"Vốn quý" ở các bon làng

Mỹ Hằng| 08/09/2017 09:32

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống, nên bản sắc văn hóa cũng rất đa dạng, phong phú. Qua nhiều thế hệ, những nét văn hóa đặc sắc như Ót N'drong, cồng chiêng, dân ca, dân vũ, khắp, lượn…, được lưu giữ trong trí nhớ của các nghệ nhân và tiếp tục khơi nguồn thông qua các hoạt động văn hóa, truyền nghề...

ADQuảng cáo

Nghệ nhân tiêu biểu Điểu Sơn (bên phải) ở bon Bù Đách, xã Đắk R'tíh (Tuy Đức) biết sử dụng và chế tác thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc lưu truyền cho thế hệ sau. Ảnh tư liệu

Góp sức giữ gìn bản sắc dân tộc

Nghệ nhân H’grao ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) là một trong những số ít người còn lưu giữ nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Mạ ở địa phương. Theo bà, trước đây, số người biết dệt thổ cẩm trong bon nhiều lắm, nhưng vài năm trở lại đây chỉ còn lại vài người. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng bà vẫn giữ nghề, ai đặt hàng thì dệt bán và đó cũng là cách để duy trì nghề truyền thống của dân tộc. Ngoài việc biết dệt thổ cẩm, bà còn tham gia vào các hoạt động văn hóa cộng đồng như đánh cồng chiêng, hát dân ca dân vũ, tham gia dạy dệt thổ cẩm...

Bao nhiêu năm qua, bà H’grao vẫn luôn miệt mài bên khung cửi để dệt nên những tấm vải mình yêu thích. Hiện nay, bà đang làm hồ sơ để đề nghị Nhà nước công nhận danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Bà H’grao cho biết: “Dệt thổ cẩm của người Mạ không đơn thuần là một nghề thủ công truyền thống mà còn bao hàm cả tấm lòng cũng như năng lực thể hiện qua từng đường kim, mũi chỉ. Vì vậy, việc duy trì và giữ nghề - vốn quý của dân tộc luôn là niềm trăn trở của nhiều người và tôi cũng mong muốn bản thân sẽ sống được với nghề”.

Tương tự, dù bận bịu với công việc mưu sinh, nhưng chị Thị Mai (con gái của cố nghệ nhân Điểu Kâu) ở xã Đắk N'drung (Đắk Song) vẫn miệt mài dành thời gian để biên dịch hàng vạn câu Ót N'drong của người M’nông. Ngay từ nhỏ được nghe kể sử thi rất nhiều, lớn lên, chị cùng cha đi khắp bon làng của người M’nông sinh sống để sưu tầm, ghi băng, sau đó về nghe và dịch lại. Có thể nói, sử thi là niềm đam mê mà chị đã thừa hưởng được từ chính gia đình của mình, thôi thúc chị bước tiếp trên con đường mà trước đây người cha đã đi.

Từ năm 2005 đến nay, chị Thị Mai đã nghe băng thu và dịch các tác phẩm như “Tiăng bắt những kẻ lấy trộm ché quý”, “Lấy hồn người chết”, “Sung Trang đi đầu thai”, “Châu chấu khổng lồ ăn bon Tiăng”, “Con khỉ già ăn Yang con Rung”, “Lấy cây nêu Ting Yoong Kon Gâr”, “Bán chiêng cổ bon Tiang”… Không chỉ dịch sử thi, chị còn sưu tầm và viết về ẩm thực của người M’nông và hiện tại đã hoàn thành được 100 món ăn. Ngoài ra, chị còn tham gia đội cồng chiêng, dạy ca dao, truyện cổ cho con em đồng bào trong bon. Đóng góp to lớn của chị và các nghệ nhân đã góp phần vào việc gìn giữ văn hóa truyền thống của người M’nông ở địa phương.

ADQuảng cáo

Bao nhiêu năm qua, bà H'grao ở bon Phi Mur, xã Quảng Khê (Đắk Glong) vẫn miệt mài bên khung cửi và tham gia các hoạt động văn hóa của địa phương

Ghi nhận công lao

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đội ngũ nghệ nhân có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc lưu giữ và truyền bá những nét văn hóa truyền thống. Các nghệ nhân sinh ra và lớn lên gắn bó với mảnh đất cha ông, tiếp xúc thường xuyên với các sinh hoạt cộng đồng nên họ hiểu sâu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Những năm gần đây, việc tổ chức cho các nghệ nhân giới thiệu, quảng bá, truyền dạy những di sản văn hóa đặc sắc được chính quyền các cấp quan tâm, thực hiện. Ngoài văn hóa các dân tộc bản địa như M’nông, Mạ, Ê đê, văn hóa các dân tộc phía Bắc như Tày, Nùng, Dao, Mông… cũng được quan tâm bảo tồn, phát huy thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao.

 Tại các ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc từ cấp tỉnh đến huyện đều có sự xuất hiện của đội ngũ nghệ nhân cũng như sự tham gia đông đảo của các dân tộc anh em. Thông qua các hoạt động này, nghệ nhân có điều kiện trực tiếp quảng bá những văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Các lớp dạy đánh chiêng, chế tác nhạc cụ, dạy múa, dệt thổ cẩm… được tổ chức tại các trường dân tộc nội trú, cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn..., mà người đứng lớp chính là các nghệ nhân đến từ các bon làng là môi trường cho các bạn trẻ, học sinh tiếp nhận văn hóa truyền thống.

Nhờ có sự giúp sức của các nghệ nhân mà tỉnh ta đã sưu tầm, phục dựng được hơn 40 lễ hội truyền thống dưới hình thức sinh hoạt cộng đồng như: Lễ sum họp cộng đồng, lễ mừng được mùa, lễ mừng chiến thắng, lễ cúng bến nước, lễ cúng cơm mới… Hơn 40 bài chiêng cổ và hàng chục làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa được sưu tầm và đưa vào truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Để động viên, khuyến khích các nghệ nhân tích cực hơn nữa trong việc lưu giữ văn hóa truyền thống và truyền dạy cho thế hệ trẻ, hiện nay tỉnh đang làm các thủ tục hồ sơ, trình Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 33 nghệ nhân có nhiều cống hiến trong việc truyền dạy, quảng bá văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Vốn quý" ở các bon làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO