát của nhạc sĩ Hoàng Vân ra đời trong hoàn cảnh khá đặc biệt. Khi đó, nhạc sĩ Hoàng Vân là một chàng trai Hà Nội ngoài 20 tuổi, được lên Điện Biên tham gia kháng chiến. Trong chuyến đi thực tế, Hoàng Vân được quan sát, tiếp cận với cuộc sống và tinh thần chiến đấu của Nhân dân ta ở Điện Biên, đặc biệt là hình ảnh các chiến sĩ, đồng đội của mình kéo những khẩu pháo khổng lồ dù vai ướt đẫm sương đêm nhưng vẫn nắm chắc tay không buông rời, quyết tâm bảo vệ pháo.

Bộ đội ta kéo pháo vào chiến dịch Điện Biên Phủ

Nhạc sĩ Hoàng Vân từng kể lại, đêm đêm theo tiếng hò “dô ta nào, hai ba nào...”, tiếng mõ tre cốc cốc làm hiệu lệnh dưới ánh trăng, hàng trăm chiến sĩ mặc áo trấn thủ, đội mũ nan cúi rạp người, choãi chân, những bắp tay rắn chắc bám vào dây chão, dây mây, dây song để kéo pháo… Tất cả những hình ảnh, những âm thanh đó đã tạo nên một bức tranh hùng vĩ, một không khí náo nhiệt hừng hực khí thế quyết tâm làm vang động cả núi rừng Điện Biên.

Chứng kiến những gian nan vất vả của bộ đội ngày đêm đưa những cỗ pháo nặng hàng tấn vượt qua dốc núi, nhạc sĩ Hoàng Vân đã viết ca khúc “Hò kéo pháo” với những lời ca cháy bỏng: "Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua đèo/Hò dô ta nào kéo pháo ta vượt qua núi. Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm, vực nào sâu bằng chí căm thù…”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những bài hát bất hủ về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO