Truyện ngắn: Cùng đi bầu cử

21/05/2021 09:05

Tác giả: Thùy Dương

ADQuảng cáo

Mấy đợt cán bộ xã vào thôn người Mông để tuyên truyền bầu cử nhưng bà con đi rẫy vắng nhà nên khó gặp. Sắp đến ngày bầu cử, tranh thủ cuối tuần, Minh cùng Nam và một số anh em trong ban bầu cử xã vào thôn của người Mông một lần nữa.

Ảnh tư liệu

Sau khi vượt quãng đường ngoằn ngoèo, bụi mù đất đỏ, con xe wave Alpha màu đỏ chót cũng đưa Minh vào được tới thôn. Hôm nay có chợ phiên, mới tới đầu thôn đã thấy những đứa trẻ xúng xính váy mới chờ mẹ cho xuống chợ. Đám trẻ con ánh mắt to tròn ngây thơ nhìn chiếc xe máy chở loa di động phát bản thu âm về tuyên truyền bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Chúng cười ngặt nghẽo, hò nhau chạy theo sau. Trên bờ rào, những chiếc váy màu sắc sặc sỡ xòe rộng nối tiếp nhau như đàn bướm nhiều màu sắc bay dập dờn dưới ánh nắng vàng ong tháng Năm. Nơi này có khoảng 40 hộ sinh sống, là thôn tự phát do bà con người Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Vài năm nay, Minh thường cùng với đoàn cán bộ của xã vào thôn vận động bà con không phá rừng làm rẫy, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, bỏ tình trạng tảo hôn. Một số người cũng đã khá quen mặt. Bà Tráng Thị La đang phơi quần áo ngoài hàng rào, nhìn thấy Minh thì cất giọng lơ lớ hỏi.

- Chú Minh, hôm nay xuống với bà con có việc gì không?

- Chào chị La, chị khỏe không ạ!. Hôm nay, em xuống đây thông báo cho bà con mình ngày Chủ nhật 23/5 là ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Hôm đó, chị và cả nhà tạm gác việc gia đình đi bỏ phiếu nhé, Minh đáp lại.

- Ôi dào, bầu với chả cử, nhà tôi còn đang lo ăn từng ngày, thời gian đâu. Nói xong, bà La vừa rũ mạnh chiếc váy, vừa hằm hằm mặt nói vọng vào bên trong: Ông Pao ơi, ông Pao, ông thức dậy cho tôi, dậy đi để tôi còn xuống chợ. Sáng bảnh mắt còn chưa dậy, suốt ngày say xỉn thôi.

- Tôi dậy rồi đây, có gì mà sáng sớm đã chanh chua vậy bà La. Ông Pao bước ra, mắt nhắm mắt mở, vừa ngáp ngủ, vừa thủng thẳng hỏi.

- Gớm, mặt trời đã đứng bóng rồi mà còn sớm với sủa. Chú Minh xuống bảo đi bầu cử.

- Cái gì, bà mang bầu nữa hả, ông Pao thảng thốt.

- Ông đã tỉnh ngủ hẳn chưa đấy. Nhà 3 đứa con rồi, còn bầu, bầu cái gì. Chú Minh bảo ngày 23/5, ngày Chủ nhật đi bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND.

- Ông Pao cười cợt nhã nhìn bà La rồi quay sang hỏi Minh, đi bầu cử thế nào vậy chú?

Minh đưa tờ rơi soạn thảo đầy đủ nội dung về bầu cử có 3 thứ tiếng Việt, M’nông và Mông cho ông Pao xem. Đảo qua một lượt, ông Pao đọc phần chữ Mông rồi ngẩng mặt lên nói với Minh:

- Nhà tôi còn bận lên rẫy. Thôi để hôm đó, tôi cử thằng A Tráng nó đi bỏ phiếu cho cả nhà.

- Ấy chết, anh Pao này, luật quy định không được bầu cử thay cho người khác đâu ạ. Việc đi bỏ phiếu là quyền lợi và cũng là nghĩa vụ của mọi công dân Việt Nam, không phân biệt trai, gái, dân tộc, tôn giáo, mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên đều có quyền đi bầu cử. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND qui định: Cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay. Trường hợp cử tri không tự viết được thì được nhờ người khác viết thay nhưng phải tự tay bỏ phiếu vào hòm phiếu. Minh vội vàng giải thích.

- Vậy à, vậy để tôi xem, sắp xếp nhưng tôi sợ...?. Ông Pao định nói thêm thì có tiếng thằng con A Tráng vừa đi đâu về chen vào.

- Không đi đâu cả, hôm đó ở nhà hết cho con. Không bỏ phiếu, bỏ phiệc gì cả. Mặt A Tráng có vẻ nghiêm túc.

- A Tráng à, ngày bầu cử là ngày hội của toàn dân. Cháu là công dân đủ 18 tuổi trở lên rồi, phải thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi của cháu chứ? Minh nhẹ nhàng động viên.

- Cháu không thích, cháu sẽ bảo mọi người trong thôn không phải đi làm gì cả, ở nhà lên rẫy, xuống suối bắt con cá, lo mà đi chợ phiên kiếm cái ăn thôi.

- A Tráng à… Minh định nói tiếp thì A Tráng quay mặt vùng vằng bỏ đi.

Minh quay sang nói với vợ chồng ông Pao:

- Em không biết A Tráng đang buồn bực chuyện gì, nhưng bầu cử là ngày hội của toàn dân, ngày 23/5, anh chị nhớ cùng đi bầu cử và vận động A Tráng đi bầu cử nhé anh Pao.

Minh lòng nặng trĩu bước đi. Trời nắng nóng, bỏng rát khuôn mặt. Trên lưng áo đã thấm đẫm mồ hôi nhưng Minh cùng vài anh em nữa vẫn kiên trì đi bộ đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà, vừa phát tời rơi vừa giải thích các nội dung liên quan đến bầu cử. Cả ngày đi đường xa, Minh thấm mệt. Về đến nhà tắm rửa, cơm nước xong là lăn ra giường ngủ…

Điện thoại Minh bỗng reo vang liên hồi. Vừa ngáp ngắn, ngáp dài, Minh với lấy chiếc điện thoại, là số của Nam. Nhấn nút nghe, đầu dây bên kia, giọng của Nam hớt hải:

ADQuảng cáo

- Anh Minh ơi, tờ ghi tiểu sử 2 người ứng cử HĐND xã niêm yết ở bảng thông báo bị mất.

- Sao thế, mình làm rất cẩn thận mà. Hay gió bay mất rồi, đêm qua cũng có gió lớn, Minh thắc mắc.

- Không anh ơi, có người lấy. Em nhặt được ở thùng rác. Hôm trước em kiểm tra, cũng 2 người này, có vết bút gạch xóa. Hôm nay thì không thấy luôn anh ạ?

- Ờ, cậu cứ bình tĩnh, tý ta bàn tiếp.

Minh tắt máy, một cảm giác khó chịu dâng lên. Lâu nay, vì lo những việc hậu cần cho ngày bầu cử, khối lượng công việc nhiều nên Minh có phần mất ngủ. Đêm qua ngủ yên được một chút thì sáng nay lại bị gọi nên không trách Minh có chút bực dọc. Nam nói như vậy hẳn phải có lý do? Minh liếc nhìn đồng hồ, thế mà đã 8 giờ sáng. Anh bật dậy, mặc quần áo đi đến chỗ niêm yết danh sách. Thấy Minh, Nam chìa 2 tờ giấy A4 có ghi tiểu sử tóm tắt của chị Nga, chủ tịch hội phụ nữ xã và chị Thắm, hiệu trưởng trường THCS A.

- Hôm trước em định báo cáo với anh nhưng nghĩ chắc ai xem rồi vô tình gạch nhầm vào. Hôm nay lại mất đúng tiểu sử của 2 người này, em thấy lạ. Có khi nào ai đó chủ ý không anh?.

- Ừ, cũng hơi lạ. Thôi, anh em mình tranh thủ dán lại coi như không có chuyện gì xảy ra rồi mình mật phục xem thế nào. Minh bàn bạc với Nam.

Đã tới gần ngày bầu cử, người dân đến đọc tìm hiểu về người ứng cử ngày càng đông. Minh và Nam bàn nhau ngồi ở quán nước đối diện, quan sát xem thế nào. Ngồi cả ngày cũng không thấy có gì lạ. Chập tối, đến giờ ăn cơm, Nam tính rủ Minh về thì thấy A Tráng đi vào khu vực bảng niêm yết. Nam cười cười nói:

- Anh Minh, A Tráng kìa. Hôm qua vào thôn, cậu ấy nhất quyết không đi vậy mà hôm nay cũng đến đây đọc tiểu sử người ứng cử.

Ánh mắt Minh sáng lên một chút:

- Ừ, tốt rồi. Vậy mà tôi còn đang nghĩ sẽ phải vào thôn một chuyến nữa đấy. Đi, tôi với cậu vào động viên A Tráng chút nữa.

A Tráng tiến vào bảng niêm yết, mắt quan sát xung quanh, không thấy có ai. A Tráng thấy tiểu sử của chị Nga và chị Thắm ngay đầu chỗ niêm yết người ứng cử HĐND xã thì giơ tay định xé. Minh và Nam vội vàng chạy đến túm vai A Tráng. A Tráng không ngờ mình bị bắt ngay tại trận, nét mặt hốt hoảng cúi xuống.

- Là cháu sao? Sao cháu lại làm vậy, cháu có biết như vậy là phạm pháp không? Cháu không nói lí do, chú sẽ đem cháu lên công an đấy. Minh lớn tiếng dọa.

Nghe Minh bảo đem mình lên nộp cho công an thì A Tráng có vẻ sợ, giọng run rẩy:

- Cháu xin lỗi, chú đừng nộp cháu lên công an. Chỉ tại cháu không thích những người ứng cử kia?

- Sao cháu lại không thích?

- Vì những người này mà cháu chưa lấy được vợ. Cháu muốn cưới Mỵ làm vợ nhưng họ đã cản trở.

Nghe vậy, Minh chợt nhớ cách đây 4 năm, anh theo đoàn cán bộ xã xuống thôn tuyên truyền vận động gia đình ông Pao không cho con cái nghỉ học kết hôn khi chưa đủ tuổi. Ngày đó A Tráng mới 14 tuổi. Gia đình khó khăn, lại là anh cả trong nhà, nên học hết lớp 8, A Tráng phải nghỉ học đi làm phụ bố mẹ nuôi các em ăn học. Cô gái mà A Tráng muốn cưới mới học lớp 7, cũng mới 13 tuổi. Mặc dù rất quý A Tráng nhưng cô gái còn muốn đi học, muốn thực hiện ước mơ làm cô giáo nên đã nhờ ban giám hiệu của trường và cán bộ xã xuống vận động bố mẹ hai bên không cho kết hôn sớm. Chị Nga, chủ tịch hội phụ nữ xã và chị Thắm, hiệu trưởng trường THCS A năm đó là người trực tiếp xuống thôn vận động bố mẹ A Tráng và bố mẹ Mỵ.

Minh chậm rãi nói: À, thì ra là vì chuyện đó. Chú nhớ rồi, ngày ấy các cháu chưa đủ tuổi kết hôn, đang còn quá trẻ. Mọi người là muốn tốt cho các cháu, không muốn các cháu tảo hôn rồi vi phạm pháp luật. Chú nhớ Mỵ nói là muốn có việc làm ổn định, không muốn vất vả di cư như đời của bố mẹ các cháu. Mỵ còn hứa học hành xong, xin về điểm trường gần nhà dạy sẽ cưới cháu. Nhưng với điều kiện cháu phải chăm chỉ làm ăn, lo cho các em ăn học đàng hoàng, là người tốt thì mới cưới mà. Giờ cháu làm ra việc thế này thì có phải người tốt không? Chú sẽ nói với Mỵ việc này để Mỵ phán xử nhé.

Nghe Minh nói đến Mỵ, A Tráng quýnh lên:

- Cháu xin lỗi chú, chú đừng nói với Mỵ nhé. Là cháu không tốt, cháu sai rồi. Cháu sẽ không làm thế này nữa. Cháu sẽ về vận động bố mẹ, mọi người trong thôn hôm đó đi bầu cử. Coi như là cháu lấy công chuộc tội ạ.

- Biết sai là tốt, cháu cũng học hết lớp 8, biết cái chữ rồi. Tờ rơi, phiếu cử tri chú đã phát cho từng nhà, cháu xem nội dung rồi giải thích cho mọi người hiểu, vận động mọi người đi bầu cử đúng thời gian. Chú chờ tin cháu. Minh nhìn thẳng vào mắt A Tráng nói rõ từng lời, rồi cho cậu ta đi.

Ngày bầu cử đã đến, khu vực bỏ phiếu rộn rã, nổi bật với những băng rôn khẩu hiệu, lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió sớm. Bầu trời trong xanh, ánh nắng vàng như mật rọi qua từng kẽ lá chiếu xuống bước chân đoàn người đang nối đuôi nhau từ từ tiến vào hội trường. Minh thấy A Tráng cười rạng rỡ, đứng trước cổng hướng dẫn từng người trong thôn mình đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn đi vào điểm bỏ phiếu. Các anh, các chị phụ nữ Mông tíu tít với những bộ áo, váy màu sắc rực rỡ gắn những đồng bạc sáng loáng phát ra tiếng leng keng. Khuôn mặt ai cũng hân hoan bước vào ngày hội.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Cùng đi bầu cử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO