Phong trào văn nghệ quần chúng: Góp phần khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Mỹ Hằng| 29/09/2017 09:37

Những năm qua, phong trào văn nghệ quần chúng (VNQC) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, qua đó phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân.

ADQuảng cáo

Phong trào văn nghệ quần chúng phát triển góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Thực tế ở xã Tâm Thắng

Theo ông Nguyễn Sỹ Ánh, Phó Chủ tịch UBND xã Tâm Thắng (Chư Jút), xác định tầm quan trọng của phong trào văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều năm qua xã luôn quan tâm đến các hoạt động VNQC. Cứ đến ngày lễ tết, xã đều tưng bừng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân trên địa bàn. Tuy là những tiết mục “cây nhà lá vườn” nhưng các diễn viên không chuyên luôn thể hiện hết mình, mang đến cho bà con những cảm xúc mới lạ.

Qua tìm hiểu được biết, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tất cả các thôn, buôn trên địa bàn đều thành lập đội văn nghệ và duy trì sinh hoạt thường xuyên. Mỗi đội đều có từ 5 đến 10 thành viên với nhiều độ tuổi khác nhau và sinh hoạt dựa trên tinh thần tự nguyện. Mỗi khi địa phương có sự kiện gì, các đội văn nghệ đều tiến hành tập luyện và mang đến cho chương trình những tiết mục văn nghệ hay, đặc sắc. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, đơn vị đứng chân trên địa bàn cũng quan tâm ủng hộ, góp phần làm cho hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển và trở thành sân chơi bổ ích.

Tại các chương trình văn nghệ, xã luôn ưu tiên những tiết mục truyền thống như diễn tấu cồng chiêng, hát Aray, kể khan của người Ê đê. Hiện tại, đội cồng chiêng của người Ê đê, các câu lạc bộ văn nghệ của Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi và 19 đội văn nghệ ở các thôn luôn duy trì hoạt động. Phong trào văn hóa, văn nghệ phát triển mạnh đã góp phần đưa xã Tâm Thắng về đích trong Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đến các cơ quan, đơn vị

Để tạo sân chơi bổ ích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức thể hiện khả năng của mình, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chú trọng đến các hoạt động văn hóa, văn nghệ thông qua nhiều hình thức phong phú, đa dạng.

ADQuảng cáo

Theo đó, vào các ngày lễ lớn, ngày truyền thống của ngành, công đoàn cơ sở của các đơn vị thường xuyên tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ với nhiều nội dung phong phú như “Tiếng hát cán bộ, công nhân, viên chức ngành Thuế”, “Hát về Đảng và Bác Hồ kính yêu”, “Tiếng hát karaoke lao động nữ Agribank Chi nhánh tỉnh Đắk Nông”...

Dù là lực lượng không chuyên, nhưng các cá nhân tham dự luôn nỗ lực mang đến hội thi với tất cả niềm đam mê. Thông qua các hoạt động đã xuất hiện một số “hạt nhân” có tố chất, bổ sung vào đội văn nghệ của cơ quan, đơn vị để sẵn sàng tham gia các chương trình, hội diễn giao lưu văn nghệ do các cấp tổ chức.

Các trường học cũng đã thành lập được những đội, nhóm văn nghệ tiêu biểu. Vào các dịp công nhận danh hiệu cơ quan, đơn vị văn hóa, các hoạt động văn hóa, văn nghệ được thường xuyên tổ chức, thu hút sự quan tâm, ủng hộ của nhân dân, góp phần quảng bá và giữ gìn bản sắc văn hóa.

Văn hóa các dân tộc bản địa luôn được các đội VNQC khai thác, trình diễn tại Liên hoan văn nghệ quần chúng do tỉnh tổ chức

Góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc

Đắk Nông là tỉnh có nhiều dân tộc anh em sinh sống và hội tụ nhiều loại hình văn hóa truyền thống như cồng chiêng, hát ru của người M’nông, Mạ; hát Then của người Tày, Nùng; lượn, khắp của người Thái… Đây là nền tảng để phong trào VNQC được khơi dậy, duy trì và phát triển. Thực tế cho thấy, tại các địa phương, cơ quan, đơn vị có phong trào VNQC phát triển mạnh đều là những đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Điều đáng nói nữa là thông qua các hoạt động VNQC mà bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn, phát huy. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 đội VNQC sinh hoạt thường xuyên và tham gia đầy đủ các hội thi, hội diễn do các cấp tổ chức. Ở các thôn, bon cũng đã thành lập các đội văn nghệ gắn với các tổ chức xã hội và đoàn thể tại địa phương như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân…

Có thể nói, với việc quan tâm, đẩy mạnh phong trào VNQC không chỉ gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống, làm phong phú nhu cầu hưởng thụ đời sống tinh thần của nhân dân mà còn góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, giáo dục đạo đức, lối sống hướng đến chân thiện mỹ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phong trào văn nghệ quần chúng: Góp phần khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO