Giá trị của lời khen

29/07/2022 09:23

Tản văn của Xanh Nguyên

ADQuảng cáo

Nghỉ hè, con gái tôi vừa dành thời gian để vui chơi, vừa đỡ đần ba mẹ việc nhà, từ việc phơi đồ, gấp đồ đến quét nhà, nhặt rau, nấu cơm, rửa bát, con đều đảm đang, tháo vát. Hàng xóm láng giềng ngang qua, ai nấy đều tấm tắc: “Con bé mới 9 tuổi mà giỏi thế!”. Rồi con yêu thương, ôm lấy mẹ, thủ thỉ: “Nhận được lời khen giống như có được món quà quý ấy mẹ ạ”.

Nhớ trong năm học vừa rồi, con gái lớn của tôi đem bài kiểm tra Văn điểm 9 về khoe: “Nhờ sự động viên, khích lệ của mẹ mà điểm Văn của con lần này đã cao hơn nhiều”. Tối qua, anh bạn đồng nghiệp nhắn tin cảm ơn chồng tôi: “Nhờ có lời khen của cậu mà tớ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan giao cho đúng thời gian quy định!”… Mọi lời khen chân thành đều mang đến những ý nghĩa tốt đẹp như thế.

Ảnh tư liệu

ADQuảng cáo

Lời khen dù thể hiện ra bằng lời nói hay cử chỉ, điệu bộ, nếu được sử dụng kịp thời sẽ trở thành sức mạnh giúp những ai đang đau khổ, thất bại; đang chênh vênh, lạc lối; đang buông xuôi, tuyệt vọng,… có thể vượt qua khó khăn, nghịch cảnh để chạm tới ước mơ, mục tiêu của đời mình. Lời khen tốt không chỉ tốt cho người trao đi, cho người được nhận mà còn góp phần làm lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp đến với tất cả mọi người.

Bất cứ điều gì trong cuộc sống cũng đều có hai mặt: tốt - xấu, đúng - sai, hay - dở. Lời khen cũng không ngoại lệ. Nếu lời khen tốt giống như liều thuốc bổ thì phía sau những lời khen xấu, khen giả tạo (tâng bốc, lấy lòng, nịnh bợ,…) là những tiêu cực khôn lường. Hệ quả của lời khen xấu có thể gây ra sự mất mát, đau đớn, xót xa,…; sự ảo tưởng, chủ quan, tự mãn; và tất yếu sẽ dẫn đến vấp ngã, thất bại. Lời khen xấu khiến con người đi ngược lại với những giá trị tốt đẹp vốn có, làm cho mối quan hệ giữa con người với con người trở nên rạn nứt, đứt gãy.

Ranh giới dễ nhận ra ở lời khen tốt so với lời khen xấu nằm ở sự chân thành, đúng hoàn cảnh; ở niềm vui của người khen và người được nhận. Người xưa nói: “Người chê ta mà chê phải là thầy ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, người nịnh ta là kẻ hại ta”. Lời khen chẳng mất tiền mua, nhưng cũng không vì thế mà chúng ta lạm dụng nó quá đà. Để lời khen thực sự có giá trị, mỗi người cần phải suy ngẫm kỹ càng trước khi khen; cần phải khen đúng mức, đúng thời điểm,...

Hãy thử bắt đầu câu chuyện nào đó bằng một lời khen, đây thực sự là bí quyết cho một cuộc giao tiếp hiệu quả. Đừng tiết kiệm lời khen chân thành dành cho một ai đó thực sự xứng đáng. Vì “Một lời khen tặng đúng lúc như sự tiếp sức, cổ vũ, định hướng cho bản thân đối với việc đang làm, con đường đang đi và tương lai đang hướng tới”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá trị của lời khen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO