Tròn 50 năm bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 cuối cùng của Bác Hồ: Lời hịch văng vẳng bên tai

Vũ Hà| 28/12/2018 11:09

Sinh thời, Bác Hồ thường có thơ xuân chúc mừng năm mới thường niên như một phong tục. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác Hồ viết: "Từ ngày đất nước ta có Cụ Hồ làm Chủ tịch, dân tộc Việt Nam có thêm một phong tục mới, mỗi lần xuân đến. Ðó là giao thừa đón nghe lời Bác đọc thơ Xuân". Và dân tộc Việt Nam được nghe Bác đọc thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 – bài thơ cuối cùng của Bác cách nay tròn nửa thế kỷ, trước khi Người “vĩnh biệt thế giới này” để đi vào cõi vĩnh hằng.

ADQuảng cáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bộ đội Phòng không-Không quân vào ngày Mùng 1 Tết Kỷ Dậu (16/2/1969). Ảnh tư liệu

Nhớ lại những năm Bác Hồ còn sống, mỗi dịp tết đến xuân về, vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, cũng là lúc trong mỗi căn nhà, mọi người háo hức mà lặng im đón đợi nghe Người đọc thư và thơ chúc tết. Còn nhớ, Xuân Kỷ Dậu 1969, tác giả bài viết này lúc đó mới khoảng bảy, tám tuổi cùng cả nhà háo hức chờ đón thời khắc giao thừa để lắng nghe Bác Hồ chúc tết. Trong thời khắc giao thừa năm ấy, khi đất trời đang rộn rã tiếng pháo nổ bỗng lặng im… Rồi từ loa truyền thanh công cộng đầu làng cất lên tiếng nói truyền cảm của cô phát thanh viên: “Nhân dịp năm mới, mời đồng bào, chiến sĩ trong cả nước và kiều bào ở nước ngoài lắng nghe thơ chúc tết của Hồ Chủ tịch”. Sau đó là lời của Bác đầm ấm vang lên: “Đồng bào, chiến sĩ và kiều bào ở nước ngoài thân mến! Các cháu thanh thiếu niên yêu quý!

“Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Những ngày tháng cuối đời, dầu đã linh cảm “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin” và “thế giới người hiền” nhưng Bác vẫn làm thơ chúc Tết - Xuân Kỷ Dậu 1969 với âm hưởng hào hùng. Bài thơ chúc Tết - Xuân Kỷ Dậu 1969 được Bác viết bằng thể lục bát truyền thống quen thuộc, rất giản dị và dễ hiểu. Với bố cục chặt chẽ, bài thơ vừa tổng kết được tình hình quá khứ (Năm qua thắng lợi vẻ vang); dự báo cho tương lai (Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to); khẳng định lại mục đích chiến đấu (Vì độc lập, vì tự do); cùng việc vạch ra chiến lược đánh địch (Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào); sau đó là lời kêu gọi, hiệu triệu như có tiếng kèn đồng xung trận (Tiến lên chiến sĩ đồng bào) và cuối cùng là khẳng định ngày vui thống nhất (Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn).

ADQuảng cáo

Bài thơ chúc Tết của Bác rất hào hùng và đầy cảm xúc, có người nói “trong thơ sẵn nhạc, trong nhạc như có tiếng kèn xung trận”. Ngay sau đó, bài thơ chúc Tết - Xuân Kỷ Dậu 1969 của Bác Hồ đã được nhạc sỹ quân đội Huy Thục của Đội văn công xung kích của Tổng Cục chính trị Quân đội ở chiến trường Trị Thiên phổ nhạc. Nhạc sỹ Huy Thục kể lại: Giữa tháng 12/1968, khi ông đang cùng đội văn công Quân đội hoạt động ở chiến trường Trị Thiên thì được Tư lệnh mặt trận trao một bức thư điện khẩn. Trong bức điện có thơ chúc tết của Bác Hồ. Dưới bài thơ có lời ghi chú: "Yêu cầu phổ nhạc bài thơ này, ca khúc phải gửi ra Hà Nội trước ngày 20/12 để mùng 1 tết có thơ và ca khúc đăng trên báo Nhân Dân và phát trên Ðài Tiếng nói Việt Nam".

Lời thơ đẹp, âm điệu trong sáng trong bài thơ chúc Tết - Xuân Kỷ Dậu 1969 của Bác Hồ đã khơi dậy nguồn cảm hứng sáng tạo của nhạc sĩ Huy Thục. Với cây đàn ghi-ta ông bắt tay ngay vào phổ nhạc với niềm phấn chấn. Theo nhạc sĩ Huy Thục, bài thơ của Bác ngắn gọn, súc tích và rất hay, mang tính khái quát cao. Trong đó chứa đựng những thành tựu của một năm đã qua và mang tính chất “hịch”, có ý nghĩa chiến lược cho năm tới và các năm sau. Do vậy là phải phổ nhạc làm sao để giữ được tứ thơ, hồn thơ quyện được vào chặng đường lịch sử của quân và dân ta ở cả hai miền Nam Bắc mà Người đã khẳng định trong thơ chúc tết…

Và ngay sáng hôm sau ông đã có nhạc phẩm để cho Đội văn công xung kích hát thử. Sau khi tham khảo ý kiến các cán bộ, chiến sĩ ngoài mặt trận, bản nhạc đã được ghi âm và cấp tốc gửi ngay ra Hà Nội ngày 18/12/1968. Bản nhạc phổ thơ của ông gửi đi ít lâu thì Đội văn công xung kích được lệnh từ chiến trường ra Hà Nội. Tối ngày 31/12/1968, Đội văn công xung kích đến biểu diễn phục vụ Bác và các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước tại Phủ Chủ tịch. Trong buổi biểu diễn còn có một số ca khúc của nhạc sĩ Huy Thục cũng được các ca sĩ nổi tiếng trình bày như "Tiếng đàn Ta lư", "Người con gái Pa-cô", "Ơi con suối la la"...

Bấy giờ, vào giao thừa năm 1969 ở mặt trận các chiến sĩ giải phóng quân cảm thấy hết sức thiêng liêng và xúc động khi được nghe Bác Hồ đọc bài thơ chúc tết và nghe bài hát do nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc. Nghe thơ chúc tết của Bác và bài hát của nhạc sĩ Huy Thục, những người lính như có thêm sức mạnh và niềm tin vào một ngày mai thống nhất, “Bắc Nam sum họp” một nhà như đã đến gần. Và sau ngày Bác đi xa, những năm kháng chiến chống Mỹ, mỗi dịp tết đến xuân về, bài hát nói trên lại vang lên trên sóng Đài Phát thanh tiếng nói Việt Nam như một lời hịch tướng sĩ, một bản hùng ca thôi thúc quân và dân cả nước xông lên đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào… Cũng từ năm 1969, phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam ngày càng phát triển mạnh và đến mùa xuân năm 1975, chúng ta đã giành thắng lợi hoàn toàn.

Từ Tết Kỷ Dậu 1969 đến Tết Kỷ Hợi 2019, tròn 50 năm Bác Hồ làm thơ chúc Tết cuối cùng. Và đến nay cũng là mùa xuân cuối cùng - sau nửa thế kỷ Người đi xa vào cõi vĩnh hằng, thế hệ con cháu nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đoàn kết, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” theo di nguyện Bác. Và những ngày này, khi đọc bài thơ chúc Tết - Xuân Kỷ Dậu 1969 của Bác Hồ vào thời khắc giao thừa, những người con dân Việt đều dâng trào cảm xúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Và dường như Người vẫn đang cùng chúng ta đón chào xuân  mới!  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tròn 50 năm bài thơ chúc Tết Kỷ Dậu 1969 cuối cùng của Bác Hồ: Lời hịch văng vẳng bên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO