Phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy văn hóa thổ cẩm

Trang - Hoài| 25/03/2019 14:48

Hiện nay, việc phát triển du lịch cộng đồng đang là hướng đi mới của nhiều địa phương trong cả nước và được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong việc bảo tồn và khai thác những thế mạnh về văn hóa truyền thống, trong đó có văn hóa thổ cẩm. Phát triển du lịch cộng đồng cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân cũng như thúc đẩy du lịch, dịch vụ phát triển.

ADQuảng cáo

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc thiểu số tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tại thị xã Gia Nghĩa thu hút nhiều du khách tham quan

Thổ cẩm làm sản phẩm du lịch

Tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I tổ chức tại Đắk Nông, cùng với việc trưng bày, giới thiệu và quảng bá những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, mang đậm tính đặc trưng vùng miền của các dân tộc Việt Nam, các nghệ nhân đến từ các địa phương trong cả nước cũng có dịp để trao đổi, chia sẻ nhiều vấn đề liên quan đến việc khai thác và phát triển tiềm năng văn hóa thổ cẩm. Trong đó, việc tạo ra các sản phẩm thổ cẩm có tính ứng dụng để cung ứng cho thị trường cũng như trở thành sản phẩm du lịch là giải pháp được nhiều địa phương hướng đến.

Theo nghệ nhân Vừ Mí Chá đến từ huyện Đồng Văn (Hà Giang) thì ngay từ nhỏ, phụ nữ Mông cũng như phụ nữ các dân tộc thiểu số khác trên địa bàn đã được học dệt thổ cẩm với những hoa văn, họa tiết rất đẹp mắt. Trước đây, những sản phẩm thổ cẩm dệt ra chỉ để dùng may váy, quần áo để mặc. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của xã hội, phụ nữ các dân tộc thiểu số ở địa phương còn dệt thêm nhiều sản phẩm rất phong phú để bán cho du khách như khăn trải bàn, thảm trải nhà, túi, áo du lịch… Để tạo điều kiện cho nghề dệt thổ cẩm cũng như các làng nghề truyền thống khác tại địa phương phát triển, tỉnh Hà Giang đã xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm làng nghề phục vụ du lịch Công viên địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2016-2020”. Đến nay, nhiều làng nghề truyền thống của tỉnh đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan; trong đó có làng nghề thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pà Thẻn ở các huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Quang Bình. Các nghệ nhân dệt thổ cẩm nhờ đó cũng có thêm cơ hội phát triển nghề, có việc làm và thu nhập ổn định.

Trong các tỉnh miền núi phía Bắc thì Lào Cai cũng được đánh giá là địa phương đi đầu trong hoạt động phát triển du lịch cộng đồng. Theo các nghệ nhân đến từ tỉnh Lào Cai, việc phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương không chỉ đơn thuần là tổ chức đưa du khách đến tận nơi để tham quan mà còn đưa các sản phẩm truyền thống, trong đó có sản phẩm thổ cẩm đến với du khách.

ADQuảng cáo

Các nghệ nhân dân tộc Thái ở tỉnh Thanh Hóa tham gia dệt thổ cẩm tại Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I

Đánh thức tiềm năng trong từng tấm thổ cẩm

Trao đổi tại Hội thảo Văn hóa thổ cẩm các dân tộc Việt Nam, TS. Trần Hữu Sơn (Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Ứng dụng) nhấn mạnh, hoa văn thổ cẩm vừa là tiềm năng, vừa là nguồn lực để xây dựng các sản phẩm du lịch. Vấn đề quan trọng nhất chính là phải tạo ra được sự khác biệt về văn hóa thổ cẩm của mỗi vùng miền. Riêng tại Đắk Nông, hiện nay, việc xây dựng Công viên địa chất toàn cầu là nguồn lực tự nhiên để tỉnh phát triển du lịch mà thổ cẩm chính là “cái hồn” của nó. Vì vậy, việc xây dựng thổ cẩm trở thành sản phẩm du lịch của địa phương là hướng đi cần được nghiên cứu, ứng dụng để đem lại hiệu quả.

Tại Lễ khai mạc Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: “Chúng ta cần nhìn ra khía cạnh kinh tế với những tiềm năng cần được đánh thức trong từng tấm thổ cẩm mà đồng bào ta đã cần cù làm ra với tất cả niềm tự hào thiêng liêng về bản sắc văn hóa, những nét đặc trưng riêng được chuyển tải bằng chất liệu thổ cẩm”. Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích hợp khía cạnh văn hóa trong các sản phẩm thổ cẩm, gắn với từng vùng miền, từng cộng đồng, vào chiến lược phát triển du lịch, đặc biệt là các mô hình du lịch văn hóa cộng đồng, trải nghiệm miền núi từ Tây Bắc, Đông Bắc đến Tây Nguyên.

TS.Buôn Krông Tuyết Nhung, cán bộ Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên (Đại học Tây Nguyên) cũng cho hay, qua nghiên cứu về nghề dệt thổ cẩm của người Ê đê và M’nông ở huyện Cư Jút cho thấy, địa phương cần quy hoạch tổng thể làng nghề của người M’nông, Ê đê nói riêng và các dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung để tiến tới xây dựng “Làng du lịch cộng đồng”, “Du lịch làng nghề”, quảng bá sản phẩm cho đồng bào, vừa giúp bảo tồn văn hóa, vừa tạo điều kiện có công ăn việc làm, thu nhập.

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 nghệ nhân, thợ dệt thổ cẩm ở các bon làng đồng bào các dân tộc thiểu số. Thực tế, nghề dệt thổ cẩm ở Đắk Nông mới chỉ tận dụng thời gian nhàn rỗi của phụ nữ để tạo sản phẩm. Trong khi đó, đầu ra của các sản phẩm còn nhiều hạn chế. Qua hoạt động của Lễ hội Văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I, tỉnh muốn tạo điều kiện cho các nghệ nhân giao lưu học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận công cụ cải tiến từ dệt thủ công truyền thống tốn nhiều thời gian, sang phương thức dệt tiên tiến hơn nhằm hạ giá thành sản phẩm cũng như tạo ra nhiều sản phẩm có tính ứng dụng để cung ứng cho thị trường, qua đó, góp phần vào việc tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thổ cẩm và để bảo tồn, giữ gìn và phát triển văn hóa thổ cẩm tại địa phương một cách bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch cộng đồng, thúc đẩy văn hóa thổ cẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO