Trước ngày toàn thắng

29/04/2022 11:32

Truyện ngắn của Vũ Thị Huyền Trang

ADQuảng cáo

Ông Tư gập tờ báo lại, bỏ cặp kính xuống, dụi mắt, nhìn nắng lập lòe ngoài giàn mướp. Ông ngả người xuống chiếc ghế nằm, lim dim ngủ. Trên ti vi đang phát sóng chương trình kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. “…Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/Hướng về đồng bằng ta tiến về thành đô/Nước nhà còn chờ trận cuối là trận này/Tiến về đồng bằng, giải phóng thành đô…”. Lời bài hát “Tiến về Sài Gòn” vang lên đầy hào hùng, thúc giục đã khiến ông nhớ về không khí của những ngày cuối tháng 4 năm 1975. Khép mắt lại, kí ức mở ra, ông thấy mình đang cùng đồng đội tiến thẳng vào cửa ngõ Sài Gòn. Trong trận quyết chiến ấy biết bao nhiêu đồng đội của ông đã ngã xuống trước giờ toàn thắng.     

Mùa xuân năm 1965, ông lên đường nhập ngũ đóng quân ở tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) đang huấn luyện ở Hòa Bình. Đầu năm sau, ông cùng đơn vị vào chiến trường Quảng Trị. Đạn bom khốc liệt không ngăn được bước chân của tuổi trẻ và lồng ngực căng tràn tình yêu nước, lòng căm thù giặc trên con đường Trường Sơn huyền thoại. Ông đã cùng đơn vị tham gia nhiều trận đánh ác liệt với quân Mỹ. Trải qua những trận chiến khốc liệt tình đồng chí đồng đội càng thêm gắn bó keo sơn, khăng khít. Anh em coi nhau như người thân trong gia đình. Những đêm trăng nằm giữa cánh rừng Trường Sơn lòng da diết nhớ quê hương, mẹ già, em nhỏ. Ông thường mường tượng ra dưới góc sân quê hương cau thơm ngát, mẹ có lẽ đang ngồi tết chổi. Mấy đứa em ngồi học bài dưới ánh đèn dầu, ngoài vườn tiếng ếch nhái vọng vào inh ỏi. Trong căn bếp của mẹ thường có mùi khoai nướng thơm lừng bay ra. Để lót dạ, những đứa con háu đói khi bữa cơm thiếu thốn trăm bề. Tiếng chõng kẽo kẹt, giọng Huy vang lên:

- Bao giờ hết chiến tranh em sẽ về cưới vợ. Anh sẽ làm gì?

- Tớ ấy à? Thì về nhà với mẹ thôi, trồng cây, nuôi cá. Nhà tớ chẳng có gì ngoài đất, chỉ thiếu mỗi sức người. Tớ chả mong gì nhiều ngoài được ngồi ăn cùng mẹ và mấy đứa em những bữa cơm đạm bạc. Rau muống dưa cà. Ôi chao! Nhắc đến đã thấy cái vị chua của cà muối tứa trong cuống họng. Mà người yêu chú chắc xinh lắm nhỉ?

- Xinh lắm anh ạ. Nước da ngăm đen nhưng có cái miệng rất duyên. Cái miệng ấy mỗi khi giận dỗi là lòng mình mềm nhũn.

- Thế cơ đấy, tớ chẳng có mảnh tình nào vắt vai. Bao giờ hết chiến tranh, tớ cũng sẽ yêu. Mà biết bao giờ?

Những câu chuyện của người lính thường có câu: “Bao giờ hết chiến tranh…”. Biết bao nhiêu dự định còn chờ phía trước. Đứa muốn về đi học. Đứa mong mỏi lấy vợ sinh con. Đứa muốn về làm thầy giáo trường làng dạy học cho lũ trẻ. Những ước mơ dang dở đành gác lại, họ cũng như ông, chọn cầm súng lên đường đánh giặc. Phía trước của những người lính là màu cờ của dân tộc. Trước những làn đạn dày đặc của quân thù, biết bao nhiêu đồng đội của ông đã không đợi được đến ngày chiến tranh kết thúc, trong đó có Huy. Kí ức lại chập chờn hiện về trận đánh cuối tháng 4 năm 1975…

Minh họa: Ngọc Tâm

Đúng 5h30' ngày 29/4/1975, chỉ huy sư đoàn phát lệnh nổ súng tiến công nơi ngụy chốt giữ. Sau đòn hỏa lực, bộ binh các hướng được lệnh xuất phát tấn công. Ông cùng các đồng đội của mình đã chiến đấu vô cùng ác liệt. Ông còn nhớ mãi cái vỗ vai của Huy, cậu ta nháy mắt cười: “Sắp giải phóng rồi, nhất định là phải sống để còn về dự đám cưới của em đấy nhé”. Tiếng của Huy bị làn đạn xé tan, đồng đội lẫn trong mịt mù khói đạn. Địch tập trung hỏa lực bắn chặn, cán bộ, chiến sĩ của tiểu đoàn bộ đã dùng AK, phóng lựu và lựu đạn chiến đấu với địch. Đến 10h30', ta hoàn toàn làm chủ, mở thông cánh cửa phía Tây Bắc cho mũi đột kích của quân đoàn tiến vào Sài Gòn lần lượt tiến công làm chủ sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Nhưng rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn, trong đó có Huy. Sau trận đánh, Huy được đưa về mai táng ở vườn cao su gần căn cứ. Trong túi áo ngực của Huy tìm thấy một chiếc khăn thêu đôi chim uyên ương, với hình trái tim có hai chữ H và V lồng vào nhau bằng chỉ đỏ. Ông định giữ lại chiếc khăn ấy gửi về cho gia đình Huy. Nhưng các đồng đội nói hãy chôn theo kỉ vật tình yêu ấy để Huy được an ủi phần nào.

Ít ngày sau khi giải phóng miền Nam, từ đơn vị chiến đấu, ông được điều lên làm trợ lý quân lực tiểu đoàn. Một ngày giữa tháng 5/1975, tại căn cứ Đồng Dù ở quận lỵ Củ Chi khi ông đang lập danh sách báo cáo số quân nhân của đơn vị bị thương và hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh thì nhận được một bức thư. Thư không gửi cho ông mà gửi cho thủ trưởng tiểu đoàn 16. Nhưng chính trị viên tiểu đoàn đã giao trách nhiệm cho ông đọc và hồi âm gia đình gấp. Ngoài bì thư ghi: “Người gửi: Nguyễn Thị Vân”. Ông lặng người đi trước những dòng chữ nhòe mực được viết bằng nước mắt của một người con gái khi biết tin người yêu mình đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Đó là thư của Vân, thay mặt gia đình Huy hỏi về nơi người yêu mình ngã xuống? Đã hy sinh ra sao? Được chôn cất nơi nào? Đọc những dòng thư súc tích, chân phương và ẩn chứa bao nỗi đau đớn, mất mát ấy khiến ông nghĩ về những ngày tháng cùng Huy “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhớ đêm trăng năm nào mắc võng nằm gần nhau, Huy nói về người con gái mình yêu, về một đám cưới hạnh phúc sau ngày giải phóng. Qua lời Huy từng kể, ông mường tượng ra một cô gái có làn da ngăm đen và nụ cười duyên dáng hẳn đã ngồi rất lâu trước trang giấy trắng mới viết nổi những dòng chữ này. Cũng giống như ông lúc viết thư hồi âm Vân, thấy câu nào cũng đau, chữ nào cũng nặng. Mấy chục năm đã trôi qua, không biết giờ cuộc sống của Vân ra sao? Bố mẹ và các em của Huy sống thế nào? Tự nhiên trong đầu ông Tư nảy ra ý nghĩ phải tìm mọi cách liên lạc lại để hỏi thăm tin tức. Ông cầm máy bấm gọi tổng đài 1080…

ADQuảng cáo

Nhờ sự kết nối từ tổng đài, rất nhanh chóng ông Tư đã liên lạc qua địa phương và gặp được em trai của liệt sĩ Huy. Ngay từ những phút hỏi han ban đầu, khi biết ông Tư chính là người đã vào sinh ra tử với anh trai mình thì đầu dây bên kia lặng đi một lúc.

- Cảm ơn anh đã hỏi thăm. Bố mẹ em qua đời đã lâu. Các anh chị em trong gia đình thì đều có cuộc sống ổn định anh ạ.

- Còn cô Vân thì sao? Chắc đã có một cuộc sống gia đình viên mãn chứ?

- Sau khi nhận tin anh Huy báo tử, chị Vân vẫn qua lại thăm nom bố mẹ em như một người con trong gia đình. Mãi mấy năm sau khi có người thương chị đã đi lấy chồng, cũng người Hà Nội. Chị sinh được ba cháu, sau này đều thành đạt cả. Chồng chị ấy cũng đã mất vài năm trước anh ạ.

-Thôi thế cũng mừng vì cô ấy đã tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình. Vậy gia đình đã đưa hài cốt Huy về ngoài này chưa?

- Anh ạ, lúc còn sống mẹ em cứ đau đáu mãi về chuyện chưa đưa được anh Huy về. Cũng đã mấy lần bà đòi vào miền Nam một chuyến, thắp cho anh ấy nén nhang. Nhưng do đường sá xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn, cuộc sống còn nhiều lo toan vất vả. Hơn nữa, sức khỏe của mẹ không được tốt nên tận lúc lâm chung mẹ vẫn chưa được yên lòng. Mẹ dặn tụi em phải vào đó tìm đưa anh Huy về bằng được. Vậy mà mãi năm 2000, chúng em mới thực hiện được di nguyện ấy.

- Hôm nay là ngày báo tử của cậu ấy và rất nhiều đồng đội. Một ngày hào hùng oanh liệt nhưng cũng đầy đớn đau, mất mát.

- Vâng ạ. Sáng nay, em làm mâm cơm thắp hương cho anh ấy. Con cháu cũng về đông đủ cả. Nhận được cuộc gọi của anh, gia đình em cảm động lắm. Cứ tưởng chẳng ai còn nhớ nữa…

- Quên làm sao được. Ngày này năm ấy vẫn còn hiển hiện nguyên vẹn trong ký ức của tôi. Cậu ấy đã nằm xuống cho chúng ta có ngày hôm nay. Suốt mấy chục năm qua, tôi chưa bao giờ quên, chưa bao giờ ngừng nhớ.

Cuộc chuyện trò kéo dài hồi lâu, thỉnh thoảng tiếng tivi lại vọng vào lời bài hát “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà. Ngay cả khi tắt máy, nằm lim dim trên chõng thì trong đầu ông vẫn vang lên giai điệu tự hào: “Ta đi trong muôn ánh sao vàng rừng cờ tung bay, rộn ràng bao mê say, những bước chân dồn về đây… Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi, một ngày vui giải phóng…”. Hình ảnh về từng người đồng đội chầm chậm trôi qua trong ký ức của ông. Họ mỉm cười, cùng cất vang tiếng hát trong ngày toàn thắng…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trước ngày toàn thắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO