Xúc tiến việc đặt tên các hang động Công viên địa chất núi lửa Krông Nô

Mỹ Hằng| 17/11/2017 14:11

Đặt tên cho các hang động trong hệ thống Công viên địa chất (CVĐC) núi lửa Krông Nô của tỉnh Đắk Nông là một trong những tiêu chí để UNESCO xét duyệt và công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Vì vậy, đặt tên ra sao, mang ý nghĩa, giá trị về nhiều mặt như thế nào, tạo được dấu ấn, dễ hiểu, dễ gọi... là vấn đề đang được khẩn trương tiến hành.

ADQuảng cáo

Cán bộ Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô đi điền dã, tìm hiểu tên các hang động tại xã Nâm Nung (Krông Nô)

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Ban chuyên trách Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô, việc đặt tên cho các hang động có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với việc thực hiện các tiêu chí mà UNESCO đã đề ra. Việc đặt tên các hang động cũng giống như việc đặt tên cho đứa con vừa mới sinh ra vậy. Một cái tên hay không chỉ có ý nghĩa to lớn đối với những đứa con, mà cũng rất quan trọng đối với bố mẹ, gia đình và cả xã hội. Tên các hang động cũng thế, qua cái tên cũng nói lên được quy mô, độ lớn, cấu trúc đa dạng, mức độ kỳ vĩ, vẻ đẹp, vóc dáng của chúng.

Những năm vừa qua, tỉnh đã mời ông La Thế Phúc, nguyên Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam làm chủ nhiệm Đề tài  “Nghiên cứu, điều tra đánh giá di sản địa chất, xây dựng CVĐC khu vực Krông Nô”. Ông La Thế Phúc cho rằng, việc đặt tên cho các hang động sẽ được tiến hành bằng cách mời các già làng là người đồng bào dân tộc thiểu số đến và đề cử ra khoảng 10 cái tên rồi chọn, cái nào hay thì đặt. Tuy nhiên, việc làm này không khả thi và cũng không tạo được sự đồng thuận cao, nên UBND tỉnh đã quyết định giao một số hạng mục về xây dựng các tiêu chí cho Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô đảm nhận.

Mỗi con sông, con suối trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nói riêng và trên cả nước nói chung đều có nguồn gốc và nó có những câu chuyện gắn liền với giải thích cho sự hình thành đó. Vì vậy, ngay khi nhận được hạng mục công việc và trong điều kiện nguồn kinh phí ít ỏi, nhưng Ban Quản lý đã cử cán bộ chuyên môn văn hóa đi điền dã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Theo ý kiến chung của các già làng, việc đặt tên các hang động phải gắn liền với những gì vốn có của tự nhiên và dựa trên những luận cứ văn hóa lâu đời của người dân bản địa. Riêng đối với các hang động không có tên thì sẽ căn cứ vào hình dáng của hang hoặc các con vật trú ngụ ở đó để đặt như là hang Dơi, hang Rắn, hang Cọp… Qua đó, Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô đã ghi ra hàng loạt tên hang động, núi lửa.

Qua các chuyến đi, cán bộ điền dã đã tìm gặp hơn 20 già làng là người dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê… đang sinh sống tại các huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil, Đắk Glong… Họ là những người biết hát, kể Ót N’drong (sử thi), am hiểu văn hóa dân tộc, có thể kể về sự tích, nguồn gốc của từng ngọn núi, con sông, con suối, hang động…

Điển hình như già làng Y Thi ở bon Ja Ráh, xã Nâm Nung (Krông Nô) là người biết được rất nhiều câu chuyện sử thi của người M’nông và đã đọc những câu vần rất dài, kể ra các tên đồi, hồ, ao, sông, suối… Những truyền thuyết về núi Nâm Nung, Nâm Kar (núi lửa đèo 52), Chư Pui (núi bãi đá), Nâm Đơm (Nam Dong), Chư R’luh… đều được già Y Thi kể lại một cách chi tiết. Hay như ông Y Kai ở bon Jun Júh, xã Đức Minh (Đắk Mil) cũng kể về truyền thuyết núi Nâm kle R’luh (núi lửa Thuận An), hồ Ea Snô, hang động Chư R'luh…

Trên cơ sở những cứ liệu nghiên cứu, sắp tới đây, UBND tỉnh sẽ tổ chức Hội thảo khoa học về xây dựng CVĐC núi lửa tại tỉnh Đắk Nông. Trong đó, có nội dung thống nhất đặt tên gọi các hang động, núi lửa tiêu biểu trong khu vực CVĐC núi lửa Krông Nô để phù hợp với quy mô. Qua đó, tỉnh sẽ có hồ sơ trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, phê duyệt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xúc tiến việc đặt tên các hang động Công viên địa chất núi lửa Krông Nô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO