Tập truyện “Rừng xa”- cuộc chiến bảo vệ rừng

05/11/2021 08:12

Rừng xa" của nhà văn Bá Canh vừa được NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh phát hành là tập truyện ngắn có dung lượng nhỏ nhưng nội dung lớn, với 13 truyện rất ngắn, 182 trang sách. Tác giả đã phản ánh những vấn đề lớn, vấn đề nóng của hiện thực đời sống ở một tỉnh biên giới vùng Tây Nguyên. Đó là nạn chặt phá rừng, hủy hoại thiên nhiên một cách dữ dội, tàn bạo; những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong một số cán bộ quản lý, lãnh đạo ở địa phương.

ADQuảng cáo

Cuộc đấu tranh giữ rừng, giữ đất, giữ vững an ninh biên giới vô cùng khốc liệt, gian khổ, hiểm nguy và trung tâm các sự kiện ấy là số phận, niềm vui, nỗi buồn, hạnh phúc và khổ đau của những con người đã sống, gắn bó với đất, với rừng nơi đây.

Nhà văn đã đi sâu phản ánh một hiện trạng nhức nhối đã và đang diễn ra, đó là nạn hủy diệt rừng tràn lan, vô tội vạ. Người dân, nhất là dân di cư tự do chặt phá rừng để làm nhà ở, xâm lấn đất rừng để trồng hoa màu, lương thực, cà phê; lâm tặc chặt phá rừng lấy gỗ cho các đầu nậu buôn gỗ đi khắp nơi. Tác giả đã chỉ ra những nguyên nhân mất rừng, đó là sự yếu kém của cán bộ lãnh đạo địa phương, sự lúng túng, bất lực của các cơ quan chức năng, các lực lượng quản lý, bảo vệ rừng: "Nếu cứ kiểu chuyển từ lâm trường về giao cho mấy tay đầu nậu gỗ núp bóng các công ty, doanh nghiệp chuyên khai thác, khoanh nuôi bảo vệ rừng thì sớm muộn chỉ còn đồi trọc" (Rừng xa). Sự yếu kém của một số cán bộ địa phương được thể hiện qua nhân vật lão (Lão và tôi) - một quan chức đi lên từ cán bộ văn hóa xã, lên huyện, rồi đảm nhận trọng trách lớn hơn ở tỉnh. Ngay cả những cán bộ được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng cũng liên kết, tiếp tay cho lâm tặc để làm ăn như nhân vật sếp Phong, phó giám đốc Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn (Mùa rừng trổ lá). Làn sóng di dân tự do từ các tỉnh đồng bằng và miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên cũng tạo nên những áp lực lớn đối với việc giữ rừng.

 Tập truyện "Rừng xa"

ADQuảng cáo

Trong tình hình đó, cuộc đấu tranh bảo vệ rừng, bảo vệ vùng đất biên cương thật vô cùng gian khổ, hiểm nguy. Nhà văn đã xây dựng một số nhân vật khá tiêu biểu về phẩm chất và số phận, gắn bó với đất, với rừng trong cuộc chiến cam go ấy. Đó là lão Điểu Bang - Trưởng ban quản lý rừng cộng đồng bon (Rừng xa) một lòng yêu rừng, yêu đất, gắn bó máu thịt với quê hương. Đó là nhân vật Quý, một cán bộ cấp tỉnh được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ trở về cơ sở, quản lý Công ty lâm nghiệp Quảng Sơn - công ty quản lý một địa bàn hết sức phức tạp với nạn phá rừng có tổ chức (Mùa rừng trổ lá)…

Trong không gian núi rừng, bon làng ấy là cuộc sống và số phận của những con người với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Những người lao động nghèo với cuộc mưu sinh nhọc nhằn, vất vả, những kẻ chức quyền tham nhũng thoái hóa, biến chất trở nên sa đọa, những viên chức dựa vào ô dù để trở thành cò chạy việc, chạy chức, chạy quyền. Một xã hội đương đại thu nhỏ đang hối hả vận động trong cuộc sinh tồn với nhiều trạng huống tình cảm và nhân sinh, hiện ra khá sinh động dưới ngòi bút của nhà văn. Cũng trên vùng đất rừng núi ấy có những con người đã vượt qua những nghịch cảnh, khó khăn, chung sức lao động sáng tạo để xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp.

Về phương diện nghệ thuật, tác giả đã thành công trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện, sáng tạo những tình huống truyện hấp dẫn, lôi cuốn. Phần lớn các truyện được kể ở ngôi thứ ba nhưng tác giả đã nhìn sự vật theo tiêu cự bên trong của nhân vật. Do đó, nội dung kể không chỉ là sự việc xảy ra bên ngoài mà là bản thân sự cảm biết, nhận thấy của nhân vật đối với các sự việc ấy. Một vài truyện được kể theo ngôi thứ nhất của một nhân vật tự ý thức và tự bộc lộ về mình, mang đậm chất chủ quan, nội cảm (truyện Rẫy hoang, Lão và tôi). Tác giả dựng truyện dựa vào các sự kiện theo thời gian tuyến tính, không gian bối cảnh và không gian sự kiện, riêng truyện Lão và tôi có kết cấu khá độc đáo, đó là sáng tạo hai câu chuyện (Chuyện của tôi và chuyện của lão) có ý nghĩa tương phản để vừa phản ánh hiện thực và thể hiện quan niệm nhân sinh. Tác giả đã xây dựng một số nhân vật khá sinh động, có sự vận động và phát triển tâm lý, tính cách hợp lý, cá tính sắc nét như nhân vật Điểu Bang (Rừng xa), Mụ Khùng (Rẫy hoang), Quý (Mùa rừng trổ lá), Nhâm (Dano Farm). Tuy nhiên, nếu tác giả không bị cuốn theo sự kiện và thể hiện đậm nét hơn chiều sâu đời sống nội tâm, thế giới tinh thần, ý thức và cả tiềm thức, vô thức thì tập truyện còn hấp dẫn hơn nhiều.

Tập truyện ngắn Rừng xa là một thành công đáng ghi nhận của nhà văn Bá Canh trong việc thể hiện sinh động hiện thực đời sống ở một địa bàn vùng Tây Nguyên với nhiều vấn đề có ý nghĩa xã hội sâu sắc. Tác phẩm phảng phất chất chính luận ở xu hướng thể hiện, đối thoại những vấn đề xã hội và gợi mở hướng giải quyết qua suy nghĩ của các nhân vật. Cảm hứng phê phán những tệ nạn, tiêu cực xã hội, kết hợp với cảm hứng ngợi ca, khẳng định phẩm chất tốt đẹp, nhân văn của con người, niềm tin yêu cuộc sống, tin tưởng sức mạnh chiến thắng của cái thiện, cái cao cả và tiến bộ, đã làm nên giá trị tư tưởng độc đáo của tác phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập truyện “Rừng xa”- cuộc chiến bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO