Thầy Từ

18/11/2022 08:48

Truyện ngắn của Phạm Văn Hoanh

ADQuảng cáo

Chiều nay, tôi cầm tấm bằng đại học đỏ chót về khoe với nội. Nội tôi mừng rơi nước mắt. Nội bảo:

- Cháu có được kết quả như ngày hôm nay chính là nhờ thầy Từ. Nếu không có thầy thì cháu bỏ học lâu rồi. Và ông khỏe được đến ngày hôm nay là cũng nhờ thầy Từ. Ơn này không biết bao giờ ông trả nổi.

Nội tôi lấy khăn lau những giọt nước mắt đang chảy ra ở hai khóe, rồi ôn tồn nói:

- Mấy hôm nay, thầy Từ cứ điện ông hỏi thăm cháu hoài. Giờ nghe cháu tốt nghiệp đại học loại giỏi, chắc thầy Từ mừng lắm. Thôi bây giờ ông cháu mình phải mua thứ gì đi qua nhà thầy Từ tạ ơn.

Nội tôi móc trong túi áo lấy ra một trăm ngàn đồng đưa cho tôi và nói:

- Cháu chạy ra chợ mua cho ông một ít quà để ông qua biếu thầy Từ.

Nghe nội nhắc đến thầy Từ, tôi sực nhớ đến hoàn cảnh của hai ông cháu cách đây tám năm về trước. Năm tôi học lớp 9, đang chuẩn bị thi học kỳ một thì cha mẹ tôi qua đời trong một tai nạn giao thông. Tôi buồn rầu nên nghỉ học cả tuần. Sau đó, tôi nghỉ học luôn, định vào TP. Hồ Chí Minh bán vé số nhưng nội không cho đi. Nội bảo ở nhà lo học, đói no ông cháu có nhau. Thương nội, tôi không đi TP. Hồ Chí Minh mà ở nhà tiếp tục đi học. Cuộc sống của hai ông cháu tôi tuy khó khăn nhưng vẫn còn xoay xở được. Những ngày mùa, nội ra đồng gặt lúa rồi cày bừa gieo sạ. Hết ngày mùa nội đi phụ hồ kiếm tiền nuôi tôi ăn học. Cuộc sống của hai ông cháu tưởng chừng vượt qua được nỗi đau mất mát nhưng ai ngờ nó cứ đeo bám ông cháu tôi mãi.

Khi tôi bước vào lớp 10, học được một học kỳ thì nội tôi đau một trận thập tử nhất sinh. Tôi phải nghỉ học vào bệnh viện chăm ông. Tiền bạc không có, tôi phải bán đồ đạc trong nhà lấy tiền lo thuốc cho ông. Khỏi bệnh, nội tôi tiều tụy, không làm được việc nặng. Cuộc sống gia đình tôi lâm vào cảnh khốn đốn. Tôi phải quyết định ở nhà phụ giúp nội công việc đồng áng. Biết tôi bỏ học, nội tôi buồn rầu, mất ăn mất ngủ. Thấy nội buồn, tôi thương quá, nhưng không thể nào đi học được. Thấy tôi nghỉ học lâu ngày, thầy chủ nhiệm đã tìm đến nhà động viên nhưng tôi vẫn không chịu đi học trở lại. Thấy thầy cô, bạn bè đến động viên, tôi chạy trốn. Một hôm vừa đi làm về, tôi gặp một người đàn ông tóc bạc trắng đang nói chuyện với nội. Tôi chào nội và người đàn ông. Nội tôi bảo “Đây là thầy Từ”. Rồi ông bảo tôi ngồi nói chuyện với thầy. Thầy Từ khuyên tôi đi học lại. Tôi suy nghĩ một hồi lâu rồi đồng ý. Sáng hôm sau, tôi đi học lại.

Hôm chào cờ đầu tuần, thầy Từ trao cho tôi một suất học bổng khuyến học khuyến tài của Hội Khuyến học tỉnh X. Tôi khóc ròng như mưa. Tôi hứa với thầy sẽ cố gắng học thật giỏi.

Còn nội tôi, hằng ngày, thầy Từ đến thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Những hôm tôi đi học, thầy Từ đã đến nhà tôi chở nội đi khám bệnh và mua thuốc.

Năm tôi đậu vào trường đại học sư phạm thành phố, thầy Từ mừng không thể tả. Thầy đến nhà trao tiếp cho tôi một suất học bổng khuyến học khuyến tài của tỉnh X để tôi có điều kiện học đại học. Công ơn của thầy, hai ông cháu tôi không bao giờ quên…

Mua quà xong, tôi chạy nhanh về nhà, chở nội đi đến nhà thầy Từ.

Từ nhà tôi đến nhà thầy Từ cũng khá xa, đường đi quanh co khúc khuỷu, hai bên đường là những hàng keo rợp bóng che mát người đi trông rất đẹp mắt. Nghe bà con ở xóm của thầy nói là con đường này ngày xưa nhỏ hẹp, đèo dốc khó đi, nhưng nhờ thầy Từ kêu gọi nhân dân góp tiền, góp công và thầy đã bỏ ra một trăm triệu đồng từ tiền lương hưu tích góp được để làm con đường bê tông và trồng cây hai bên đường, nên con đường mới đẹp như vậy. Tuy đường xa nhưng nhờ bê tông phẳng lì nên chỉ trong vòng 30 phút tôi đã đến nhà thầy Từ.

Minh họa: Ngọc Tâm

Thầy Từ đón ông cháu tôi rất niềm nở. Thầy pha trà rót nước mời ông cháu tôi uống. Thầy Từ bưng chén trà đưa lên miệng uống một hớp, rồi để xuống bàn từ tốn nói:

- Tôi mới nhận được tin cháu. Tôi định điện anh hỏi cháu có nhà không, qua đó chúc mừng, nhưng bận quá, chưa kịp điện thì anh đã đến. Quý quá!

Tôi đặt gói quà lên bàn, thưa:

- Dạ thưa thầy! Hai ông cháu con kính biếu thầy gói quà!

Thầy Từ nhìn hai ông cháu tôi, cười:

- Hai ông cháu lại bày vẽ, qua đây thăm chơi là được rồi. Quà cáp tôi ngại lắm.

Nội tôi nói:

- Có gì đâu mà ngại thầy. Nếu như ngày ấy…

Thầy Từ cắt ngang câu nói.

- Anh đừng nhắc chuyện cũ cháu nó buồn. Tôi thấy cháu học giỏi tôi giúp. Mà không riêng gì cháu anh, tất cả các cháu học sinh, sinh viên trong tỉnh mình, từ cấp nhỏ đến cấp lớn học giỏi mà có hoàn cảnh khó khăn chúng tôi đều trao học bổng hết. Chúng tôi không mong gì hơn ngoài việc các cháu chăm ngoan học giỏi.

Thầy Từ quay sang tôi, nói:

- Thầy thấy con nhận tấm bằng đỏ thầy mừng hơn thứ gì hết. Tấm bằng đỏ của con đã trả được công lao to lớn của nội rồi đấy.

Thầy Từ bưng chén trà lên rồi lại để xuống bàn, hỏi:

- Con định xin dạy ở trường nào?

- Dạ! Con đang suy nghĩ.

Thầy Từ nói:

ADQuảng cáo

- Nhớ là xin chỗ nào gần nhà, để có điều kiện chăm sóc ông nội nghe con!

Tôi cúi đầu trả lời:

- Dạ!

Trò chuyện xong, ông cháu tôi xin phép thầy Từ ra về.

Thầy Từ biếu nội tôi một gói trà. Nội tôi xúc động nói:

- Tôi cảm ơn thầy! Công ơn của thầy không biết khi nào ông cháu tôi trả hết.

Thầy Từ cười:

- Anh lại nói ơn nghĩa nữa.

Rồi thầy Từ quay sang tôi nói:

- Thôi hai ông cháu về nhé! Chúc con sớm có công việc.

- Dạ! Con cảm ơn thầy.

Ông cháu tôi vẫy tay chào tạm biệt thầy Từ.

***

Trên đường về, nội tôi nói:

- Tính thầy Từ là vậy đấy con, lúc nào cũng lo cho người khác. Tính đến năm nay thì thầy đã vượt quá xa cái tuổi “xưa nay hiếm”. Vậy mà ngày nào thầy cũng chu du khắp nơi bằng chiếc xe đạp điện của mình để tìm nguồn kinh phí cho hội khuyến học tỉnh nhà. Nghĩ mà thương thầy quá!

Theo nội tôi kể thì thầy Từ là một người tài đức vẹn toàn. Thầy đã có một thời gian dài dạy học, nên thầy biết rất rõ tâm tư nguyện vọng của học trò, nhất là những học trò nghèo mà học giỏi. Hồi thầy còn đứng trên bục giảng, thầy đã tham gia đội quân thiện nguyện. Những năm tháng bao cấp, kinh tế khó khăn, đồng lương eo hẹp mà thầy vẫn trích quỹ lương của mình để góp vào quỹ thiện nguyện cùng với đội quân thiện nguyện đi trao quà cho nhiều gia đình nghèo, gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn. Thầy đã giúp đỡ rất nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em yên tâm học tập. Khi về hưu, thầy Từ liền bắt tay vào công tác khuyến học khuyến tài. Đầu tiên, thầy chỉ làm khuyến học cho gia đình để động viên các cháu nội, cháu ngoại học giỏi. Một thời gian sau thầy xin ý kiến ông trưởng họ xây dựng quỹ khuyến học dòng họ. Thầy đến những người trong họ tộc làm ăn giàu có vận động họ đóng góp xây dựng quỹ khuyến học dòng họ. Thầy viết thư ngỏ đến các doanh nhân thuộc dòng họ để họ đóng góp vào quỹ khuyến học dòng họ. Thấy được tấm lòng của thầy, tất cả bà con trong họ tộc đều ủng hộ. Không bao lâu quỹ khuyến học dòng họ đã lên hàng trăm triệu đồng. Quỹ khuyến học dòng họ của thầy hoạt động rất hiệu quả. Hàng năm thầy phát học bổng hai lần: vào đầu xuân và cuối hạ. Tuy suất học bổng không lớn lắm nhưng nó đã khuyến khích con cháu trong dòng họ của thầy tranh nhau đua tài. Đã có nhiều cháu đậu vào các trường đại học danh tiếng với số điểm rất cao.

Thấy quỹ khuyến học có hiệu quả trong việc khuyến khích học sinh học giỏi, thầy nhân rộng mô hình này ra thôn. Thầy xin phép ông trưởng thôn thành lập thôn khuyến học. Ông thôn trưởng nhất trí. Thế là hội khuyến học thôn ra đời. Từ ngày có hội khuyến học thôn, các cháu trong thôn của thầy không bỏ học nữa, cháu nào cũng chăm ngoan học giỏi. Có nhiều cháu đỗ đạt cao.

Mấy năm sau thầy Từ được tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh X mời vào tham gia xây dựng hội khuyến học tỉnh. Thầy được đề cử vào ban chấp hành hội.

Những ngày làm công tác khuyến học tỉnh X, thầy đã trực tiếp đến các huyện truyền đạt tinh thần các chỉ thị, thầy hướng dẫn các bước tiến hành thành lập hội khuyến học huyện, khuyến học xã... Chỉ trong thời gian ngắn, các huyện, các xã trong tỉnh đều thành lập được hội khuyến học.

Từ ngày thầy làm công tác khuyến học tỉnh đến nay, học sinh, sinh viên của tỉnh được nhờ lắm…

Kể đến đây nội tôi lại im lặng, hai mắt rơm rớm...

Tôi hỏi nội:

- Sao mà thầy Từ biết được những sinh viên ở các huyện xa xôi hẻo lánh có hoàn cảnh khó khăn mà trao học bổng hả nội?

Nội tôi giải thích:

- Thầy biết được là nhờ dưới cơ sở gửi lên đấy cháu.

- Có khi nào thầy phát bị nhầm không nội?

- Nhầm sao được, cháu. Khi nghe cấp dưới báo danh sách học sinh giỏi có hoàn cảnh khó khăn là thầy đích thân đến tận nơi để khảo sát. Còn học sinh, sinh viên giỏi thì thầy chiếu theo kết quả ghi trong sổ điểm, sổ liên lạc. 

Nội xoa đầu tôi, bảo:

- Làm thầy giáo phải có cái tâm. Tâm sáng thì tài mới cao được. Người thầy giáo phải tài đức vẹn toàn thì mới đào tạo được những lớp học trò tài giỏi. Cháu phải học tập đức tính của thầy Từ. Sống ở đời phải biết yêu thương nhân loại, phải “thương người như thể thương thân” nghe cháu.

- Dạ! Cháu nhất định sẽ học tập đức tính thầy Từ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thầy Từ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO