Tác nghiệp nơi “đầu sóng”

Lam Giang| 21/06/2017 08:52

Tháng 5 vừa qua, niềm vinh dự và cũng là may mắn khi tôi được cơ quan cử theo Đoàn công tác của tỉnh Đắk Nông do đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đi thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang sinh sống trên quần đảo Trường Sa. Chuyến đi chỉ vỏn vẹn 11 ngày, nhưng tôi đã được trải nghiệm bao điều thú vị và có rất nhiều kỷ niệm về việc tác nghiệp nơi “đầu sóng”.

ADQuảng cáo

Phóng viên Phan Tân, Báo Đắk Nông tác nghiệp ghi lại hình ảnh Nhà giàn DK1

“Sướng” như phóng viên

“Sướng nhất là cánh phóng viên”, lời nói đùa mà đúng vì phóng viên luôn được ưu tiên trong mọi hoạt động của đoàn công tác, nào là được gặp gỡ riêng, ưu tiên đi vào các điểm đảo đầu tiên; ưu tiên tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ... Ngay khi mới “chân ướt, chân ráo” lên tàu, cánh phóng viên đã được “triệu tập” họp báo ngay.

Ngoài truyền đạt các quy định khi tác nghiệp tại các đảo, nhà giàn, cánh phóng viên được Đại tá Nguyễn Văn Dũng, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân căn dặn: “Anh chị em phóng viên phải cố gắng giữ sức khỏe, vì khi đã đặt chân tới Trường Sa, sẽ chỉ muốn làm việc liên tục mà thôi”.

Lời dặn dò có phần như “cảnh báo” ấy càng làm chúng tôi hồi hộp và phấn chấn. Và như kinh nghiệm của đại tá Dũng là bài học đầu tiên đối với các nhà báo muốn tác nghiệp ở đảo, nhà giàn là phải có sức khỏe thật tốt. Vì sau 2 ngày lênh đênh trên biển, bắt đầu từ ngày thứ 3, “lịch tác nghiệp” của cánh phóng viên dày đặc. Trong 5 ngày, chúng tôi đến 7 đảo: Trường Sa, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Núi Le, Tiên Nữ, An Bang, Nhà giàn DK1, rồi còn tham gia các hoạt động tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hi sinh, giao lưu văn nghệ.

Vậy là, sáng xuống xuồng lên đảo, trưa về tàu, đến chiều lại tiếp tục như vậy. Cả chuyến đi phải hơn 12 lần lên - xuống tàu liên tục. Đặc biệt, việc lên thăm mỗi điểm đảo, nhà giàn chỉ gói gọn trong 2-3 tiếng đồng hồ, nên đòi hỏi cánh phóng viên phải căng hết mình chạy đua với thời gian mới mong có thể có tư liệu để viết.

ADQuảng cáo

Phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam phỏng vấn người lính trên đảo Tiên Nữ

Thức “canh sóng”

Tác nghiệp ở Trường Sa, Nhà giàn DK1, bên cạnh việc chuẩn bị phương tiện cho thật tốt, thì việc làm thế nào để chống chọi lại những cơn say sóng là điều bất cứ phóng viên nào cũng phải lưu tâm. Bởi hơn ai hết, mỗi người hiểu rằng, nếu say sóng và nằm một chỗ thì chuyến tác nghiệp sẽ thành “công cốc”. Thật may mắn là cả hải trình, gần chục phóng viên báo, đài không ai phải trải qua cảm giác say sóng ấy cả. Có người đùa rằng, chắc do ngọn lửa nghề trong mỗi người đã át hết những cơn say.

Chính vì mênh mông quanh mình là  sóng nước, nên một “bài học” các nhà báo nằm lòng sau mấy ngày ở đảo, đó là phải giữ đồ nghề thật cẩn thận. Mỗi khi chuyển xuồng, anh em lại gói bọc kỹ đồ nghề: máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút… vào túi nilông chuyên dụng được cấp sẵn, buộc chặt lại. Bởi nếu không may sóng bắn nước vào, người ngã xuống biển thì đã được trang bị áo phao, nhưng nếu máy móc mà bị “tắm” nước biển thì coi như bỏ đi.

Tác nghiệp ở Trường Sa thì thừa sóng biển, nhưng thiếu sóng điện thoại, sóng 3G. Điều này làm cánh phóng viên “khóc dở, mếu dở”. Do điều kiện biển, đảo xa xôi, nên trong suốt hành trình chúng tôi đi, chỉ có sóng điện thoại khi tàu cập gần một đảo nào đó, còn đường truyền internet rất yếu, chỉ có sóng 2G. Do vậy, để gửi được một tin, bài hay ảnh về tòa soạn là cả một nỗi nhọc nhằn, khiến phóng viên đứng ngồi không yên. Ai nấy đều tranh thủ những phút còn trên đảo để gửi bài. Sóng 2G đã yếu, nhiều người gửi cùng lúc càng làm cho mạng chậm hơn, dù ảnh đã giảm dung lượng ở mức thấp nhất có thể, nhưng lắm lúc cũng đành chịu.

Nhiều phóng viên từng ra đảo truyền cho “bí quyết”, là khoảng 12 giờ đêm đến 4 giờ sáng, lúc ấy không ai dùng mạng thì bắt đầu gửi tin, bài về cơ quan. Vậy là cả đêm tàu neo gần đảo Trường Sa Đông, cánh phóng viên thay nhau thức “canh sóng”, nhưng cũng đành “bó tay”.

Khó khăn, vất vả là thế, nhưng một lần trong đời được tác nghiệp ở Trường Sa luôn mang lại cho mỗi phóng viên những điều kỳ lạ. Đó là cảm giác lâng lâng và tự hào khi vác máy ảnh, máy quay chạy khắp các đảo mà mình đặt chân tới, gặp từng chiến sĩ làn da sạm lại vì nắng gió, từng người dân tần tảo, kiên cường bám biển, hay từng đứa trẻ ngoan ngoãn, ngây thơ đến trong veo giữa bão tố biển khơi… Để rồi, cảm giác cuối cùng chính là niềm hạnh phúc vì đã làm hết mình, cùng những bài viết, những hình ảnh, thước phim ưng ý để truyền tải hình ảnh của quân và dân Trường Sa, Nhà giàn DK1 đang ngày đêm bám biển, bám đảo để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc thân yêu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác nghiệp nơi “đầu sóng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO