Thực hiện chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân ưu tú: Vẫn còn trên giấy (kỳ 2): Cần nhanh chóng vào cuộc

Mỹ Hằng| 04/08/2017 10:10

Ngay sau khi Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, UBND tỉnh Đắk Nông đã có Công văn số 5716 giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB-XH) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan căn cứ Nghị định để hướng dẫn UBND các huyện, thị xã tổ chức theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các nghệ nhân vẫn chưa nhận được chế độ đãi ngộ nào.

ADQuảng cáo

Nghị định 109 có hiệu lực từ ngày 1/1/2016, nhưng đến nay các "Nghệ nhân ưu tú" vẫn chưa được hưởng chế độ ưu đãi.

Dù ít hay nhiều cũng vui

Năm nay đã ngoài 60 tuổi, nhưng nghệ nhân Thị Véc ở bon Điêng Đu, xã Đắk Ngo (Tuy Đức) vẫn mê đánh cồng chiêng và dệt thổ cẩm. Chưa bao giờ bà toan tính thiệt hơn khi nỗ lực gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc. Tuy nhiên, trong sâu thẳm, bà vẫn cảm thấy buồn vì danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” thì có, nhưng các chính sách đối với nghệ nhân lại không.

Bà Thị Véc cho biết: “Lâu nay, mỗi khi địa phương tổ chức sự kiện văn hóa gì, tôi đều hăng hái tham gia. Ngoài chế độ thù lao được hưởng theo sự kiện, tôi chưa nhận được một chính sách nào dành cho nghệ nhân cả. Điều tôi vui mừng nhất là bản sắc văn hóa của người M’nông được chính quyền các cấp quan tâm và có giải pháp gìn giữ, bảo tồn. Bản thân tôi cũng có biết đôi chút về chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân, nhưng đến nay tôi vẫn chưa được sự hỗ trợ nào. Gia đình tôi cũng thuộc diện khó khăn, tuổi cao sức yếu nên dù ít hay nhiều cũng cảm thấy vui”.

Nghệ nhân Nông Thanh Hưu ở thôn 9, xã Nam Dong (Chư Jút) cũng cho biết: “Tôi cũng biết về chế độ, chính sách dành cho các nghệ nhân ưu tú, nhưng không hiểu tại sao Nghị định 109 có hiệu lực gần 2 năm rồi mà chúng tôi chưa được hưởng. Tại các cuộc họp hay tiếp xúc cử tri, tôi cũng đã hỏi chính quyền các cấp về vấn đề này, nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Tôi chỉ mong chính sách này được thực thi càng sớm càng tốt, dù trợ cấp hàng tháng không nhiều, nhưng đó là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến nhiều hơn cho quê hương, đất nước”.

Nghệ nhân Thị Ai (thứ nhất từ trái qua) ở bon Bu Koh, xã Đắk R’tíh (Tuy Đức) tích cực tham gia vào nghi lễ, lễ hội truyền thống của người M’nông tại địa phương. Ảnh: Hồ Mai

ADQuảng cáo

Trên nói có

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi Nghị định 109 được ban hành, với chức năng, nhiệm vụ của mình, ngành đã lập danh sách “Nghệ nhân ưu tú” và gửi văn bản, quá trình cống hiến cũng như nơi cư trú của 21 nghệ nhân bàn giao cho Sở LĐTB-XH. Đồng thời, Sở cũng gửi văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa - Thông tin (VH-TT) các huyện, thị xã phối hợp thực hiện theo Nghị định. Hàng năm, vào dịp lễ tết, ngành đều chỉ đạo Phòng VH-TT các huyện, thị xã mua hoa, quà đi thăm, chúc tết các nghệ nhân.

Theo ông Hồ Sỹ Hải, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐTB-XH), thực hiện Quyết định số 5716 của UBND tỉnh Đắk Nông, Sở LĐTB-XH đã ra Công văn số 292 về việc thực hiện Nghị định 109 của Chính phủ. Ngành cũng  phối hợp với Sở VHTT-DL để bàn giao danh sách cũng như hướng dẫn các bước thực hiện. Đồng thời, ngành đề nghị UBND các huyện, thị xã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai khảo sát, lập danh sách “Nghệ nhân ưu tú” có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn để thực hiện việc hỗ trợ theo các quy định của Nghị định 109. Theo đó, các huyện, thị xã có trách nhiệm tổng hợp số liệu báo cáo tình hình thực hiện Nghị định định kỳ vào ngày 30/12 hàng năm gửi về để Sở tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ LĐTB&XH. Tuy nhiên, cho tới thời điểm này vẫn chưa có địa phương nào báo cáo nên đơn vị cũng chưa nắm rõ thực tế.

Dưới bảo không

Nói về điều này, ông Nguyễn Tuấn Học, Trưởng Phòng VH-TT huyện Đắk Song cho biết: “Thực tình mà nói, đến khi phóng viên về trao đổi vấn đề này, tôi mới biết đến Nghị định 109. Đơn vị cũng không hề nhận được văn bản liên quan nào đến việc phối hợp thực thi nghị định”.

Ông Thái Doãn Hợp, Trưởng Phòng LĐTB-XH huyện Đắk Glong cũng cho hay: “Do sự nhập nhằng, chưa có sự thống nhất và sâu sát giữa các bên liên quan, nên chúng tôi chưa nhận được văn bản chỉ đạo nào. Thực tế, đơn vị cũng chỉ theo dõi, nắm bắt tình hình và thực thi chính sách đối với người có công cách mạng, gia đình chính sách. Trong khi đó, ngành văn hóa lại liên quan đến đội ngũ nghệ nhân nhiều hơn. Do vậy, chúng tôi chưa cập nhật được thông tin từ Nghị định 109. Nếu trách nhiệm thuộc về đơn vị thì sai ở đâu, chúng tôi sửa ở đó. Sau khi kiểm tra, tìm hiểu Nghị định này, chúng tôi sẽ thực thi để các nghệ nhân được hưởng chế độ này”.

Có thể nói, việc chậm trễ chi trả chế độ đãi ngộ dành cho đội ngũ “Nghệ nhân ưu tú” trên địa bàn tỉnh ít nhiều cũng ảnh hưởng đến niềm tin của nghệ nhân đối với việc tham gia các hoạt động bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa. Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây, đó là các ngành, các cấp liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, rà soát, đôn đốc để Nghị định 109 thực sự đi vào cuộc sống, bảo đảm quyền lợi cũng như kịp thời động viên, khuyến khích đội ngũ nghệ nhân đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy văn hóa trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện chính sách ưu đãi dành cho nghệ nhân ưu tú: Vẫn còn trên giấy (kỳ 2): Cần nhanh chóng vào cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO