Truyện ngắn: Bên hiên nhà có nắng

25/06/2021 08:45

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Mỗi lần gọi điện thoại về, cha chỉ nói với Thuận mấy câu, cha khỏe, chị em mi không cần phải lo lắng gì xong là cha cúp máy. Cha bảo nói chuyện nhiều tốn tiền điện thoại. Vậy mà lần này, cha nói chuyện với Thuận cả tiếng. Cha bảo, cha mới đón mẹ con chị An về. Chỉ cần nghe giọng cha, Thuận cũng tưởng tượng ra cái dáng cha ngồi bên thềm nhà, lưng hơi còng xuống. Mỗi lần có điều gì phiền lòng, trán cha hay nhíu lại khiến những vết khắc của thời gian thêm hằn sâu trên khuôn mặt sạm đen vì nắng gió. Tiếng thở dài của cha vọng qua tai nghe điện thoại như chất chứa bao nỗi niềm:

- Sao mà con An nó dại, nó chẳng chịu nói với cha sớm hơn. Nếu hàng xóm nhà mình không có việc đi lên trên ấy, biết chuyện về nói lại cho cha thì chắc nó còn định giấu nữa.

Minh họa: Ngọc Tâm

Chắc chị An sợ cha buồn, sợ cha phản đối nên giấu kín chuyện gia đình mình. Có buồn, có khổ, có tủi cũng cắn răng tự mình chịu. Cha là một người nghiêm khắc. Mẹ bị bệnh nặng rồi mất từ ngày Thuận còn ẵm ngửa. Cha mẹ cưới nhau rồi chuyển vào Tây Nguyên theo chính sách kinh tế mới nên họ hàng nội ngoại đều xa. Nhà thiếu bàn tay của người phụ nữ từ lúc ấy nhưng cha đã dạy dỗ chị An trở thành một người con gái đảm đang, hiền dịu, nết na. Hàng xóm xung quanh vẫn bảo nhà nào rước được chị An về làm dâu là có phúc lắm. Mà chẳng riêng gì chị, Thuận là con trai, cha cũng dạy Thuận làm việc nhà ngay từ khi Thuận có thể cầm chắc cái chổi quét nhà. Cha uốn nắn chị em Thuận từ cách nói năng, đi đứng. Cha vừa làm cha, vừa thay mẹ. Cha bảo, mẹ mất rồi, đừng để ai phải chê trách chị em Thuận là những đứa mồ côi không được mẹ dạy dỗ. Ngày chị Thuận lấy chồng, cha cầm tay chị, dặn dò chị sống đúng đạo làm dâu con trong nhà, biết kính trên nhường dưới. “Mình sống thật lòng, làm tròn đạo hiếu, biết trước biết sau, biết nhường nhịn thì nhà chồng sẽ thương như con cái trong nhà, con ạ”. Cha dặn chị xong rồi vội vàng quay mặt đi. Thuận thấy mắt cha loang loáng nước.

Thuận biết, cha nghiêm khắc, khô khan ít nói nhưng tình thương cha dành cho chị em Thuận chẳng bao giờ ít hơn bất cứ người cha, người mẹ nào trên đời này.

Chị An lấy chồng cách nhà gần hai trăm cây số. Cha trồng mấy cây ăn trái xen với rẫy cà phê. Mùa quả chín, cha đóng thùng gửi xe khách cho chị. Đàn gà đẻ được ít trứng, cha cũng gói ghém gửi cho chị và cho Thuận. Cha bảo bây giờ ở chợ không thiếu thứ gì, nhưng trái cây cha trồng, trứng gà cha nuôi là đồ sạch, là đồ nhà mình có thì việc gì phải đi mua. Thuận đi làm, thi thoảng gửi biếu cha mấy đồng uống cà phê, cha cất hết vào cái hộp bảo để dành cho Thuận cưới vợ. Tiền thu hoạch từ mấy sào rẫy trồng cà phê cha cũng cất riêng, bảo sau này lỡ có ốm đau, con cái không phải chạy ngược chạy xuôi lo tiền thuốc thang cho cha. Cha già rồi, ăn uống bao nhiêu, cũng chẳng có ước muốn gì cao sang nữa. Chỉ mong chị An và Thuận được hạnh phúc, bình yên. Nghe cha nói, Thuận cười:

- Cha nói xa xôi làm gì. Bây giờ cha lấy vợ vẫn được nè. Hay cha xem có bà nào thương rủ về ở cùng cho vui, chăm sóc nhau. Mà chị em con cũng an tâm.

Cha mắng anh:

ADQuảng cáo

- Bây giờ mi lại biết lo cho chuyện vợ con của cha mi cơ đấy. Hồi cha mi còn trẻ, đứa nào khóc bắt cha không được lấy vợ mới vì sợ dì ghẻ đuổi đi...

Cha mắng Thuận xong rồi cười. Khuôn mặt cha lúc ấy rạng rỡ, những lo âu cũng như biến mất. Lời mắng của cha làm Thuận nhớ một buổi chiều của nhiều năm về trước, mưa như trút nước, chờ mãi mà cha chưa về. Chị An và Thuận ôm nhau khóc vì tưởng cha bỏ hai chị em đi lấy vợ giống như lời mấy người hàng xóm hay trêu. Đến tối muộn cha mới về, người cha ướt lướt thướt. Cha đạp xe lên tận thị xã bán mấy quả mít, mấy trái sầu riêng cho được giá rồi mua cho hai chị em bộ quần áo mới, dính mưa nên về muộn. Tối ấy, chị An vừa nấc vừa xin cha đừng bỏ hai chị em đi lấy vợ hai. Chị An sợ dì ghẻ như truyện Tấm Cám. Cha dỗ chị em Thuận ngủ rồi thức trắng đêm. Từ hôm ấy, cô Mai ở cách mấy nhà không còn sang chơi nữa. Mấy năm sau thì cô Mai đi lấy chồng. Hôm cô Mai cưới, không thấy cha sang mà chỉ gửi tiền mừng. Hàng xóm đi ăn cưới lấy về cho chị An và Thuận một nắm kẹo nhiều màu sắc. Họ bảo cô Mai lấy một người đàn ông góa vợ ở tận đâu xa lắm. Cha cũng ở vậy nuôi chị em Thuận khôn lớn.

- Cha dặn nó phải sống đúng đạo làm dâu, sống trọn tình chồng vợ, biết nhường nhịn để gia đình được êm ấm. Nhưng cha có bắt nó phải chịu đựng sự hành hạ đâu mà nó cứ lặng thinh. Cả năm về thăm cha được một lần, lần nào nó cũng bảo nó hạnh phúc lắm, cha không phải lo gì cả. Nó sợ bỏ chồng rồi thiên hạ dị nghị, cha phiền lòng. Cha mong nó hạnh phúc chứ đâu phải sống vì miệng lưỡi người đời.

Thuận nghe giọng cha nghèn nghẹn. Người hàng xóm có bà con ở gần nhà chồng chị An, lên chơi mới biết hoàn cảnh của chị. Chồng chị từ lúc vợ sinh đứa con gái thứ hai thì đâm ra đổ đốn rượu chè, cờ bạc. Chị nhẫn nhịn vì thương hai đứa con, sợ vợ chồng bỏ nhau thì con không có cha. Mẹ chồng chị cũng thương chị nên chị nhẫn nhịn mà sống. Nhưng đến khi mẹ chồng chị mất cách đây hơn một năm thì chồng chị càng quá đáng. Anh ta cặp bồ rồi về đánh đập chị. Chị vẫn nín nhịn vì muốn con có gia đình trọn vẹn. Đến lần vừa rồi thì chị không chịu đựng nổi nữa, anh ta đưa cô bồ về nhà, chị bắt gặp, anh ta đánh chị trước mặt con, xô chị ngã, cánh tay bị mảnh kính vỡ rạch vào phải đi khâu mười mấy mũi. Chị nhìn hai đứa con gái ôm nhau khóc lóc, sợ hãi quyết định ôm con ra ngoài thuê phòng trọ ở. Chị không dám nói với cha, sợ cha buồn lại suy nghĩ. Chị lấy chồng xa đã chẳng báo hiếu được cha điều gì, giờ sao nỡ để cha phiền lòng. Cha nghe người hàng xóm kể, ngay trong đêm bắt xe đi đón chị về. Con mình, cháu mình mình thương. Ngày xưa cha nghiêm khắc dạy dỗ hai đứa mà cũng chưa bao giờ nỡ đánh hai đứa đau, lỗi đánh mười roi thì cho khất chín. Vậy mà giờ nó bị chồng hành hạ, đánh đập, cha mẹ nào không xót, không đau. Nhà mình rộng rãi không ở, bắt tội hai đứa cháu chui ra chui vô cái phòng trọ nhỏ xíu, không có chỗ kê cái bàn học để ngồi học cho đàng hoàng. Cũng may tỉnh mình chưa bị dịch Covid - 19, chỗ chị ở cũng yên ổn nên về chỉ cần khai báo y tế và tự cách ly tại nhà. Lại đúng dịp hè nên làm thủ tục chuyển trường cho đứa lớn vừa kịp vào năm học mới. Còn đứa nhỏ sang năm mới đi học mầm non.

- Chờ hết dịch, mi thu xếp về mấy bữa. Con An cứ ngại căn nhà này để sau này cho mi cưới vợ mà mẹ con nó lại về ở. Cha bảo nhà là nhà của chung, mấy sào rẫy sau này cha cũng chia đôi cho hai đứa. Thằng Thuận ưng thì ở nhà này, không ưng thì cất nhà mới ở. Chị em với nhau, lọt sàng xuống nia chứ có đi đâu mà sợ.

Thuận nghe tiếng gió bên hiên nhà vọng qua điện thoại. Nghe tiếng hai đứa cháu con chị An đùa nhau trên mảnh sân nhỏ trước nhà. Thuận như thấy cả mảnh vườn của cha xào xạc trong nắng. Chờ hết dịch Thuận sẽ về, nằm đưa võng bên hiên nhà, nhìn khoảng trời cao nguyên xanh ngắt, xem lại mái tôn, sửa lại cái bếp cho cha. Cha đã cúp máy rồi mà anh thấy những lời cha nói cứ ngân mãi:

- Nhà là nhà của chung. Dù mấy đứa có đi đâu, làm gì, lúc nào khó khăn quá cứ về nhà. Cha lúc nào cũng chờ, có gì còn có cha ở đây mà…

Tự nhiên, Thuận thèm trở về, vòng tay ôm cha, ôm chị An như hồi thơ bé. Có lớn bao nhiêu và đi bao xa, cũng chẳng đâu bằng mái nhà của cha. Bên hiên nhà lúc này chắc đang có nắng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Bên hiên nhà có nắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO