Những nhà thơ liệt sĩ vẻ vang

Nguyễn Văn Thanh| 28/07/2017 08:42

Nói đến thơ Việt Nam thế kỷ XX, chúng ta không thể không nhắc đến các nhà thơ liệt sĩ. Họ là những người “Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”, sống chiến đấu và hy sinh vẻ vang.

ADQuảng cáo

Thơ của các nhà thơ, liệt sĩ viết rất nhiều trong hai cuộc kháng chiến, với đề tài phong phú và nghệ thuật độc đáo. Họ là những người nghệ sĩ - chiến sĩ như Anh hùng - Liệt sĩ Nguyễn Mỹ, Lê Anh Xuân (tức Ca Lê Hiến), Nguyễn Trọng Định, Trần Quang Long…

Nhà thơ Lê Anh Xuân (trái), vợ nhà văn Anh Đức và nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu tại Hà Nội năm 1964. Ảnh tư liệu

Nhà thơ, liệt sĩ Nguyễn Mỹ, sinh năm 1935 tại thôn Trung Lương, xã An Nghiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên.  Nguyễn Mỹ tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp ở quê nhà và Tây Nguyên. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc; năm 1968 vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Ông ngã xuống ở tuổi 36, trong một trận càn lớn của địch vào khu sản xuất bên bờ sông Đắk Ta thuộc huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào ngày 16/5/1971.

Nguyễn Mỹ xuất hiện trên thi đàn với bài thơ “Cuộc chia ly màu đỏ” gây ấn tượng  mạnh mẽ cho người đọc giữa thập kỷ 60. Bài thơ mới lạ, mới đến mức những nhà thơ như Xuân Diệu và Chế Lan Viên cẩn trọng chưa muốn in nhưng Xuân Diệu khen hết lời và đã giới thiệu bài thơ trên Báo Văn nghệ.

Đọc những câu thơ trong bài  “Cuộc chia ly màu đỏ”, chúng ta thấy Nguyễn Mỹ chọn hình tượng rất chọn lọc, độc đáo, cảnh chia ly không bi lụy, người ra đi người ở lại đều giữ được tình cảm hào hùng của thời đại - cả dân tộc quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, biến cái đau riêng thành nỗi đau chung, nhân niềm vui riêng cùng với niềm vui chung… Nguyễn Mỹ đã sống đẹp như thơ của mình. Thơ của ông để lại không nhiều chỉ có tập Sắc cầu vồng (in chung Nguyễn Trọng Định). Ông là Nhà thơ sắc lửa chói ngời.

Hơn 40 năm kể từ ngày nước nhà thống nhất, nhưng trong ta vẫn luôn hiển hiện “những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”. Đó là dáng đứng của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 5/6//1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Thập kỷ 60 với tên thật Ca Lê Hiến, nhiều bài thơ anh viết xuất hiện lay động tâm thức mọi người. Năm 1963, đang là sinh viên Ðại học Tổng hợp Hà Nội, Ca Lê Hiến đã vinh dự nhận giải thưởng thơ của Tạp chí Văn Nghệ Hội Nhà văn 1961.

ADQuảng cáo

Năm 1964, Ca Lê Hiến nhận được quyết định điều động về Ủy ban Thống nhất Trung ương để lên đường về Nam công tác và chiến đấu. Từ đây, Ca Lê Hiến làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam sau đó là Hội Văn  nghệ Giải phóng Miền Nam. Nhà thơ sử dụng bút danh Lê Anh Xuân. Từ đây, Lê Anh Xuân đã cho ra đời những bài thơ hay như: Tiếng gà gáy, Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội...

Năm 1966, được kết nạp vào Đảng, Lê Anh Xuân càng hăng hái công tác, nhà thơ liên tục xung phong đi khắp Nam bộ tìm hiểu sâu sát thực tế để sáng tác. Mùa xuân năm 1968, lấy cảm hứng từ chiến dịch Mậu Thân, Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam”: “Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết trong khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng.../Anh tên gì hỡi anh yêu quý/Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng/Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác Mỹ/Mà vẫn một màu bình dị sáng trong! ...” .

Thơ Lê Anh Xuân đẹp và anh cũng sống đẹp như thơ. Ông hi sinh ngày 24/5/1968 tại vùng ven Sài Gòn trong cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân khi vừa 28 tuổi.  

Nguyễn Trọng Định (1939-1968) là nhà thơ hiện đại Việt Nam. Ông quê ở Thổ Khối, Gia Lâm (Hà Nội). Ông đã đăng nhiều thơ trong các báo tạp chí như Văn nghệ, Tiền Phong, Văn nghệ quân đội. Nguyễn Trọng Định hi sinh trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ. Thơ Nguyễn Trọng Định đằm thắm, sâu lắng, được bạn đọc hết sức ngưỡng mộ. Từ chiến trường, bài “Quê hương anh Trỗi” chuyển ra Bắc, báo Nhân dân vừa in xong thì Nguyễn Trọng Định hi sinh. Đó là ngày 26/8/1968 tại xã Điện Phước, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tuổi 26 dừng lại mãi thời trai trẻ nhưng thơ anh bất tử với thời gian.

Nhà thơ, liệt sĩ Trần Quang Long, nguyên quán ở làng Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội. Anh lớn lên, tham gia các phong trào đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm ở Huế và sau đó in đậm bước chân cách mạng ở Quy Nhơn - Cần Thơ - Sài Gòn - Tây Ninh, song hành cùng thơ trên nẻo đường tranh đấu.

Trần Quang Long làm thơ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường thời sinh viên nổi tiếng với bài thơ “Thưa mẹ, trái tim” ra đời lúc anh mới 25 tuổi. Thơ anh tràn đầy nhiệt huyết của một người dân mất nước sống trong chế độ hà khắc của Mỹ - Diệm. Thơ anh còn là tiếng nói tình cảm dạt dào của lứa tuổi thanh xuân được giới trẻ hết sức mến mộ. Tài năng đang ở độ sung mãn thì Trần Quang Long hi sinh tại rừng Tây Ninh ngày 11/10/1968 do một trận bom B52 của giặc Mỹ rơi trúng miệng hầm. Nhà thơ Trần Quang Long luôn luôn được người đời sau ghi nhớ là một nhà thơ chiến sĩ đã sống và chiến đấu cho dân tộc của mình, đấu tranh cho tự do hạnh phúc quần chúng của nhân dân!

Chiến tranh đã lùi xa, đất nước giờ đây được hòa bình, ổn định, giàu đẹp, phồn vinh, những vần thơ, những nhà thơ chiến sĩ - liệt sĩ  ấy vẫn "như ngọc sáng ngời", sáng mãi cùng thời gian.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nhà thơ liệt sĩ vẻ vang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO