Xúc động bài thơ của người lính Trường Sơn

Hoàng Thanh| 17/05/2019 09:35

Tối 13/5, tại thị xã Gia Nghĩa, Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây-Giao điểm Trường Sơn” chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959-19/5/2019).

ADQuảng cáo

Đan xen các tiết mục ca múa nhạc với những bài ca hùng tráng về Trường Sơn đã đi cùng năm tháng là các phóng sự về đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh và chương trình giao lưu với các nhân chứng lịch sử. Những ca khúc viết về người lính, về chiến tranh với hình thức thể hiện mới mẻ, cùng với những phóng sự, những cuộc trò chuyện sinh động đã phần nào tái hiện bức tranh lịch sử oai hùng về tuyến đường huyền thoại năm xưa.

Thiếu tá Nguyễn Văn Chiến (thứ hai từ phải sang) tham gia giao lưu tại Chương trình “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn” vào tối 13/5

Trong số những nhân chứng lịch sử tham gia giao lưu tại chương trình có Thiếu tá Nguyễn Văn Chiến, nguyên là Bộ đội Trường Sơn, hiện là Trưởng Ban liên lạc Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh tỉnh Đắk Nông. Tham gia giao lưu, ông Chiến không nói nhiều về mình, không nhắc nhiều về những kỷ niệm một thời hào hùng mà chỉ đọc một bài thơ do mình sáng tác, thay mọi lời muốn nói. Bài thơ ông Chiến gửi tới đồng đội, với tất cả mọi người có tựa đề "Gặp lại lính sư đoàn", trong đó có những đoạn như sau:

ADQuảng cáo

“...Đồng đội tôi nằm lại dãy Trường Sơn/Nhiều nhiều lắm, chẳng thể nào đếm xuể/Mười tám, đôi mươi trẻ trung là thế/Sống mũi cao, thoang thoảng khói hương trầm/Thằng Thắng, thằng Toàn, thằng Chín, thằng Năm/Đã mãi mãi không bao giờ trở lại/Thương mẹ già chờ con mãi mãi/Tấm lưng còng nước mắt cạn khô/Em Cúc, em Lan, em Huệ, em Mơ/Có linh thiêng thì về đây phù hộ/Tình yêu lính vùi vào trong nỗi nhớ/Bởi chúng mình chẳng nói nổi lời yêu/Nhiều năm sau lính chúng tôi gặp nhau/Vui là thế mà cười ra nước mắt/Quên cả tên chỉ hơi nhớ mặt/Già mất rồi-mày có nhớ tao không?/Nhớ thằng Công nó cụt cả hai chân/Còn thằng Toản thì bom bi vào não/Con dị tật nhiều người ta vẫn bảo/Lính chúng mình trong máu có “da cam”.

Khi ông Chiến trình bày bài thơ, tất cả mọi người có mặt tại chương trình bỗng yên lặng, nghẹn ngào. Nhiều cựu chiến binh đã không kìm được nước mắt. Bài thơ với những câu từ giản dị, dễ hiểu, song dường như đã thể hiện tất cả những gì bất cứ người lính Trường Sơn năm nào muốn nói. Dù bài thơ nhắc nhiều về mất mát, về những chuyện buồn nhưng lại không hề bi lụy, mà ở đó chỉ thấy tinh thần vượt qua mọi gian khó, bất khuất của Bộ đội Trường Sơn năm nào. Những chàng thanh niên tràn đầy tình yêu, tràn đầy sức sống nhưng gác lại nỗi nhớ quê hương, nhớ mẹ để lên đường đánh giặc và tình yêu trai gái cũng không ngoại lệ. Tất cả đều tôn trọng kỷ luật của chiến trường để chắc tay súng đánh đuổi quân xâm lược.

Trong quá trình giao lưu, ông Chiến cũng tâm sự, ông là người may mắn được trở về lành lặn, được sống trong hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc, nên cảm thấy như còn nợ với Trường Sơn, với đồng đội đã mãi nằm xuống cũng như những người đã để lại một phần máu thịt nơi chiến trường xưa. 6 câu cuối đã thay lời ông nói hết tất cả “Quên cả tên chỉ hơi nhớ mặt/ Già mất rồi – mày có nhớ tao không?/ Nhớ thằng Công nó cụt cả hai chân/ Còn thằng Toản thì bom bi vào não/Con dị tật nhiều người ta vẫn bảo/Lính chúng mình trong máu có “da cam”.

Nghe đoạn thơ này có lẽ ai nấy đều thấy lòng chùng xuống, bởi dẫu nhiều năm qua Đảng, Nhà nước, toàn xã hội đã làm tất cả để tri ân những người đã không tiếc máu xương đem lại độc lập cho đất nước, hạnh phúc cho Nhân dân, song những mất mát của họ không gì bù đắp nổi. Vì vậy, thế hệ hôm nay và mai sau-những người được sống trong hòa bình, độc lập phải càng biết ơn, tri ân thế hệ cha anh đi trước, có trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc động bài thơ của người lính Trường Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO