Truyện ngắn: Màu ước mơ

18/06/2021 07:51

Tác giả: Đào Thu Hà

ADQuảng cáo

Dụng cụ vẽ của Oanh, ba mẹ đã thu dọn, cất vào kho từ đầu năm học. Ba mẹ đã cho phép Oanh được tự do vẽ vời, tham gia các cuộc thi vẽ tranh suốt từ những năm tiểu học đến giờ. Năm nay, cuối cấp cần phải tập trung để thi đỗ trường cấp ba trọng điểm. Ngay cả ngành học đại học sau khi tốt nghiệp cấp ba, ba mẹ Oanh cũng đã định hướng sẵn rồi.

Minh họa: Ngọc Tâm

Đã nhiều lần, Oanh nói với ba mẹ về ước mơ của mình nhưng lần nào ba mẹ Oanh cũng cho rằng đó là suy nghĩ viển vông của một đứa con nít. Trong mắt ba mẹ, Oanh vẫn còn là một đứa trẻ con “ăn chưa no lo chưa tới”. Việc của Oanh là học thật giỏi, đi theo con đường mà ba mẹ đã định sẵn. Oanh không thể cãi lời ba mẹ. Oanh không muốn làm ba mẹ buồn. Ngày trước còn nhỏ, gia đình khó khăn, để nuôi hai anh em Oanh, ba mẹ đã rất vất vả. Oanh nhớ, khi mình học lớp một, mẹ vì làm việc đến kiệt sức mà ngất xỉu. Dẫu vậy, ba mẹ chưa từng để cho anh em Oanh phải thiếu thốn gì. Nhà có hai anh em, anh Hưng đã học y theo đúng nguyện vọng của ba mẹ. Nhưng đấy cũng là ngành mà anh Hưng thích từ hồi còn nhỏ. Anh Hưng bảo từ cái lần mẹ bị ngất xỉu, anh còn nhỏ sợ quá chỉ biết đứng khóc, anh đã quyết tâm sau này lớn lên học ngành y.

Còn Oanh, Oanh thương ba mẹ rất nhiều nhưng Oanh cũng có mơ ước của mình là được trở thành một họa sỹ. Ước mơ ấy được nhen nhóm từ những câu chuyện kể của bà nội. Ngày còn bé, mỗi lần thấy Oanh ngồi nguệch ngoạc vẽ xuống đất, nội lại cầm xấp giấy đã ố vàng mà nội cất giữ cẩn thận suốt bao năm cho Oanh xem. Đấy là những bức ký họa bằng bút chì của ông nội ngày xưa. Nội kể, ông vẽ đẹp lắm. Ông đã từng có mơ ước đi khắp miền đất nước để vẽ lại những cảnh đẹp của nước mình. Nhất là được vẽ lại phong cảnh thơ mộng của núi rừng Tây Nguyên. Nhưng chiến tranh, ông nội đã xếp mơ ước của mình để đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày theo đoàn quân tiến về giải phóng Sài Gòn, ông không may bị thương ngay tại cửa ngõ Sài Gòn, phải cưa cả hai chân. Ước mơ được đi dọc miền đất nước chẳng thể nào thực hiện được nữa. Bà nội thương ông lắm. Mỗi lần kể đến đây nội lại đưa tay lau nước mắt. Muốn ông thực hiện được một phần mong muốn của mình, bà chọn Tây Nguyên làm nơi sinh sống. Bà cóp nhặt mua được mảnh đất có địa hình cao, quan sát được toàn cảnh. Hàng ngày, bà bươn chải kiếm sống. Còn ông, ông thường ngồi trên ngọn đồi, ngắm cảnh bình minh hoặc hoàng hôn xuống. Tranh của ông được cảm nhận theo mùa, theo thời gian. Khi là những bông hoa cà phê trắng muốt tinh khôi, trải dài trên triền dốc. Khi là bức tranh nông dân phấn khởi hăng say lao động, thu hái cà phê mỗi độ mùa về… Không giá vẽ, không màu vẽ, tranh của ông nội chỉ đơn giản là những nét chì đen trên những tờ giấy A4 đã cũ mà vẫn sinh động và cuốn hút. Thầy dạy vẽ của Oanh từng nói, khi người họa sỹ đặt hết tâm hồn của mình vào bức tranh thì sẽ khiến bức tranh ấy sống động, có hồn. Chắc hẳn khi vẽ về nơi mình yêu, ông nội đã đặt hết tình cảm của mình vào đó. Những vết thương hành hạ nên ông nội mất sớm, những bức vẽ ông để lại không nhiều. Chúng trở thành tài sản vô giá của bà nội, nhen nhóm ước mơ trở thành họa sỹ của Oanh. Oanh muốn tiếp bước những điều ông nội còn đang ấp ủ, muốn vẽ về nơi Oanh đã sinh ra và lớn lên, vẽ về những điều giản dị mà thân thương ở nơi này cho mọi người cùng biết.

Nhiều lúc, Oanh thấy “ghen tị” với Nga, cô bạn mà Oanh biết trong một lần được ra Hà Nội dự lễ trao giải cuộc thi vẽ tranh do hội đồng đội tổ chức. Năm ấy, Oanh được giải nhất còn Nga được giải nhì. Hai đứa cùng tuổi, chung sở thích nên nhanh chóng kết thân. Những cánh thư học trò cứ nối dài thêm tình bạn. Đầu năm học này, cả hai đều được bố mẹ mua cho một chiếc điện thoại để tiện liên lạc, đưa đón nên chuyển qua nhắn tin. Nga bảo, Nga đã vẽ xong rồi. Nếu Oanh không nhanh thì sẽ không kịp.

Oanh vẫn không dám xin phép ba mẹ. Ba mẹ muốn Oanh học tập thật tốt để sau này có công việc ổn định. Mẹ bảo ngày xưa vì hoàn cảnh khó khăn mà không được học hành đàng hoàng, ba mẹ cố gắng làm lụng cũng là để cho hai anh em Oanh ăn học thành tài. Oanh lén xuống nhà kho, lấy đồ vẽ giấu lên phòng. Tranh thủ những lúc học bài xong và lúc sáng sớm, Oanh vẽ từng chút một. Chỉ còn hơn hai tuần nữa sẽ có một chương trình từ thiện do các anh chị bên đoàn thanh niên tổ chức để quyên góp tiền xây lại phòng học cho các bạn học sinh vùng khó khăn. Oanh, Nga và nhóm bạn cùng đạt giải cuộc thi vẽ cách đây hai năm đã thống nhất mỗi người sẽ vẽ một bức tranh mang đến tặng chương trình bán đấu giá. Oanh vẽ bức tranh về Tây Nguyên với mái nhà dài, những cô gái, chàng trai mặc trang phục thổ cẩm và say sưa cùng vũ điệu cồng chiêng… Nhìn vào bức tranh khiến người xem chưa từng biết đến Tây Nguyên vẫn có thể cảm nhận được nét văn hóa nơi này. Nơi Oanh sinh ra và lớn lên thật đẹp. Mỗi một mảng màu, một nét vẽ, Oanh đều dồn hết cả tâm trí vào đấy. Khi được cầm cọ vẽ, Oanh thấy trong lòng mình tràn ngập niềm vui và hạnh phúc.
Bức tranh được hoàn thiện dần từng chút một. Buổi sáng trước khi đi học, mẹ hỏi:

- Dạo này mẹ thấy con tắt đèn muộn mà sáng lại dậy sớm. Bài vở nhiều quá hả con?

Oanh đỏ mặt, ấp úng: - Dạ…

Mẹ dặn dò: - Năm nay cuối cấp, con phải chịu khó học hành nhưng cũng phải để ý sức khỏe. Thôi, con đi học đi không lại muộn giờ.

Oanh chào mẹ đi học mà trong lòng thấy có lỗi quá. Chưa bao giờ Oanh nói dối mẹ. Nhưng lần này…

Nga thường nhắn tin hỏi Oanh đã vẽ xong chưa, háo hức bảo không biết bức tranh của mình bán đi sẽ mua được bao nhiêu bộ sách, bao nhiêu cuốn vở. Rồi Nga lại ước giá như mình đã trở thành họa sỹ nổi tiếng để tranh của mình bán được nhiều tiền hơn. Những lời nói của Nga khiến Oanh cũng háo hức lây. Bức tranh hoàn thành vào trước ngày diễn ra chương trình đúng một ngày, lại ngay dịp cuối tuần. Chờ mẹ đã đi chợ, bố đi công chyện, anh Hưng thì đi thực tập ở bệnh viện, Oanh bọc cẩn thận rồi mang bức tranh đi gửi ban tổ chức cùng niềm hi vọng. Hi vọng sẽ có người thích bức tranh của Oanh mà mua nó. Trong những bộ sách giáo khoa tặng trường học, trong những cuốn vở, cây bút và có khi trong những viên gạch mới để xây trường, biết đâu có phần đóng góp từ bức tranh mà Oanh vẽ. Oanh lấy điện thoại, nhắn tin cho Nga: “Tớ đã nộp về ban tổ chức rồi. Tranh cậu gửi theo đường bưu điện cũng tới nơi rồi nhé”.

Niềm hạnh phúc lâng lâng theo Oanh về đến cửa nhà. Bước đến cửa phòng mình, Oanh khựng lại. Mẹ đang ngồi bên bàn học. Lúc đi vội quá, Oanh chưa kịp cất cọ vẽ và màu vẽ. Thấy Oanh, mẹ nghiêm khắc:

- Con hãy giải thích cho mẹ nghe những cây cọ vẽ và bút màu này là như thế nào. Những ngày vừa rồi, con thức khuya, dậy sớm là để vẽ tranh đúng không?

Oanh cúi đầu lí nhí: - Con xin lỗi mẹ. Nhưng con vẽ tranh là có lý do.

- Mẹ không cần biết lý do của con là gì. Con đã nói dối và không nghiêm chỉnh học hành. Ngay bây giờ mẹ sẽ vứt hết những dụng cụ vẽ này của con.

Oanh cuống quýt: - Mẹ...

- Mẹ không muốn nghe thêm gì nữa. Từ giờ con sẽ không được phép vẽ vời gì nữa hết.

ADQuảng cáo

Oanh bật khóc:

- Tại sao lúc nào mẹ cũng ép buộc con phải như thế này, như thế kia. Có bao giờ, ba mẹ hỏi xem con thích vẽ như thế nào, ước mơ của con là gì không? Con vẫn luôn cố gắng học tập để ba mẹ vui lòng nhưng sao ba mẹ không bao giờ cho phép con được vẽ theo mong muốn của mình?

Oanh chạy ra khỏi nhà. Cái nắng gay gắt ban trưa tháng 6 bỏng rát nhưng Oanh không để ý. Oanh chạy lại thác nước, thu mình ngồi trên tảng đá. Tiếng nấc tủi thân cứ thế tấm tức trong lồng ngực.

Đến chiều tối thì anh Hưng tìm thấy Oanh. Anh Hưng vừa an ủi Oanh, vừa trách Oanh trẻ con, có gì cũng phải từ từ nói, không thể chạy đi như vậy. Oanh làm cả nhà lo lắng có biết không? Vừa mệt, vừa đói nên Oanh chẳng thể trả lời anh. Đêm, Oanh lên cơn sốt. Oanh thấy mình lúc nóng, lúc lạnh, miệng muốn cất tiếng gọi mà chẳng thể cất nên lời. Oanh chìm vào giấc mê man.

Tỉnh dậy Oanh đã thấy mình trong bệnh viện. Ba mẹ ngồi cạnh giường, đôi mắt hai người trũng xuống, lộ rõ vẻ mệt mỏi. Thấy Oanh tỉnh lại, mẹ mừng rỡ:

- Con tỉnh rồi hả. Con có thấy khó chịu ở đâu không?

Cổ họng Oanh khô khốc, Oanh lí nhí:

- Con xin lỗi ạ. Con...

Bố rót một ly nước ấm cho Oanh:

- Con uống nước đi. Con sốt mê man cả hai ngày rồi. Con mê sảng vừa khóc vừa nói làm ba mẹ lo quá. Con tỉnh dậy là tốt rồi.

Mẹ cầm tay Oanh:

- Mẹ cũng xin lỗi vì đã trách con. Hôm qua, các anh chị bên đoàn thanh niên tới nhà gửi thư cảm ơn bức tranh của con. Bức tranh đã được một chị sinh viên chuẩn bị đi du học ở nước ngoài mua. Nếu mẹ biết con vẽ tranh để quyên góp quỹ giúp các bạn học sinh vùng khó khăn, mẹ sẽ không cấm con.

- Con rất thích vẽ mẹ ạ. Con còn muốn vẽ thật nhiều bức tranh nữa.

Mẹ mỉm cười:

- Ừ. Ba mẹ sẽ không cấm con nữa. Nhưng con vẫn phải chú ý việc học tập. Muốn thành một họa sỹ giỏi, truyền đạt được những điều con muốn thì con cũng phải học cho thật tốt đã nghe chưa.

Anh Hưng bước vào từ lúc nào, giọng anh đầy vui vẻ:

- Mẹ ơi, con thấy em muốn trở thành họa sỹ thì trước tiên phải ăn cho khỏe đã. Nào, em gái, cháo vừa thơm vừa ngon đến đây.

Cả nhà cùng cất tiếng cười giòn tan. Oanh thấy trong mắt ba mẹ có những tia nắng lấp lánh.

ADQuảng cáo
(4) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Màu ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO