Phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô

Vũ Hà| 29/03/2018 14:13

Những năm qua, phát hiện khảo cổ học trong phạm vi Công viên Ðịa chất núi lửa Krông Nô với nhiều di vật, di chỉ quan trọng. Một trong những phát hiện quan trọng nhất đó là cuộc sống của người tiền sử ngay chính tại hang động núi lửa Krông Nô.

ADQuảng cáo

Kể từ những năm 2015 về trước, các nhà khảo cổ học đã phát hiện một số di chỉ, di vật khảo cổ trong phạm vi Công viên Ðịa chất núi lửa Krông Nô nhưng chưa có di chỉ, di vật khảo cổ được phát hiện trong các hang động núi lửa. Từ cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, trong khuôn khổ thực hiện nhiệm vụ đột xuất của Dự án “Xây dựng Bộ sưu tập mẫu vật Quốc gia về Thiên nhiên Việt Nam”, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì, lần đầu tiên các nhà khảo cổ đã phát hiện và khai quật thám sát di chỉ khảo cổ trong hang động núi lửa Krông Nô.

Khai quật khảo cổ học trong hang động núi lửa Krông Nô

Tại nơi khai quật thám sát di chỉ khảo cổ đó, trong các hang động núi lửa Krông Nô, nhiều di vật khảo cổ đã được phát hiện với mật độ khá dày đặc và đa dạng gồm: Đồ đá nguyên liệu và các công cụ đá; dụng cụ sinh hoạt bằng gốm; các mảnh xương ống của động vật, răng hàm động vật đang hoá thạch... Đặc biệt, ngoài xương động vật, các nhà khảo cổ đã phát hiện được một số mảnh xương không còn rắn chắc, dễ bị gãy vỡ vụn, trong ống xương được lấp đầy bột sét ở thể xốp. Những mảnh xương nói trên bước đầu xác định là xương người tiền sử và hiện đang được xác minh, nghiên cứu.

Hơn một năm sau, từ 11/ 3/2018, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chủ trì đã chính thức tiến hành khai quật khảo cổ lần hai trong hang động núi lửa trên địa phận xã Nam Đà (Krông Nô), bên cạnh khu du lịch thắng cảnh Đray Sáp. Tác giả bài viết này đã trực tiếp gặp chuyên gia khảo cổ học - giáo sư Nguyễn Lân Cường – một người bạn đồng môn lớp đàn anh tại Krông Nô và được ông cho biết: Phát hiện khảo cổ lần này trong hang động núi lửa rất hay, rất đặc biệt và rất quan trọng, nhất là việc phát hiện ra bộ xương người tiền sử còn tương đối nguyên vẹn. Lát nữa ra hố khai quật anh sẽ chứng kiến…

ADQuảng cáo

Tiến sỹ Lê Xuân Hưng - Trưởng bộ môn khảo cổ Đại học Đà Lạt chở tôi bằng chiếc xe hon đa vượt con đường khấp khểnh ra hiện trường. Tại hố khai quật, các chuyên gia cùng cộng sự đang cần mẫn “gãi đất” để tìm hiện vật. Hố khai quật khảo cổ ở ngay trong cửa hang có diện tích nền khá rộng, tương đối bằng phẳng, thông thoáng, cửa hang quay hướng về nơi có nhiều ánh sáng, ra vào dễ dàng và phân bố ở gần nguồn nước... Đây là một trong những hang động rất tiện lợi cho nơi ở và sinh hoạt của cư dân tiền sử. Tiến sỹ Hưng giới thiệu những hiện vật đã tìm thấy trong hố khai quật, trong đó có hiện vật đồ đá, đồ gốm…

Trong số các hiện vật, quan trọng và đặc biệt nhất, đó là việc phát hiện ra một bộ xương người được chôn cất theo tư thế gập chân bó gối còn tương đối nguyên vẹn và một vỏ hến bên cạnh đang nằm dưới hố khai quật... Ngoài ra trong hố còn phát hiện được hộp sọ và một cái răng của người chưa trưởng thành… Trong hố khai quật, ngoài việc phát hiện bộ xương người tiền sử, còn có các dấu tích phân khu nhà ở, khu mộ táng... Về việc xác định niên đại của các hiện vật nói trên và một số vấn đề liên quan sẽ được các nhà chuyên môn nghiên cứu và kết luận. Sau khi khai quật xong (chưa xác định được thời gian), các nhà khảo cổ sẽ tổng hợp, phân loại, bảo quản và việc tiếp tục phân tích, nghiên cứu... 

Xương người tiền sử được phát hiện trong hang động núi lửa Krông Nô

Việc phát hiện ra một bộ xương người trong hang động núi lửa Krông Nô là điều đặc biệt quan trọng và ý nghĩa, gây “chấn động” giới khoa học. Bởi lẽ, đây là phát hiện khảo cổ học tiền sử đầu tiên trong hang động núi lửa ở Tây Nguyên và Việt Nam. Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên phát hiện được bộ xương người trong hang động núi lửa  - một trong những hang động lớn nhất Đông Nam Á. Những phát hiện khảo cổ học này sẽ được bổ sung một loại hình cư trú mới, một hướng thích ứng mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ basalt Tây Nguyên. Từ đó sẽ mở ra một hướng nghiên cứu mới về khảo cổ học hang động núi lửa ở Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á.

Đặc biệt, phát hiện khảo cổ học nói trên còn là một chứng cứ khoa học đầy thuyết phục, rất có giá trị để bổ sung một cách đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu “toàn cầu” đối với Công viên địa chất núi lửa Krông Nô. Mặt khác, tại nơi khai quật khảo cổ học, một bảo tàng ngoài trời tái hiện cuộc sống sinh hoạt của người tiền sử trong các hang động núi lửa bằng mô hình cụ thể sẽ được xây dựng trong tương lai gần là điều hoàn toàn có thể. Và đối với du khách, đây sẽ là một trong những điểm tham quan thú vị của Công viên địa chất núi lửa Krông Nô.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO