Tiềm năng di sản địa chất của Công viên địa chất núi lửa Krông Nô rất lớn và rất giá trị

Mỹ Hằng thực hiện| 28/04/2018 14:14

Năm 2016, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt Đề tài: “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng Công viên địa chất (CVĐC) khu vực hang động núi lửa Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”. Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề tài đã đạt được những kết quả nhất định. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ La Thế Phúc, cựu Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam-Chủ nhiệm đề tài xung quanh vấn đề này.

ADQuảng cáo

TS La Thế Phúc (bên phải) - Chủ nhiệm Đề tài trả lời phỏng vấn

PV: Việc thực hiện và hoàn thành Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá Di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

TS La Thế Phúc: Có thể khẳng định, việc thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, điều tra, đánh giá Di sản địa chất, xây dựng công viên địa chất khu vực Krông Nô, tỉnh Đắk Nông” có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với việc bảo tồn, quản lý và khai thác, phát huy các giá trị di sản khu vực Krông Nô của tỉnh Đắk Nông.

Mục tiêu chính của Đề tài là điều tra, xác lập được đầy đủ các di sản phân bố trong khu vực huyện Krông Nô và kế cận thuộc tỉnh Đắk Nông; khảo sát, đo vẽ chi tiết và đánh giá độ an toàn của các hang động thuộc hệ thống hang động núi lửa khu vực Krông Nô phục vụ cho việc đầu tư, phát triển du lịch; đánh giá các giá trị di sản và xây dựng hồ sơ, trình duyệt công nhận CVĐC Quốc gia, hướng tới hình thành CVĐC toàn cầu cho khu vực Krông Nô. Kết quả nghiên cứu này là một trong những cứ liệu quan trọng bổ sung vào hồ sơ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu.

PV: Trong quá trình thực hiện Đề tài có gặp khó khăn, vướng mắc gì hay không, thưa ông?

TS La Thế Phúc: Thật tình mà nói, trong quá trình thực hiện Đề tài, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất, sự xung đột giữa khai thác phát triển với bảo tồn di sản như khai thác tài nguyên khoáng sản, khai thác du lịch, xây dựng hạ tầng… đã xâm hại di sản. Do người dân tự ý khai thác nên khi đi ngoài thực địa rất khó để tìm thấy mẫu hóa thạch ammonite (cúc đá) to và đẹp, hay mẫu opal-chalcedon kích thước lớn và các loại đá quý - bán quý khác, thậm chí những mẫu tectit… cũng vậy. Đây là một điều rất khó khăn cho việc trưng bày hiện vật tại chỗ để giới thiệu di sản và khó khăn trong việc lập hồ sơ/lý lịch cho điểm di sản.

ADQuảng cáo

Thứ hai, nhận thức của cộng đồng về di sản địa chất và bảo tồn di sản địa chất vẫn còn hạn chế, nên trong quá trình khảo sát thực địa, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn khi phỏng vấn, trao đổi thông tin với người dân địa phương. Thứ ba là sự nôn nóng, thúc giục giao nộp sản phẩm của đơn vị thụ hưởng, nhiều khi đã gây cho chúng tôi những áp lực không đáng có trong quá trình thực hiện đề tài.

PV: Đến thời điểm này tiến độ triển khai thực hiện Đề tài diễn ra như thế nào?

TS La Thế Phúc: Phải nói rằng, tiềm năng di sản nói chung và di sản địa chất nói riêng của CVĐC núi lửa Krông Nô là rất lớn và rất có giá trị. Công tác nghiên cứu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản ở đây còn rất nhiều vấn đề cần phải làm, còn tốn nhiều thời gian và nguồn lực. Hiện nay, chúng tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, thực hiện các bước còn lại của Đề tài. Trong quá trình thực hiện 2 đề tài khoa học (một cấp tỉnh và một cấp Nhà nước), chúng tôi đã tập hợp đông đảo đội ngũ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và mời các chuyên gia quốc tế cùng hợp tác.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ở CVĐC núi lửa Krông Nô đã có sự hiện diện của 9/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO. Năm 2007, chúng tôi phát hiện hệ thống hang động núi lửa tại khu vực Krông Nô và đầu năm 2017, di chỉ khảo cổ thời tiền sử cũng được tìm thấy trong các hang động núi lửa này.

Tính đến thời điểm hiện tại, đây là di chỉ khảo cổ hang động núi lửa độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á và hiếm có trên thế giới, chứa đựng những giá trị khảo cổ đặc biệt quan trọng. Các ngọn núi lửa ở đây có cơ chế thành tạo rất đa dạng và vô cùng độc đáo. Các hóa thạch Ammonite ở đây có kích thước lớn nhất Việt Nam kể cả khối đá bán quý opal-chalcedon. Hệ thống thác nước, hồ nước tự nhiên có nguồn gốc thành tạo độc đáo cùng nhiều di sản phi địa chất khác đang được chúng tôi nghiên cứu, biên soạn, công bố.

Tuy nhiên, trong khuôn khổ của đề tài khoa học công nghệ, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để bảo đảm tiến độ theo như hợp đồng đã ký giữa Sở Khoa học-Công nghệ Đắk Nông với Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam. Dự kiến đến tháng 7/ 2018, chúng tôi sẽ bàn giao công trình nghiên cứu cho tỉnh Đắk Nông.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng di sản địa chất của Công viên địa chất núi lửa Krông Nô rất lớn và rất giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO