"Cây số không" Đường Hồ Chí Minh trên biển

22/10/2021 07:08

Tạp văn của Hoài Anh

ADQuảng cáo

Những năm học đại học, lớp tôi từng tổ chức thăm quan Đồ Sơn, Hải Phòng, nơi có dấu tích của cầu cảng mang mật danh K15, “cây số không” của Đường Hồ Chí Minh trên biển. Bến K15 nằm dưới chân núi Vạn Hoa, được bao bọc bởi ba phía là núi và khu rừng thông dày đặc xanh mướt. Thời điểm chúng tôi đến đây thủy triều rút xuống, những cọc bê tông lộ rõ. Nghe kể, một thời gian rất dài, ngay cả người Đồ Sơn cũng không biết nơi đây có một cầu cảng, điểm xuất phát của những con tàu không số mở đường trên biển đưa vũ khí vào chiến trường miền Nam.

Đến Đồ Sơn vào những ngày tháng mười, khi tiết trời giao mùa mang theo những cơn gió se lạnh. Trời cao, trong xanh, phảng phất những làn gió, khí hậu dễ chịu. Cuộc sống yên bình hiện rõ khi hàng chục thuyền đánh cá của ngư dân hàng nối hàng nằm nghỉ ngơi sau đêm dài mưu sinh. Vì là sinh viên trường báo chí nên chúng tôi rất muốn tìm hiểu được nhiều tư liệu. Được sự giúp đỡ của những người bạn, chúng tôi liên hệ được Ban liên lạc Đoàn tàu Không số tại bến K15. Những tư liệu của các nhân chứng sống đã giúp chúng tôi hiểu hơn về hoàn cảnh ra đời con đường vận tải trên biển. Theo các nhân chứng, Đường Hồ Chí Minh trên biển ra đời vào thời điểm khó khăn, gian khổ, ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong khi địch được trang bị các loại vũ khí, phương tiện hiện đại, tối tân, chúng ta chỉ có những loại tàu thuyền nhỏ bé, thô sơ. Không hải đồ, không có thiết bị định vị hiện đại, những con tàu không số giả dạng tàu đánh cá ra giữa biển khơi mênh mông và bão tố mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Khi địch phát hiện, áp sát tấn công hoặc cướp tàu, ta đánh trả, có lúc phải phá hủy tàu và hàng để giữ bí mật nhiệm vụ và con đường.

ADQuảng cáo

Ảnh tư liệu

Ban đầu, những chiếc tàu gỗ mang tên Phương Đông đưa vũ khí vào Cà Mau thành công, khẳng định ta có thể mở con đường vận chuyển lâu dài trên biển. Việc đưa được vũ khí vào vùng đất tận cùng của Tổ quốc có ý nghĩa đặc biệt, nó có sức cổ vũ mãnh liệt về niềm tin cho đồng bào, chiến sĩ đang chiến đấu, củng cố quyết tâm của Nhân dân miền Nam trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, vào hậu phương lớn miền Bắc. Nhưng tàu gỗ tải trọng thấp, chịu sóng kém, không an toàn lại thường chọn đi lúc gió bão để tránh địch. Chủ trương của cấp trên là cần nhanh chóng có loại tàu sắt từ 50 đến 100 tấn. Muốn tàu lớn hoạt động, cần có cầu cảng để vào lấy hàng. Bởi vậy, cấp trên quyết định, bên cạnh việc tiến hành đóng tàu, cần gấp rút xây dựng cầu cảng mang mật danh K15 tại Đồ Sơn. K15 hiện đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia với một bia tưởng niệm trang trọng. Vị trí này đã có hàng trăm con tàu không số lặng lẽ ra khơi, vượt qua muôn trùng sóng gió và sự phong tỏa của kẻ thù để chở hàng chục ngàn tấn vũ khí cùng nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, quân đội chi viện cho cách mạng và chiến trường miền Nam.

Những ngày tháng mười, trong điều kiện dịch bệnh, Trung ương Đoàn đã thực hiện một hải trình trực tuyến mang tên “Theo dấu tích Đường Hồ Chí Minh trên biển”, mô phỏng hành trình thực tế của các Đoàn tàu Không số trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển. Tham gia vào hải trình trực tuyến, thế hệ trẻ được tri ân những người đã hy sinh vì đất nước, được sống lại những khoảnh khắc hào hùng của lịch sử và quan trọng hơn cả là hun đúc bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ hướng về biển đảo, chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trong tình hình mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cây số không" Đường Hồ Chí Minh trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO