Con đường đoàn kết

14/10/2022 08:55

Truyện ngắn của Việt Thu

ADQuảng cáo

Tiếng cựa mình khe khẽ của ông Chiến khiến bà Châu tỉnh giấc. Đã quá nửa đêm rồi mà ông vẫn chưa ngủ được. Chẳng hiểu dạo này có chuyện gì mà mấy đêm rồi, ông thức trắng. Cứ như thế này không khéo lăn ra ốm thì khổ. Bà khẽ hỏi chồng:

- Sao mà ông cứ trằn trọc mãi thế? Có chuyện gì khó nghĩ hả ông?

Ông Chiến áy náy:

- Ấy chết, tôi làm bà tỉnh giấc à? Tôi đang nghĩ về chuyện con đường ở cái hẻm nhà mình ấy mà.

Bà Châu khẽ thở dài:

- Mấy nay trời mưa, nhìn mấy đứa trẻ con đi học tôi cũng thấy xót hết cả ruột ông ạ. Nhưng mà ông lo thì giải quyết được gì không hay cứ lo nghĩ quá lại ốm ra thì khổ.

Trách chồng vậy nhưng bà cũng hiểu tính chồng. Mới làm tổ trưởng tổ dân phố được gần một năm nay nhưng chuyện to chuyện nhỏ của khu phố ông đều đứng ra gánh vác và giải quyết. Hôm thì vợ chồng nhà nọ cãi nhau, lúc thì nhà này hát karaoke gây tiếng ồn khiến các cháu học sinh không tập trung học bài được. Lắm hôm, vừa bưng bát cơm lên thì hai nhà hàng xóm đầu hẻm tranh cãi vì chuyện túi rác để ở trước cửa. Lại có đêm, vừa tắt điện đi ngủ, ông lại phải lồm cồm bò dậy vì mấy thanh niên chẳng biết ở đâu đến tập trung nhậu nhẹt gây mất trật tự. Rồi thì đám cưới, đám ma, lễ hội đình đám, chẳng việc gì thấy thiếu ông. Cứ ngỡ ông về hưu thì sẽ thanh nhàn, ai ngờ bà thấy ông lại còn bận rộn hơn.

Hôm ông được bầu làm tổ trưởng tổ dân phố, bà đã cản. Ông vốn là sĩ quan quân đội, cả một đời cống hiến, công tác xa nhà. Một năm ông về nhà được ít ngày phép rồi lại đi biền biệt. Giờ về hưu, bà muốn ông nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu. Bà cũng muốn chăm sóc ông, bù đắp lại quãng thời gian đằng đẵng hai vợ chồng công tác mỗi người một nơi. Bà bảo:

- Sao ông lại nhận công việc “vác tù và hàng tổng” ấy? Làm tốt thì chẳng sao, lỡ sai cái gì cả khu phố người ta xúm lại nói ra nói vào nhức đầu lắm ông ạ.

Nào nói xa, chỉ mấy tháng trước, nhà ông Hoàn và bà Thiện cãi nhau vì mấy bịch rác. Ông Hoàn đổ cho bà Thiện lợi dụng lúc sáng sớm đi tập thể dục để rác trước cửa nhà mình. Bà Thiện nói ông Hoàn đổ oan. Cãi qua cãi lại thành ra om sòm. Ông Chiến nhờ hàng xóm cạnh hai nhà trích camera thấy rõ ràng bà Thiện lén bỏ rác trước cửa nhà ông Hoàn, clip còn quay lại rõ ràng nhưng đi đâu bà Thiện cũng bảo ông và ông Hoàn có họ hàng xa nên bênh nhau.

Rồi có lần, ông can đám thanh niên gây lộn đánh nhau, bị một đứa đập vào chân phải đi tập tễnh cả mấy tuần mới hết, cũng may mà chưa gãy xương. Những lúc ấy, bà ca cẩm kêu ông xin nghỉ, ông chỉ cười hiền:

- Ai cũng chê việc “vác tù và hàng tổng” thì lấy ai làm hả bà. Với lại mình còn khỏe, còn làm được gì có ích cho dân thì cứ làm bà ạ. Tôi về hưu chứ đầu óc tôi vẫn còn tốt.

Biết chẳng cản được, bà đành ủng hộ. Nhiều khi nói giận, nói lẫy khi thấy ông vất vả, đi sớm về khuya, đội mưa đội nắng nhưng bà vẫn âm thầm chăm sóc ông bằng các loại thuốc bổ, thức ăn, đồ uống tốt cho sức khỏe. Thi thoảng, bà còn giúp ông “hiến kế” những vấn đề mà ông chưa tìm được cách giải quyết. Ông hay trêu bà là “quân sư quạt mo” đắc lực của ông.

Thấy trời đã gần sáng, bà giục:

- Sắp sáng rồi đầy, ông cố chợp mắt một tí đi cho đỡ mệt.

Ông ngập ngừng:

ADQuảng cáo

- Bà này, tôi có ý này được không? Tôi định kêu gọi bà con hẻm mình đứng ra đóng góp và hiến đất mở rộng đường. Chứ cứ thế này tôi thấy không ổn. Từ hôm đầu mùa mưa đến giờ, các cháu đi học ngã xe lấm lem hết cả người, rồi cái chỗ đầu hẻm cũng dốc quá, đi lại nguy hiểm.

Minh họa: Ngọc Tâm

Con hẻm nhà ông bà ở gần bệnh viện, gần trường học nên dân cư khá đông đúc. Cả hẻm cũng đã có tới gần hai trăm hộ dân làm nhà an cư lạc nghiệp. Thôi thì đủ các thành phần, từ công chức, viên chức, người nông dân chân chất đến các tiểu thương nhỏ. Một số nhà, đất rộng còn xây vài phòng trọ cho thuê. Chỉ có cái bất tiện là con đường bê tông Nhà nước xây dựng cách đây chục năm, hiện nay không thể đáp ứng được nhu cầu đi lại nữa. Đường hẻm nhỏ, hẹp, gồ ghề chạy vòng vèo, ô tô đi vào là xe máy không vượt lên được. Mùa khô còn đỡ, mùa mưa nước ngập ở đoạn trũng không thoát đi được. Đã thế, ngay đoạn đầu hẻm, chỗ nối với đường lộ lại dốc, mỗi lần xe máy chạy lên khá nguy hiểm. Mở rộng đường thì tiện lợi cho mọi người đi lại, các cháu học sinh đi học, các bà, các cô đi chợ nhưng nói đến hiến đất thì liệu những người dân trong hẻm có chịu hay không.

- Làm được đường thì tốt quá nhưng quan trọng là vận động mọi người như thế nào ông ạ. Bây giờ tấc đất tấc vàng... Rồi hiến đất xong còn kinh phí đóng góp vào để làm đường. Tiền nong mà không khéo lại mang tiếng là mình có lợi lộc gì trong đấy… Cả một đời cống hiến của ông, đừng để cuối cùng về hưu rồi lại trôi xuống sông xuống biển.

Vầng trán của ông cau lại trong nỗi lo lắng, suy tính. Bà đã tỉnh ngủ hẳn, im lặng ngồi bên cạnh như muốn chia sẻ cùng ông. Trời gần về sáng yên tĩnh quá, chỉ nghe tiếng thạch sùng trên mái nhà tắc lưỡi. Một lúc, ông mới khẽ bảo bà:

- Về tiền đóng góp thì họp mọi người lại tính toán, thống nhất, rồi lập một tổ cùng đứng ra giám sát, thông báo thu chi rõ ràng. Mình làm ngay thẳng, công khai và tiết kiệm hết mức cho bà con thì mọi người sẽ hiểu. Tôi cũng sẽ đề xuất bà con miễn cho mấy hộ khó khăn trong hẻm mình. Đất để tôn đoạn đầu hẻm lên cho bớt dốc mấy hôm trước tôi đã xin được một doanh nghiệp tài trợ rồi, họ cho cả công chở luôn. Còn hiến đất thì… mình đề ra mình là người đi đầu cho mọi người theo. Bà thấy thế nào?

Bà ngập ngừng:

- Hiến vào mấy mét như vậy thì vườn cây thuốc nam của ông tính sao? Ông chăm chút mãi mới được, giờ phá đi ông không tiếc sao?

Ông cười:

- Cái này tôi tính hết rồi. Làm sao mà bỏ được. Bà không thấy vườn cây thuốc nam của tôi được cả xóm quý à. Mấy đứa trẻ con hay hắt hơi, sổ mũi, viêm họng toàn dùng lá thuốc nam của tôi hấp uống mà khỏi đấy. Thằng Toàn nó bàn với tôi chuyển chỗ thuốc nam ở phần đất hiến làm đường lên sân thượng, nó sẽ thiết kế một khu vườn nhỏ nhỏ trên đấy cho tôi bà ạ.

Bà hơi đắn đo. Nói thật bà thấy hơi tiếc. Cả một đời làm lụng, chắt chiu mới mua được mảnh đất để dưỡng già, sau này để lại cho con cháu. Nhưng nghĩ đến cảnh mấy cháu nhỏ đi học bị ngã vì đường lầy lội, ngập nước, bà gạt cái suy nghĩ tiếc của ra khỏi đầu. Bà phải đứng bên cạnh ông, bà sẽ giúp ông vận động bà con trong hẻm. Đúng rồi, bắt đầu từ mấy bà bạn già hay đi bộ buổi sáng cùng nhau…

***

Con đường nhờ sự góp sức của cả khu phố đã làm xong, nhìn ông như trẻ ra thêm mấy tuổi. Hồi đầu khi ông đưa ra ý kiến, cũng có ý kiến bàn ngược tính xuôi. Nhưng thấy ông vận động được doanh nghiệp hỗ trợ đất, ông xung phong hiến đất làm đường đầu tiên, rồi đoàn thanh niên phường vận động đoàn viên thanh niên góp ngày công, mọi người đều thống nhất. Hẻm rộng, thoáng mát có đèn đường thắp sáng, buổi chiều mấy đứa nhỏ đi học về tha hồ chạy nhảy, nô đùa. Tối tối, mấy ông bạn già kê ghế ngồi uống trà, chơi cờ. Mấy chị phụ nữ còn xin được giống hoa mười giờ trồng hai bên đường, trông con hẻm rực rỡ hẳn lên. Hôm khánh thành đường, cả hẻm thống nhất gọi tên hẻm là hẻm Đoàn Kết. Có đường mới, các hộ gia đình cũng có ý thức thu gom rác đúng nơi quy định, đỡ hẳn những vụ cãi vã nhau. Có hôm, gặp bà Thiện, ông trêu:

- Ông Hoàn, bà Thiện dạo này ít cãi nhau hẳn đấy nhỉ. Tôi lại thấy thiếu thiếu cái gì…

Bà Thiện cười giòn:

- Cái nhà ông này, đúng là chỉ được cái nhớ dai không ai bằng.

Tiếng cười giòn tan vang lên trong con hẻm, bay cả vào trong gian bếp ấm cúng bà đang chuẩn bị bữa cơm chiều.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con đường đoàn kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO