Vui với “nghiệp” làm báo văn nghệ!

Mỹ Hằng| 21/06/2017 08:20

Công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh, đội ngũ những người làm báo văn nghệ cũng luôn nỗ lực thể hiện khả năng trong tác nghiệp, vui với “nghiệp” đã chọn.

ADQuảng cáo

Nhà báo Đặng Văn Dung, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Đắk Nông có “thâm niên” làm báo văn nghệ từ nhiều năm nay. Làm công tác quản lý, nhưng ông luôn cố gắng tìm tòi, đọc thêm nhiều sách báo để có thể tìm cho mình một lối viết khá riêng biệt. Đặc biệt, với vai trò là người quản lý nên việc đi cơ sở không được nhiều, nhưng ông luôn cố gắng tranh thủ thời gian để đi và viết. Mỗi tác phẩm là một “đứa con tinh thần” và ông luôn trau chuốt sao cho hoàn hảo nhất.

Nhà báo Văn Dung cho biết: “Thời gian công tác trước đây cũng đã giúp tôi có nhiều vốn sống, chất liệu cũng như cách nhìn đúng đắn để đưa vào tác phẩm. Viết văn cũng giúp tôi rất nhiều trong quá trình làm báo. Tôi biết cách viết trau chuốt hơn, sử dụng ngôn từ sắc sảo hơn để chuyển tải thông điệp cuộc sống một cách quyến rũ, lan tỏa hơn, chất lượng hơn”.  


Bùi Nhị Đông Khuê cũng có “thâm niên” làm báo văn nghệ hơn 10 năm. Với chị, làm báo như một “cái duyên”. Năm 2005, chị khăn gói từ huyện Krông Nô lên thị xã Gia Nghĩa và làm việc tại Hội VHNT tỉnh. Là một kế toán, lại yêu thích văn chương nên chị luôn tìm tòi các loại sách truyện để đọc.

Đặc biệt, để có những tác phẩm hay, đặc sắc mang phong cách riêng của mình, chị đã “một mình một ngựa” đi khắp các bon làng trên địa bàn để lấy tư liệu, tìm nguồn cảm xúc để viết bài. Mỗi một tác phẩm là một quá trình thai nghén từ chọn đề tài, thu thập tư liệu, cách hành văn, dẫn lối... Có những tác phẩm chị viết ngay sau khi đi cơ sở về; có một số tác phẩm “thai nghén” cả tuần, thậm chí cả tháng, cả năm.

ADQuảng cáo

Với công việc chính tại đơn vị hoàn toàn trái ngược với “nghiệp” viết, nên khi thả hồn mình vào với văn chương như thể để chị Khuê “trả nợ” ước mơ từ khi học phổ thông, đó là ước mơ làm cô giáo dạy văn.

Chị Khuê cho biết: “Làm báo cho tôi vốn sống thực tế cực kỳ phong phú mà các lĩnh vực khác khó có thể có được. Văn chương sáng tác cũng cần có hiện thực sinh động và không thể xa rời với thực tế. Muốn viết là phải đi để có được cảm xúc sâu sắc, mang hơi thở cuộc sống, viết thành những truyện ngắn, bút ký... Cuộc đời làm báo đã cho tôi những kinh nghiệm và bài học bổ ích. Làm văn, tôi đưa cả trái tim mình vào trong đó để thấy rằng cuộc sống luôn thi vị, giàu nhân văn”.

Còn nhà báo Tống Kiều Oanh, Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh lại cho rằng, mỗi năm tháng đi qua là một bài học dạy chị viết báo, làm thơ và viết bút ký, truyện ngắn. Làm một nhà báo văn nghệ thì phải đọc nhiều sách về tất cả các lĩnh vực nghệ thuật để có thể trang bị cho mình những kiến thức đầy đủ về nghề nghiệp và làm cho bài báo sâu sắc hơn. Việc tìm kiếm đề tài, phát hiện góc nhìn riêng là rất quan trọng. Văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực của sự sáng tạo, nên nhà báo văn nghệ cũng phải biết phát hiện và tìm tòi những cách viết riêng, góc nhìn độc đáo. Báo văn nghệ có một đặc thù riêng, đó là dùng ngôn ngữ văn để diễn tả và ngay cả chính cấu trúc của bài báo nó cũng khác xa với một bài báo chính trị thông tấn...

Chị Oanh tâm sự: “Những chuyến đi thực tế tác nghiệp đã giúp tôi có nhiều trăn trở, suy nghĩ về nghề, về trách nhiệm của người làm báo đối với đời sống xã hội và hơn hết, đó là sự thấu hiểu, sẻ chia giữa con người với con người. Dù làm báo văn nghệ cũng gặp không ít thăng trầm, nhưng tôi luôn cố gắng vượt qua để làm tốt cái vai trò, nhiệm vụ của một người làm báo chân chính”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vui với “nghiệp” làm báo văn nghệ!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO