Ngày trở về

22/07/2022 08:37

Truyện ngắn của Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Xốc lại chiếc ba lô, tôi chạy như bay đến lối dẫn vào làng. Làng tôi đây rồi! Cái làng bao ngày đêm tôi mong nhớ, ước ao được trở về đây rồi. Sau cổng làng là con đường đất men theo mương dẫn nước chạy theo những bờ ruộng, qua những hàng rào dâm bụt, ngõ nhỏ quen thuộc dẫn vào từng nhà. Tôi lần theo ngách cổng phía Đông, đứng dưới gốc đa, vòng tay ôm. Tôi áp mặt vào gốc cây, cảm nhận những cục u gồ ghề, lớp vỏ sần sùi được bồi đắp bằng biết bao ngày tháng, bao thăng trầm biến đổi, bao phận đời chìm nổi. Áp mặt vào gốc đa, nghe tiếng gió lòa xòa trên tán lá, tôi cảm giác như có một luồng hơi ấm bao phủ lấy mình. Hơi ấm như vòng tay của mẹ. Nghĩ đến mẹ, tôi chợt nảy lên những lo lắng. Tôi chẳng dám nghĩ đến những điều xui rủi. Mẹ vẫn chờ tôi về, cả Ngần nữa. Ngày tôi đi, Ngần theo tôi ra đến cổng làng. Tôi lên xe, Ngần vẫn cứ đứng ở dưới gốc đa nhìn theo mãi. Bây giờ, Ngần có còn đợi tôi không?

Cái suy nghĩ có thể Ngần đã đi lấy chồng khiến sự háo hức, mong nhanh chóng về đến nhà của tôi bỗng như xẹp xuống. Cũng có thể lắm chứ. Mấy chục năm rồi, ai mà đợi được mãi. Tôi cũng chẳng thể nào bắt Ngần cứ vò võ đợi mình. Con gái có thì. Dẫu Ngần không còn đợi nữa, tôi cũng vui vẻ mà chúc Ngần hạnh phúc. Nhà tôi kia rồi. Căn nhà nằm nhìn ra phía đầm nước rộng lớn, lúc nào cũng thoang thoảng hương sen. Tôi bước lên hè. Hình như nhà đang có khách, đêm muộn mà còn ai ghé chơi. Tôi nghe tiếng mẹ trò chuyện. Giọng mẹ chậm rãi, nghẹn ngào. Tôi mừng thầm, vậy là mẹ vẫn còn mạnh khỏe. Tiếp lời mẹ là giọng một người phụ nữ, không phải giọng của Ngần. Cũng không phải giọng của người vùng này. Tò mò, tôi ghé mắt nhìn qua song cửa sổ. Người khách quay lưng về phía tôi, tôi chẳng nhìn rõ mặt. Ngồi bên cạnh mẹ là một cậu thanh niên trẻ. Đôi mắt cậu ta quen quá, hình như tôi đã gặp ở đâu rồi. Có lẽ nào là con cháu của người cô ruột của bố tôi lấy chồng ở xa về thăm. Chẳng biết người phụ nữ trong nhà nói gì mà cả mẹ tôi lẫn khách đều sụt sịt. Chẳng thấy Ngần đâu. Ngần đi vắng, hay Ngần đã đi lấy chồng! Tôi đưa tay lên ngực mình, nhủ thầm, như vậy cũng tốt, Ngần cũng phải tìm một chỗ dựa, cũng phải sinh con, đẻ cái, cứ chờ tôi mãi làm sao được.

Tôi nhìn xuống bếp có ánh lửa bập bùng trong góc bếp hắt ra một khoảng sân con con. Tôi bước lại. Ngần đang ngồi đun nước. Mắt Ngần loang loáng nước. Ngần đang nghĩ gì mà ấm nước sôi cũng chẳng để ý.

Mỗi khi có chuyện gì buồn hay nghĩ ngợi, Ngần hay chui vào bếp, lấy cớ đun nước, nấu cám để khóc thầm. Mấy đêm liền trước ngày tôi đi, Ngần ngồi trong bếp, đun hết ấm nước này đến ấm nước khác, nấu hết mấy nồi nước chè to. Đến khi đi ra, má Ngần đỏ bừng vì lửa, mắt Ngần ươn ướt. Ngần bảo tại khói bếp cay quá. Buổi sáng, tôi lên đường, Ngần dậy sớm đun nước pha chè, nấu xôi gói lá chuối cho tôi mang theo. Tôi ngồi bên cạnh Ngần, vụng về lau nước mắt cho Ngần, vụng về đặt lên môi Ngần một nụ hôn, đỡ lưng Ngần xuống ôm rơm để gọn ở góc bếp. Ấm nước hôm ấy sôi trào tắt ngúm cả tro, nồi xôi bị nhão. Ngần ngượng nghịu cúi đầu, vê vê tà áo sợ bị mẹ chồng mắng. Nhưng mẹ không mắng, bà chỉ đưa tay lau nước mắt, cố gượng nụ cười. Cưới nhau chưa được mười ngày đã xa nhau. Tôi cứ mong cái ổ rơm ấm ở góc bếp sáng sớm tôi lên đường sẽ kết tinh tình yêu của hai đứa nhưng không được. Mấy tháng sau, trước khi từ nơi huấn luyện tân binh lên đường, tôi nhận được thư Ngần, em cứ tiếc mãi. Nhưng em bảo mình còn trẻ, chờ ngày tôi trở về cũng chẳng muộn. Vậy mà biền biệt mấy chục năm tôi mới tìm được đường về, lại thấy em ngồi trong bếp, mái đầu gục xuống gối, đôi vai gầy run lên bần bật. Ngần khóc ư. Ai đã làm em khóc. Cả mẹ tôi nữa. Có tiếng mẹ tôi nấc lên trên nhà, một cơn đau đầu dữ dội bùng lên. Tôi đưa tay ôm đầu mình. Những hình ảnh lúc trắng xóa, lúc mờ ảo chạy trong trí óc. Tôi nghe thấy tiếng hát của một người con gái…

Minh họa: Ngọc Tâm

…Tiểu đội tôi được lệnh di chuyển sang vị trí mới, tôi đi tốp đầu tiên gồm bốn người. Vừa đến vị trí tập kết, chưa kịp chui xuống hầm thì bất ngờ pháo địch bắn. Tôi bị thương vào đầu, trước khi ngất đi chỉ thấy ba đồng đội đi cùng nằm bất động, máu đọng thành vũng. Thủy, cậu em trẻ nhất tiểu đội bị pháo phạt đứt ngang đùi, bị thương ở phổi, máu phì ra theo nhịp thở. Mãi sau tôi mới biết, Thủy hy sinh. Tỉnh dậy, tôi đã thấy mình ở trạm quân y. Nhưng tôi chẳng nhớ gì nữa, vết thương khiến đầu tôi đau dữ dội. Ký ức chỉ còn là những khoảng trắng mơ hồ, lúc ẩn lúc hiện, xen lẫn giữa những cơn đau. Tôi gọi tên Ngần. Chỉ có tiếng của Ngần cùng tiếng hát của em mới giúp tôi bình tĩnh lại, cơn đau dịu đi. Ngần hát hay lắm, giọng trong vắt. Mắt Ngần lúng liếng, má ửng hồng khi nghe tôi khen. Ngần cười bẽn lẽn giấu mặt vào vai tôi. Tóc Ngần thoảng hương chanh thanh dịu. Tôi vịn vào bóng Ngần để vượt qua cơn đau hành hạ. Những lúc đỡ đau, tôi kể cho cô y tá chăm sóc tôi nghe về Ngần, về làng tôi. Cô y tá chăm sóc tôi kiên nhẫn lắng nghe, thi thoảng mỉm cười góp vui vài câu chuyện. Tôi không nhớ rõ lắm, chỉ nhớ đó là một cô gái dịu dàng, giọng nói nhẹ nhàng, từ tốn. Những lúc tôi lên cơn đau gào thét, đưa tay đấm vào đầu, cô ôm lấy tôi, khe khẽ hát. Giọng hát của cô êm dịu. Cô hát giống Ngần, cô còn biết hát ru. Tiếng ơi à khe khẽ của cô y tá đưa tôi về giấc ngủ bên cánh võng ấu thơ, bên ngọn gió hè thổi về từ phía đầm sen thơm ngát, bên gốc đa làng tỏa bóng mát, bên khuôn mặt dịu lành của một người con gái chịu thương chịu khó. Đêm mưa rừng rả rích. Tôi mơ thấy mình được ôm Ngần, hôn lên mái tóc của em và gọi tên em. Giấc mơ thật đến mức tôi ngỡ từ gốc đa làng Ngần đã vượt núi, băng rừng vào thăm tôi.

Rồi chẳng biết tại sao tôi không còn gặp cô y tá ấy nữa. Chăm sóc tôi là một người khác. Khi tôi hỏi, người ta chỉ trả lời rằng cô đã được điều chuyển đi nơi khác. Lâu dần, tôi cũng chẳng nhớ nổi mặt cô nữa. Chỉ có điệu hát ru cô hát thi thoảng khẽ ngân lên trong đầu tôi. Mấy chục năm rồi, giai điệu ấy vẫn như thể tôi mới vừa nghe đây thôi, trong cơn đau vật vã giữa trạm quân y nằm ở rừng. Tôi ngồi thụp xuống cạnh cửa bếp. Tiếng hát ru vẫn ngân lên trong đầu tôi. Đau quá, đau đến mức đầu tôi như muốn nổ tung ra.

Có tiếng bước chân, tôi vội nép vào góc tối. Là mẹ tôi, bà với tay lấy chiếc gậy dựng ở góc hè, lần từng bước xuống bếp. Qua ánh lửa nhảy nhót trên vách, tôi thấy Ngần gục vào vai mẹ, òa khóc. Tấm lưng còng của người mẹ già tạo thành một vết lõm chứa đầy nước mắt. Mẹ vuốt tóc Ngần, giọng bà nghẹn ngào:

- Thôi, con thương u, thương cháu và cả chị ấy nữa thì con lên nhà đi. Cũng bởi chiến tranh thôi con ạ. Con lên cho cháu đỡ tủi.

Ấm nước đã sôi trào, dập bếp rơm tắt ngúm. Ngần tựa vào mẹ, mẹ tựa vào Ngần bước lên nhà. Ánh trăng soi rõ hai cái bóng in xuống nền sân gạch. Tôi nghe thấy tiếng cậu thanh niên hồi nãy ngồi cạnh mẹ tôi gọi mẹ tôi là bà nội, gọi Ngần là mẹ. Tôi lại thấy Ngần khóc. Nhưng rồi Ngần lại cố nín, tiếng khóc nghẹn lại nơi ngực. Người phụ nữ cầm tay Ngần, nói qua tiếng nấc.

ADQuảng cáo

Đêm ấy mưa lạnh, vết thương trên đầu khiến anh ấy không ngủ được, lầm tưởng em là chị. Anh ấy chỉ gọi tên chị. Em thương anh, chẳng biết phải làm thế nào. Rồi em nghĩ, chiến tranh chẳng biết được ngày mai, lỡ hy sinh thì… Em có lỗi với chị, nhưng con trai em không có lỗi chị ơi. Chị thương em để cháu được nhận bà, nhận bố, nhận chị làm mẹ, nhận họ hàng tổ tiên dòng tộc. Anh ấy cũng không biết sự có mặt của thằng bé. Mấy chục năm em nuôi cháu một mình, chịu mọi điều tiếng và đi tìm về quê anh chị. Nhưng càng tìm càng như mò kim đáy bể. May vừa rồi trời đất run rủi, ông bà phù hộ, em gặp lại một người thương binh cùng tiểu đội, cùng điều trị với anh đợt ấy mới biết được mà tìm về.

Như có một tia chớp nhá lên trong đầu tôi. Đêm mưa. Giấc mơ về Ngần. Cô y tá chuyển công tác. Gương mặt cậu thanh niên nhìn quen kia chẳng phải vì có đôi mắt, cặp lông mày giống hệt tôi sao. Trạm quân y bị trúng bom, chẳng còn một ai sống sót. Tôi nằm giữa rừng, bên cạnh mọc lên một thân cây vươn cao, cắm rễ sâu. Một chiếc rễ cây xuyên qua đầu tôi suốt mấy chục năm khiến tôi chẳng còn nhớ gì. Mấy ngày trước, những người đồng đội cùng đơn vị tìm thấy tôi. Người thủ trưởng cũ của tôi bị thương mất một cánh tay, thắp nhang khấn mà giọng méo xệch:

- Nghĩa ơi, mấy chục năm chúng mình đi tìm cậu khắp các cánh rừng, đến hôm nay mới thấy. Nghĩa ơi, chúng mình đưa cậu về với mẹ, với Ngần, Nghĩa nhé!

Khi đồng đội gỡ cái rễ cây đâm xuyên qua đầu tôi, tôi mới nhớ đường mà trở về. Mải mê với hành trình suốt mấy chục năm trời mới nhớ ra, tôi lại quên mất lời khấn của người thủ trưởng. Sắp sáng rồi, đồng đội cũng sắp đưa thân xác tôi về đến nhà.

Ngần đã nín khóc dù những tiếng nấc vẫn còn nghẹn ngào. Ngần xé khăn tang, đưa cho con trai tôi và mẹ của cháu. Cô y tá ở trạm quân y năm nào cầm chặt chiếc khăn tang.

- Chắc anh ấy phù hộ cho hai mẹ con tìm về nhà đúng vào ngày anh ấy về. Con đeo khăn tang lên, thắp hương cho bố đi.

Tiếng xe đỗ xịch ở đầu ngõ. Hương trầm nghi ngút, tôi thấy mình bồng bềnh trôi trong mùi hương trầm và nước mắt. Mẹ đứng ở ngõ từ khi nào, mẹ đã đứng đó đợi con bao nhiêu năm trời rồi mẹ ơi!

- Nghĩa đã về đấy à? Vào nhà đi con.

Tôi vòng tay ôm mẹ. Cảm nhận được, mẹ quàng tay, vỗ nhè nhẹ lên vai tôi. Con đã về đây, về với mẹ, với Ngần, với cô y tá năm nào và con trai con.

Trời đã sáng rồi, một ngày nắng nhẹ trong xanh như cái ngày Ngần tiễn tôi lên đường.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày trở về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO