Ngôi sao trong bàn tay

29/07/2022 09:23

Truyện ngắn của Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

An ngước nhìn lên sân khấu được trang trí bằng những ánh đèn lấp lánh, nhìn xa hệt như một vệt sao đang tỏa sáng. Sau ba thí sinh nữa là đến lượt An. An sẽ bước lên sân khấu rực rỡ ấy để trình bày phần thi của mình, để tự tin thể hiện năng khiếu của mình, chạm tay tới ước mơ của mình. Tự nhiên, An thấy hồi hộp. An mở cuốn sổ tay ghi lại những điều cần lưu ý nhẩm lại một lần nữa nhưng nhẩm thế thôi chứ giờ phút này An chẳng thể nào tập trung được. Bên cạnh An, mẹ cũng hồi hộp, lo lắng và… háo hức. Một chốc mẹ nắm tay An, động viên An đừng sợ gì cả, cứ thể hiện như An đã tập ở nhà là được. Một chốc mẹ lại nhìn lên sân khấu theo dõi phần thi của các thí sinh khác, xuýt xoa khen bạn này xinh, bạn kia có giọng nói thật truyền cảm, ấm áp. Mẹ bảo đây là lần đầu tiên mẹ nhìn thấy một sân khấu rực rỡ và đẹp đẽ, sáng lấp lánh như vậy. Càng đặc biệt hơn khi lát nữa mẹ được nhìn thấy An đứng trên sân khấu ấy. Mẹ hỏi An có đói, có khát không rồi lại bảo An phải tự tin lên, có mẹ ngồi ngay dưới này cổ vũ cho An. An biết mẹ động viên cho An đỡ run, đỡ hồi hộp chứ mẹ còn lo lắng, hồi hộp hơn cả An. Từ lúc nhận được tin An lọt qua vòng sơ khảo, trở thành một trong 10 thí sinh có mặt trong đêm chung kết, ánh mắt mẹ lúc nào cũng như bừng sáng trong niềm hãnh diện và hạnh phúc.

An sửa lại chiếc nơ trên cổ áo cho thật ngay ngắn. Chiếc áo mới có gắn nơ xinh trên cổ áo này cuối tuần trước mẹ chở An lên chợ huyện mua để chuẩn bị cho cuộc thi hôm nay. An biết, để mua chiếc áo này, mẹ đã phải cố hái cà phê thuê cho người ta thật nhanh để kịp nhận tiền công trước ngày An đi thi. Nghĩ đến đây, An thấy mắt mình ươn ướt. Gia đình An không khá giả nhưng bố mẹ luôn cố gắng dành những điều tốt nhất cho chị em An. Mấy năm trước, bố An chẳng may bị tai nạn giao thông không thể đi lại được mà phải ngồi trên xe lăn, mọi gánh nặng dồn lên vai mẹ. Bố An không đi làm được nên hàng ngày ở nhà lo việc cơm nước, dạy dỗ chị em An học bài. Bố còn học làm hộp, đan thảm đay, thảm cói để đỡ đần mẹ. Căn nhà gia đình An đang ở, những hôm mưa to nước ngập cả vào nhà, chị em An vừa học bài vừa tát nước. Nhưng dẫu vậy, bố mẹ vẫn động viên chị em An cố gắng học tập. Bố mẹ dành dụm, tiết kiệm để mua sách, mua báo, tạp chí cho chị em An đọc để được biết đến nhiều điều bổ ích hơn. Lúc cô giáo đăng ký cho An đi học lớp kỹ năng miễn phí, An ngần ngại vì nếu đi học sẽ không thể phụ giúp bố mẹ, mà bố mẹ An thì vất vả như thế. Nhưng chính bố đã động viên An, em gái cũng bảo việc của An em sẽ làm hết. Lần này An đi thi, bố và em không thể đi theo để cổ vũ cho An nhưng chắc ở nhà hai người cũng chờ đợi kết quả và háo hức lắm. Hôm qua, bố còn gấp cho An một ngôi sao may mắn bé xinh bằng giấy màu để tiếp sức cho An. Cuộc thi hôm nay đối với An cứ như là một giấc mơ. An chưa bao giờ nghĩ có ngày một cô bé con nhà nghèo như mình sẽ đứng trên sân khấu, thử tài trở thành MC nhí.

Minh họa: Ngọc Tâm

An chẳng biết mình bắt đầu có mơ ước được trở thành một MC từ lúc nào. Có lẽ là từ khi bố mẹ dành dụm mua được chiếc ti vi để thi thoảng chị em An xem hoạt hình, xem các chương trình giành cho thiếu nhi. Mấy năm trước, nhà An chỉ có một chiếc đài cát xét be bé, buổi tối trước khi học bài, mẹ lại dò sóng chương trình văn nghệ dành cho thiếu nhi để An nghe. Phát thanh viên chương trình ấy là một bạn thiếu nhi có giọng đọc trong trẻo, An cứ tưởng tượng giọng của bạn ấy giống như “tiếng thánh thót của chim sơn ca” đúng như cô giáo của An giảng. Từ khi nhà có ti vi, An chẳng những được nghe tiếng mà còn được xem hình. An hâm mộ các bạn dẫn chương trình giành cho thiếu nhi lắm. Các bạn chỉ tầm tuổi An thôi mà nói thật lưu loát, lúc thì truyền cảm, lúc lại tươi vui, nhí nhảnh. An xem mà bị cuốn hút vào từng lời nói, từng câu chuyện của các bạn. An đứng trước gương, tưởng tượng ra mình đang đứng trên sân khấu dẫn các chương trình. Đầu tiên là hoạt động của lớp, đến chương trình văn nghệ của trường, rồi An lại tưởng tượng ra mình đứng trên sân khấu dẫn liên hoan ca khúc măng non của huyện, của tỉnh. An còn tưởng tượng ra mình được dẫn chương trình trên ti vi. Những ước mong ấy, An chẳng dám nói với ai, chỉ tự tưởng tượng ra rồi mỉm cười một mình. Mãi đến khi cô giáo cho đề văn về ước mơ, về mong muốn được trở thành một người như thế nào trong tương lai, An mới viết về ước mơ được trở thành một MC của mình. Viết xong bài, nộp cho cô rồi An lại thấy có chút hối hận, sợ bạn bè biết được lại chê cười. An vốn là một người ít nói, trầm lặng trong lớp, hoàn cảnh lại khó khăn. Giọng của An cũng chưa hay, chưa truyền cảm. An cũng chẳng phải là người hoạt ngôn. Các cô chú, anh chị và các bạn dẫn chương trình trên tivi, An thấy ai cũng đẹp, cũng giỏi, mặc những bộ quần áo thật đẹp lại còn sôi nổi, giỏi giang, hiểu biết rộng… Còn An thì… Có lẽ cô My khi đọc và chấm bài văn của An cũng thấy mơ ước của An thật viển vông.

Nhưng bất ngờ đã đến, trước buổi sinh hoạt lớp cuối tháng, cô My đã đề nghị An dẫn phần sinh hoạt văn nghệ. An nhìn cô, đỏ mặt định từ chối nhưng cô đặt tay lên vai An đầy trìu mến:

ADQuảng cáo

- Cô tin là em sẽ làm được. Cố gắng lên nào, muốn tới được ước mơ thì phải đi từ những bước đầu tiên.

Lần đầu tiên “làm MC” trước cả lớp, An đã viết lời dẫn mở đầu, lời giới thiệu từng tiết mục thật cẩn thận. Cô My cũng sửa từng chút một cho An. Là cô giáo dạy văn, cô My có giọng đọc rất ấm áp, cô sửa cho An cách phát âm, cách nhấn nhá từng từ. Lúc đứng trước cả lớp, An hơi run nhưng đã hoàn thành trọn vẹn, nhận được phần thưởng là một tràng pháo tay giòn giã của các bạn. Sau buổi sinh hoạt ấy, cô My còn giao cho An được giới thiệu các thành viên, giới thiệu các tiết mục tham gia của lớp trong các Hội thi do nhà trường tổ chức.

Cô My còn chỉ cho An biết, muốn trở thành MC phải cố gắng học thật tốt môn Văn và ngoại ngữ, hiểu biết về văn hóa, lịch sử. Cô tặng cho An một khóa học ngoại ngữ, tặng An những cuốn sách văn học, tạp chí dành cho tuổi học trò để An thêm hiểu biết. Cô chỉ cho An cách phát âm sao cho tròn vành, rõ chữ, cổ vũ An tự tin hơn, hòa đồng với các bạn. Cô thu âm giọng của An gửi bạn cô là Phát thanh viên Đài truyền hình tỉnh nhận xét và sửa cho An. Mà chẳng riêng gì An, cô đọc kỹ từng bài của các bạn, hiểu về ước mơ của từng học sinh trong lớp và đưa ra lời khuyên, định hướng để thực hiện ước mơ ấy. Cũng chính cô đã động viên, đăng ký cho An tham gia cuộc thi MC nhí mà trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh tổ chức. Cô giúp An tìm hiểu những câu hỏi của cuộc thi, giúp An viết bài thuyết trình. Có những ngày cuối tuần mưa tầm tã, cô My đến nhà chở An lên huyện, vượt cả quãng đường gần ba mươi cây số lầy lội bùn đất để nhờ các anh chị bên hội đồng đội huyện hướng dẫn cho An. Lên đến nơi thì cả cô và trò đều ướt lướt thướt. Nhưng lúc nào cô cũng vui tươi, động viên, khích lệ An. Cô còn trêu An:

- Mai mốt lớn trở thành MC nổi tiếng rồi, dẫn chương trình trên truyền hình nhớ kể về cô để cô cũng được xuất hiện trên truyền hình đấy nhé. Nghe cô nói, An vừa ngượng ngùng, vừa hạnh phúc. Cô bảo, ngày còn bé cô cũng có rất nhiều mơ ước nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, lại chẳng có ai động viên khích lệ nên cô không đủ tự tin để thử sức và chạm vào ước mơ của mình. Nên khi biết được ước mơ của An, cô muốn giúp An, muốn An không phải hối tiếc như cô. An cứ cố gắng hết sức mình là được, còn kết quả ra sao không phải là điều quan trọng nhất.

Sắp đến phần thi của An rồi. Mẹ động viên An, cô My cũng cầm tay An, dặn nếu run quá thì nhìn xuống mẹ, nhìn xuống cô. An bước về phía cánh gà, MC đã đọc đến tên và số báo danh của An. Hít một hơi thật sâu, An bước ra. Sân khấu lấp lánh và rực rỡ. Những tiếng vỗ tay cổ vũ vang lên. Ngôi sao bố gấp cho An cũng tỏa sáng lung linh và như truyền hơi ấm sang cho An.

An đang bước đến, vươn tay chạm đến ngôi sao của riêng mình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi sao trong bàn tay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO