Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ 2): Đảo chìm và những bất ngờ thú vị

Ghi chép của Lam Giang| 19/01/2018 09:39

Trong số 7 điểm đảo mà đoàn chúng tôi đến thăm thì có 4 đảo chìm gồm: Núi Le A, Tiên Nữ, Đá Tây A, Đá Tây B. Đặt chân lên các đảo chìm mới thấy được những khó khăn vất vả và tinh thần kiên cường bám trụ giữ đảo của những người lính hải quân nơi đầu sóng ngọn gió này.

ADQuảng cáo

Người lính Hải quân ở đảo Đá Tây A luôn vững chắc tay súng bảo vệ biển đảo Tổ quốc

Các đảo chìm chỉ là những bãi san hô xâm xấp nước lúc thủy triều xuống và mênh mông sóng vỗ khi thủy triều lên. Khác với các đảo nổi như Trường Sa Lớn là tàu có thể ghé sát cầu cảng để người và hàng lên xuống dễ dàng, thì muốn vào đảo chìm phải chờ thủy triều lên rồi dùng xuồng CQ tăng bo vào. Gặp hôm nào thời tiết xấu, sóng to gió lớn, muốn vào đảo phải vượt qua muôn vàn khó khăn. Vì vậy, tàu chở đoàn công tác đến gần đảo vào đầu giờ chiều, nhưng gặp lúc thủy triều xuống đành phải thả neo chờ đến hôm sau, khi con nước lên cao mới vào được.

Phút giây gặp mặt giữa người từ đất liền với chiến sĩ ở đảo Núi Le A 

Chuyện từ tàu lớn xuống xuồng CQ cũng không phải chuyện dễ. Bởi bậc tam cấp của tàu được thiết kế sát với mép nước, nhưng khi gặp sóng to, giữa xuồng CQ và bậc tam cấp luôn chênh nhau rất lớn. Muốn lên hoặc xuống, từng người phải nai nịt, mặc áo phao gọn gàng, đồ dùng cá nhân bọc vào túi chuyên dụng và phải luôn tranh thủ bước qua lúc tàu và xuồng cùng nhịp sóng. Chỉ cần bất cẩn, không tập trung thì có thể xảy ra sự cố bất cứ lúc nào, nên lắm lúc phải mất rất nhiều thời gian mới có thể xuống hoặc lên đảo.

Các thủy thủ lái xuồng CQ cũng phải là những người nhiều kinh nghiệm, am hiểu từng luồng lạch, từng đợt sóng để tránh đâm vào các bãi san hô ngầm. Nguy hiểm là thế nhưng trong đoàn chúng tôi ai cũng háo hức để được đặt chân lên đảo, được chia sẻ dù chỉ là chút hơi ấm đất liền mang ra cho người lính đảo chìm.

Đảo Núi Le A vững vàng giữa biển trời Tổ quốc

“Doanh trại” của đảo chìm được xây dựng trên nền san hô nằm dưới mực nước biển, tạo thành các chiến lũy vững chắc gồm các khối nhà cao từ 2-3 tầng bằng bê tông kiên cố, vừa là nơi sinh hoạt vừa là nơi trực chiến của cán bộ, chiến sĩ. Trên nóc khối bê tông cốt thép sừng sững giữa biển khơi, cờ Tổ quốc tung bay phấp phới, thật hiên ngang mà thân thương, gần gũi. Ở đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt chủ yếu khai thác từ nước mưa nên rất thiếu thốn.

ADQuảng cáo

Chiến sĩ đảo Núi Le A có thêm điều kiện để sinh hoạt, giải trí

Thượng úy Phạm Viết Sao, Chính trị viên đảo Tiên Nữ cho biết: “Nguồn nước ngọt trên đảo trông cả vào “ông trời”, nên nước dùng cho sinh hoạt hàng ngày đều phải tính toán rất chặt chẽ, chắt chiu, tiết kiệm. Vào mùa khô, biển lặng, nắng hạn kéo dài, cán bộ, chiến sĩ phải ăn ở, sinh hoạt trong các tầng nhà bê tông nên rất oi bức, nóng nực... Mặt khác, do vị trí địa lý của các đảo chìm nằm trong khu vực có nhiều giông bão nên công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn luôn được chỉ huy quan tâm chú trọng. Tuy nhiên, vượt lên tất cả, những người lính đảo chìm luôn hiện lên như hình ảnh tiêu biểu cho lòng kiên trung, bất khuất, cho sức mạnh, ý chí quật cường, vượt lên mọi khó khăn”.

Giữa muôn vàn khó khăn, người lính trên đảo Núi Le A vẫn có thể chăn nuôi, cải thiện đời sống

Ở các đảo chìm thường không có đất, nên người lính hải quân phải tận dụng mọi khoảng trống ở khắp nơi từ mái hiên ra đến chân cầu thang để  trồng rau xanh, chăn nuôi. Hạt giống mang từ đất liền ra cũng phải chọn lựa, thử nghiệm kỹ xem có phù hợp với thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Từng vạt rau phải quây kín bằng tôn, gỗ, ni lông để tránh sóng, gió và hơi nước mặn. Nước tưới rau cũng được tận dụng tối đa từ nguồn tắm giặt, rửa rau, nấu cơm…

Một điều gây nhiều bất ngờ cho chúng tôi là khi đến đảo Tiên Nữ, ngoài sự chào đón của người lính còn có đàn chó ùa ra và vài phút sau, trở nên thân thiện với tất cả mọi người trong đoàn. Đối với người lính đảo chìm, chó được xem là con vật thân thiết, theo chân trong từng ca gác, là tiếng chuông báo động khi có vật thể lạ xuất hiện trong đêm khuya. Còn ở đảo Núi Le A, chúng tôi còn thấy đàn vịt cả trăm con tung tăng bơi lội, tạo nên khung cảnh bình yên như ở thôn quê. Người lính đảo nơi đây còn nuôi được gà, lợn nữa.

Các chiến sĩ tận dụng mọi khoảng trống, vật dụng để có thể trồng rau xanh

Theo  Bộ Tư lệnh Vùng 4, Hải quân Việt Nam, hiện nay đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, chiến sĩ ở các đảo đá chìm từng bước được cải thiện, trang bị ti vi, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh, nên luôn cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới. Ngoài ra, trên các đảo cũng đều có tủ sách, báo, bàn bóng bàn, dụng cụ thể thao để cán bộ, chiến sĩ có điều kiện giải trí, tập luyện, yên tâm bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió.

>> Kỳ 3: Điểm tựa cho ngư dân bám biển

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ 2): Đảo chìm và những bất ngờ thú vị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO