Tình yêu trong tập thơ "Miền gió say" của Trần Nguyệt Ánh

Kao Sơn| 25/03/2022 08:05

Trong tập thơ “Miền gió say”, thơ Trần Nguyệt Ánh tập trung bộc lộ tình cảm của mình trong một chủ đề vốn quen nhưng luôn mới lạ, sáng tạo với một cây bút thơ nữ: Tình yêu.

ADQuảng cáo

Với chủ đề tình yêu, thơ nói chung luôn đa dạng, phong phú. Nhưng với Trần Nguyệt Ánh, những cảm xúc rạo rực run rẩy ban đầu chỉ được chị điểm qua rất nhẹ trong một vài bài như một cách làm tăng những luyến tiếc cho những điều đẹp nhất đã qua. Giống như người khách bộ hành sau chặng đường dài mệt mỏi, một chiều ngồi lại lưng đèo ngoái nhìn những bước đi ban đầu dại dột mà đầy háo hức đã lưu lại phía sau rồi sau đó đứng dậy đối diện với chặng đường trước mặt đầy gập ghềnh và bất trắc.

Vách thời gian ghi kết quả cuộc đời/Em – một vòng quay tạm thời vào ô mất lượt/Thắng hay thua nào ai biết trước/Chơi ván cờ tình biết nước nào đi? Trong “Ván cờ tình” người đọc được trải nghiệm với những áng thơ đầy chiêm nghiệm cuộc đời, đầy tính triết lý về tình yêu và cuộc sống. Biểu hiện triết lý với cảm xúc mối quan hệ biện chứng các tiết tấu cảm xúc giằng co nhau bổ sung cho nhau có sức lay động lòng người.

Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo của mình, Trần Nguyệt Ánh mạnh dạn đề cập đến mọi khía cạnh mọi cung bậc của cảm xúc ngay cả khi mọi hy vọng đợi chờ đều đã kết thúc trong tan vỡ. Trong “Miền gió say” người đọc còn bắt gặp nhiều hình ảnh tươi mới, tình thơ thành thật đến đau xót.

Bìa tập thơ

ADQuảng cáo

Có một điều rất phổ biến, tình yêu đôi lứa luôn có gì giống như chiếc cầu bập bênh trong trò chơi trẻ nhỏ. Mất - được luôn chênh vênh, khó xác định. Một điều đáng trân trọng trong lối ứng xử thơ của Trần Nguyệt Ánh là đối diện những mất mát, những đổ vỡ, trong thơ chị không có những quậy phá, không đòi nổi loạn và không thù hận. Chị viết cho người đến sau: Chị em mình phụ nữ như nhau/ Cùng một trái tim yêu và cùng đau khi xa cách… Có những lúc cuồng say nhưng vẫn đầy dự cảm và hoài nghi bởi trái tim nữ vốn rất nhạy cảm: Dấu yêu ơi, tình đẹp đến bao giờ? Mà hôm nay lòng em xạc xào lá đổ/ Tình anh mềm như gió/ Lăn tăn gợn mặt hồ/ Khiến em vỡ vụn cả trời mơ/ Em không mơ về miền cổ tích/ Nỗi nhớ em đời thực/ Chảy trong từng tế bào phía ngực trái em đau…

Nói về thơ của Trần Nguyệt Ánh không thể không nhắc đến một mảng chủ đề rất quan trọng đó là cách nhìn nhận của người đối với các vấn đề của xã hội. Chị không ngại mở rộng biên độ cho thơ. Chị mở lòng để đến với những số phận những vui buồn thường trực của con người. Từ người mẹ đẻ cả đời thân cò lặn lội chăm chồng, nuôi con; đến người mẹ chồng luôn bênh vực yêu thương chị, lau nước mắt, thành chỗ dựa cho chị trong những ngày gian khó; đến những người đàn bà trong quán đèn mờ phải đem thân mua vui cho khách làng chơi…; thậm chí đến cả người đã phụ tình, cả người đến sau… vốn đã khiến chị lâm cảnh cau khô héo trong vườn, Tấm thiệp cưới vẫn khuyết một tên... Tất cả đều nhận được tấm lòng bao dung, chân thành cùng sự quan tâm rất giản dị nhưng đầy nhân ái.

Những vần thơ của Trần Nguyệt Ánh sẽ luôn “hóa cánh thiên di để say cùng gió”. Ngọn gió của tình yêu, của cuộc đời. Dù trong giông tố vẫn như loài chim “Hải âu rướn mình rẽ sóng” để “tìm bình yên ngọt mềm giữa vũ bão cuồng phong.” Mạnh mẽ, kiên cường “Bẻ lái câu thơ vượt qua khúc cua lòng/ Nâng hồn mình giữa mênh mông vô định” dù “Về miền gió say, tim yếu mềm tan ra thành sóng” nhưng cái bản ngã đàn bà mạnh mẽ trong thơ chị luôn tin rằng “Gặp được mặt trời giông tố sẽ bình yên”.

Cả tập thơ là một tự sự. Mỗi câu thơ là một tự thú. Đan cô đơn để tự hát ru mình. Dẫu chỉ thế thôi, nhưng thiên tính nữ, sự đa đoan đã trải, mang trọn vẹn ý tình như chính tâm hồn tác giả muốn khơi tỏa cách biểu đạt cảm xúc trực tiếp qua ngôn ngữ đủ để cho trái tim người đọc băn khoăn suy nghĩ. Qua lăng kính và trái tim nhân hậu chân thành đã giúp Trần Nguyệt Ánh có được những câu thơ dạt dào cảm xúc, qua đó tạo nên sự đồng cảm cùng sẻ chia ấm áp từ bạn đọc.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tình yêu trong tập thơ "Miền gió say" của Trần Nguyệt Ánh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO