Vẻ đẹp nghệ thuật trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lê Thành Văn| 02/09/2017 10:08

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà báo, nhà văn, nhà thơ lớn của dân tộc. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã viết khá nhiều thể loại khác nhau để phục vụ cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất Tổ quốc.

ADQuảng cáo

Ngoài tài năng thơ ca đặc biệt, văn chính luận cũng là thể loại sở trường của Người. Với hàng trăm bài viết xuất sắc về nhiều vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh quốc gia, trong đó Tuyên ngôn Độc lập như một tác phẩm văn học chính luận mẫu mực, không những thể hiện được nội dung tư tưởng lớn về khát vọng độc lập, tự do của dân tộc ta mà còn kết đọng những giá trị nghệ thuật đặc sắc, làm nên một phong cách văn chương chính luận rất Chủ tịch Hồ Chí Minh.

"Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập", tranh bột màu của họa sĩ Nguyễn Dương

Tuyên ngôn Độc lập trở thành tác phẩm văn học chính luận xuất sắc, đạt được hiệu quả thẩm mĩ, đi sâu vào trí tuệ và tâm hồn người đọc suốt 72 năm qua trước hết là nhờ vào sự thành công của nghệ thuật lập luận. Với một tác phẩm văn chính luận, nếu không có khả năng kết hợp hài hòa giữa trí tuệ và cảm xúc thì khó làm cho người đọc nhiệt huyết và hoàn toàn đồng cảm, sẻ chia cùng tác giả. Chính nghệ thuật lập luận sắc sảo đã trở thành vẻ đẹp trí tuệ đầu tiên của bản Tuyên ngôn Độc lập, bảo đảm mục đích chính nghĩa mà cả dân tộc Việt Nam hướng đến, đó là khẳng định nền độc lập, tự do và quyền sống của mỗi con người.

Trước hết, để đưa ra cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập của dân tộc Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã viện dẫn Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ - một cường quốc thế giới lúc này, đồng thời Người cũng không quên đưa ra những khẳng định hùng hồn của người Pháp về quyền con người được đề cập trong Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 - đất nước trực tiếp đi đô hộ dân tộc Việt Nam. Tại sao trên thế giới có rất nhiều quốc gia nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chỉ lấy hai bản tuyên ngôn của Mỹ và Pháp? Quả vậy, trong ý đồ của Người, đây là một lập luận hoàn toàn hữu ý, có tính "đòn bẩy" nên phát huy tác dụng rất hiệu quả.

Bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ đã khẳng định: "Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc." Bổ sung cho vấn đề quyền sống của con người, Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp cũng nói: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi". Hai đoạn trích dẫn từ hai bản tuyên ngôn ấy đều là những chân lí lớn của thời đại, không ai có thể chối cãi được và theo Hồ Chủ tịch, đó là "lẽ phải" hoàn toàn được nhân loại xác quyết.

Nghệ thuật lập luận kiểu "gậy ông đập lưng ông" ấy không những rất chí lí, chiếm "thế thượng phong" để khẳng định cơ sở pháp lí hùng hồn cho bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dùng phương pháp suy luận trực tiếp để mở rộng sang quyền tự quyết của mỗi dân tộc từ quyền con người cá thể: "Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do". Như vậy, dân tộc Việt Nam cũng có đủ tư cách là một dân tộc được hưởng quyền tự do và độc lập, bình đẳng như dân tộc Mỹ, dân tộc Pháp.

ADQuảng cáo

Qua nghệ thuật lập luận giàu chất trí tuệ để làm cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục dùng lập luận và chứng minh những tội ác của thực dân Pháp, đồng thời bác bỏ những luận điệu "bảo hộ", "khai hóa" khi nước này theo chân quân đội Anh vào giải giáp quân Nhật ở Đông Dương để nhân dân Việt Nam và thế giới thấy được sự phi lí, "trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa". Không nhiều, chỉ cần đưa ra hai luận điểm hùng hồn về chính trị và kinh tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đập tan mọi âm mưu quay trở lại cướp nước ta một lần nữa của thực dân Pháp.

Tóm lại, bằng sự lập luận chặt chẽ, lôgic và giàu tính thuyết phục; thông qua các dẫn chứng cụ thể, tiêu biểu; Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp cho nhân dân trên toàn thế giới thấy được dã tâm của thực dân Pháp xâm lược Đông Dương dưới chiêu bài "bảo hộ", "khai hóa", đồng thời nhận thức được âm mưu muốn quay trở lại thôn tính nước ta một lần nữa để nhằm mục đích đô hộ lâu dài.

Với các lập luận sắc sảo để làm nổi bật cơ sở pháp lí cho bản Tuyên ngôn Độc lập; tố cáo tội ác của thực dân Pháp, phần cuối của Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi đến khẳng định quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam bằng những lí lẽ hùng hồn, dõng dạc mà cũng rất hợp lí, hợp tình.

Tuyên ngôn Độc lập, ngoài nghệ thuật lập luận chặt chẽ, lí lẽ đanh thép, phẩm chất văn chương của tác phẩm còn nằm ở nghệ thuật sử dụng từ ngữ chính xác, văn phong giàu tính hình tượng. Chẳng hạn khi tố cáo tội ác của thực dân Pháp, bên cạnh việc sử dụng các từ ngữ mang màu sắc chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dùng nhiều từ mang đậm sắc thái văn chương, láy đi láy lại nhằm tạo cảm giác ám ảnh cho người đọc: "Chúng tuyệt đối không cho dân ta một chút tự do, dân chủ nào", "Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân", "Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học"...

Đặc biệt, khi miêu tả sự đàn áp của thực dân Pháp đối với những người yêu nước và các phong trào cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có cách viết rất hàm súc, thấm đẫm sắc thái biểu cảm để thể hiện nỗi đau thương và mất mát lớn lao mà dân tộc ta phải gánh chịu: "Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta, chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu".

Tuyên ngôn Độc lập, cùng với nghệ thuật dùng từ ngữ chính xác, giàu sắc thái biểu cảm và văn phong giàu tính hình tượng, nghệ thuật sử dụng điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc mang tính liên hoàn đã tạo cho tác phẩm một giọng điệu riêng không trộn lẫn. Chính nghệ thuật sử dụng phép điệp, tội ác của thực dân Pháp đối với dân tộc ta càng thêm chồng chất, nhờ đó sức tố cáo càng sâu sắc hơn. Cũng có khi thông qua cách viết trùng lặp, sử dụng phép điệp cú pháp, người đọc cảm nhận được sức phản kháng và tinh thần quật khởi vô cùng hào hùng của dân tộc Việt Nam trước kẻ thù xâm lược để khẳng định khát vọng độc lập, tự do.

Ngoài giá trị nội dung tư tưởng mà bản Tuyên ngôn Độc lập mang đến cho người đọc, những đặc sắc về nghệ thuật đã khẳng định tính mẫu mực và tài hoa của phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thể loại văn chính luận này. Từ giá trị lịch sử và giá trị văn học đặc sắc ấy, Tuyên ngôn Độc lập trở thành một áng văn bất hủ về lòng yêu nước và khát vọng độc lập, tự do, kế thừa xuất sắc những áng thiên cổ hùng văn trong quá khứ hào hùng của dân tộc ta.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vẻ đẹp nghệ thuật trong tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO