Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ cuối): Thân thương Nhà giàn DK1/9

Lam Giang| 02/02/2018 09:49

Tiếng loa phóng thanh thông báo tàu chuẩn bị buông neo tại Nhà giàn DK1/9 trên vùng biển Ba Kè làm cho không khí trên tàu xôn xao hẳn lên. Tất cả chúng tôi ùa hết lên boong. Phía trước mũi tàu, giữa mênh mông sóng nước hiện dần hai khối nhà bằng sắt đứng hiên ngang, sừng sững. Nhà giàn DK1/9 gồm 2 khối nhà bằng sắt cắm thẳng xuống lòng biển, cao khoảng 40m, trên đỉnh lá cờ đỏ tung bay phần phật, khẳng định đanh thép chủ quyền Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

ADQuảng cáo

Nhà giàn DK1/9 hiên ngang, sừng sững giữa biển khơi của Tổ quốc

Buổi chiều trước đó, đoàn công tác được dự lễ tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc. Trong không gian trầm mặc, điếu văn do Đại tá Nguyễn Đức Dũng, Bộ Tư lệnh Hải quân đọc, đưa mọi người về lại những ngày tháng gian khó, hy sinh, mất mát của những chiến sĩ khi làm nhiệm vụ trên vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc.

Đó là đêm mùng 4, rạng sáng mùng 5/12/1990, khi cơn bão số 10 với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực phía Nam Biển Đông. Dưới sự chỉ huy của Trung úy Bùi Xuân Bổng và Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, các chiến sĩ Nhà giàn DK1/3 ra sức chống chọi với bão tố. Thế nhưng, do sóng quá to, gió quá lớn, đến gần sáng nhà giàn bị đổ, cuốn trôi cả 8 người. 3 cán bộ, chiến sĩ gồm Thượng úy Nguyễn Hữu Quảng, Thượng úy Trần Văn Là và chiến sĩ Hồ Văn Hiền mãi mãi ở lại với biển cả.

Đó là hành động cao đẹp của Liệt sĩ Vũ Quang Chương - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/6. Trước sự hung dữ và tàn khốc của cơn bão số 8, ngày 14/12/1999, anh đã vững vàng chỉ huy bộ đội rời nhà giàn về đất liền an toàn. Riêng bản thân anh và chiến sĩ Nguyễn Văn An ở lại thu giữ tài liệu và cuốn lá cờ Tổ quốc vào lòng, rời nhà giàn cuối cùng, nhưng bão tố đã cướp đi tính mạng của các anh…

Thực hiện nghi thức thả vòng hoa, tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên thềm lục địa phía Nam Tổ quốc

Giọng Đại tá Dũng như nghẹn lại, không ai bảo ai, mọi ánh mắt đều hướng về biển cả mênh mông, nơi thân xác và những khát khao tuổi trẻ của biết bao người lính nhà giàn gửi lại nơi biển sâu. Bùi ngùi xúc động, từng nén hương thơm ngát, những bông cúc vàng thắm, cánh hạc giấy được thả xuống lòng biển kính mong các anh yên nghỉ trong bóng hình sóng nước, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay và mai sau mãi giữ vững biển đảo, thềm lục địa thân yêu của Tổ quốc.

ADQuảng cáo

Trong ánh bình minh, mặt biển nhìn tưởng chừng như rất lặng, nhưng những chiếc xuồng CQ đưa đoàn công tác vào Nhà giàn DK1/9 cứ dập dềnh, rung lắc mạnh, làm nước bắn lên tung tóe, nhiều người bị ướt sũng. Được các chiến sĩ hướng dẫn, giúp đỡ, chúng tôi tự tin "leo giàn" cao 30m an toàn. Chúng tôi được đón chào bằng những nụ cười hồn hậu nở bừng trên từng gương mặt sạm đen vì nắng gió, những cái bắt tay siết chặt của người lính nhà giàn.

Trung tá Bùi Xuân Bổng, Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/9  ký lưu niệm cho các đại biểu đến thăm nhà giàn

DK1 là cụm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, trên thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, cách đất liền khoảng 250-350 hải lý. DK là chữ cái đầu viết tắt của cụm từ “Dịch vụ - Khoa học kỹ thuật”, được hiểu như một công trình phục vụ mục đích dân sự trên biển. Số 1 chỉ những nhà giàn ở vòng ngoài cùng, xa nhất, so với phía gần đất liền hơn là hệ thống DK2.

Nhà giàn DK1/9 gồm hai khối nhà bằng sắt, được kết nối nhau bằng một cầu treo rất vững chắc, tạo thành một cụm nhà giàn liên kết với nhau. Trong đó, nhà giàn mới được xây dựng là thế hệ thứ ba, có kết cấu liên hoàn theo mẫu giàn khoan nước sâu, rộng gấp ba và cao hơn so với nhà giàn cũ. Thế hệ nhà giàn mới có 6 chân cắm sâu xuống đáy san hô và có chân kiềng vững chãi, chịu đựng được sóng lừng từ đáy đại dương. Ở thế hệ nhà giàn cũ trước đây, mỗi khi có sóng gió cấp 9 có hiện tượng rung lắc, nay với nhà giàn mới, sóng gió cấp 10, cấp 11 vẫn không ảnh hưởng gì. Các phòng trên nhà giàn có kết cấu liên hoàn, thoáng mát. Một điều thú vị là dù sống trên “sắt thép”, không gian chật hẹp, nhưng dưới bàn tay của người lính, các loại rau xanh như muống, mồng tơi, rau cải, lá mơ, chanh, sung… đều xanh mơn mởn, đủ phục vụ nhu cầu tại chỗ. Trong chuồng còn nhốt cả chục con lợn, gà, chó.

Dưới bàn tay của những người lính, Nhà giàn DK1/9 vẫn có những vườn rau xanh tốt

Một điều đặc biệt nữa là tại Nhà giàn DK1/9, chúng tôi đã được gặp Trạm trưởng-Trung tá Bùi Xuân Bổng-người đã may mắn sống sót trong vụ sập Nhà giàn DK1/3 vào tháng 12/1990, được nhắc trong điếu văn lễ tưởng niệm. Đã 27 năm trôi qua kể từ trận bão năm ấy, nhưng trong câu chuyện, ký ức của Trung tá Bùi Xuân Bổng, trận cuồng phong vẫn mới vừa như ngày hôm qua. Theo lời kể của Trung tá Bùi Xuân Bổng, cơn bão với sức gió giật trên cấp 12 đổ bộ vào khu vực Nam Biển Đông chiều ngày 4/12/1990. Sóng lớn trùm lên, nhà giàn bị nghiêng và lắc dữ dội, song anh em vẫn kiên cường bám trụ. Nhưng rồi sức người có hạn, nhà giàn đổ, cuốn trôi toàn bộ 8 cán bộ, chiến sĩ xuống biển. Trôi nổi một ngày, một đêm trên biển, lực lượng cứu hộ cuối cùng chỉ cứu được 5 người, còn 3 đồng đội của anh đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển khơi.

Trong sự kìm nén của cảm xúc, khóe mắt của Trung tá Bổng vẫn rưng rưng vì đây mãi mãi là nỗi đau, là mất mát lớn mỗi khi nghĩ đến anh em, đồng đội. Những tấm gương hy sinh của đồng đội như tiếp thêm sức mạnh cho anh bám trụ tại các nhà giàn. Trung tá Bổng chia sẻ: "Từ khi nhập ngũ đến nay, dù nhiều lần được cấp trên điều động giữ vị trí khác, nhưng tôi đều bày tỏ nguyện vọng xin được ở lại nhà giàn. Ở đây tuy chật chội, điều kiện sinh hoạt khó khăn, song anh em luôn nêu cao tinh thần “còn người, còn nhà giàn, còn Tổ quốc”. Với tôi, nhà giàn như ngôi nhà thân thương của mình”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường Sa - Tiếng gọi thiêng liêng (kỳ cuối): Thân thương Nhà giàn DK1/9
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO