Bông hoa rừng

12/01/2018 09:29

Truyện ngắn của Bích Ngân

ADQuảng cáo

“Hôm qua em tới trường. Mẹ dắt tay từng bước ớ…ơ…”. Giọng con bé Thảo lảnh lót, vừa hát vừa cầm trên tay tờ giấy mới vẽ xong chạy về phía Thi. Thi đang ngồi soạn bài liền dừng lại nhìn con, cười âu yếm:

- Để xem con gái mẹ vẽ gì nào?

- Con vẽ bức tranh mẹ dẫn con tới trường học cùng các anh chị. Mẹ nhìn này, con cầm tay mẹ thật chặt. Hai mẹ con mình đi giữa hàng cây xanh mướt. Có hoa trạng nguyên đỏ chót, có dã quỳ cuối mùa vàng rực, có cả cải trắng nữa này mẹ. À… cả chú chim sâu đang hót trên cành cây nữa! Bé Thảo hào hứng thuyết minh về bức tranh mình vừa vẽ. Thấy mẹ gật gù, tủm tỉm cười, được thể, nó càng hăng say. Mới lên 5 tuổi nhưng Thảo đã rất dạn dĩ và vẽ rất đẹp. Có vẻ như nó thừa hưởng năng khiếu của Thi, bởi ngày xưa bằng tuổi con gái bây giờ, Thi cũng rất thích vẽ. Niềm đam mê ấy giúp Thi cháy hết mình, để rồi sau mấy năm học đại học dưới thành phố, giờ Thi đã là cô giáo dạy mĩ thuật có thâm niên hơn 5 năm trong nghề ở miền núi quê hương cô.

Thi vòng tay ôm lấy con gái thật chặt. Niềm hạnh phúc khiến khóe mắt cô cứ thế cay xè. Ở nơi rừng rú hoang vắng, nơi nghèo nàn, khó khăn này, trong ngôi nhà tập thể tạm bợ của trường, gắn bó với học trò miền núi và có cô con gái nhỏ ở bên, Thi xem đó là niềm an ủi, niềm hạnh phúc của đời mình. Nhất là bé Thảo, một phần cuộc sống của Thi. Hạnh phúc giản đơn với Thi chỉ là được nhìn thấy con khỏe mạnh lớn khôn từng ngày.

Minh họa: Ngọc Tâm

Còn nhớ, hồi Thi đang học đại học năm cuối thì được tin ba mất. Căn bệnh hiểm nghèo đã khiến ba Thi sống dật dờ gần cả chục năm trời. Nhưng dẫu hoàn cảnh khó khăn, dẫu mẹ Thi phải xoay xở đủ nghề, đủ việc thì gia đình vẫn quyết tâm cho Thi được đi học. Tốt nghiệp đại học, Thi không ở lại thành phố mà quyết định về lại quê nhà nộp hồ sơ xin việc để được ở gần mẹ. Rồi may mắn đến với Thi khi ước mơ của cô đã trở thành hiện thực.

Trường Thi dạy nằm giữa lưng chừng ngọn đồi. Ngày đầu tiên đi nhận việc, Thi mới biết con đường tới trường xa xôi, trắc trở đến nhường nào. Vượt cả trăm cây số đường rừng, hết con dốc này đến con dốc khác, phải mất cả mấy tiếng đồng hồ, Thi mới tới được nơi. Nhìn ngôi trường lụp sụp được lợp tạm bằng những tấm ván gỗ tạp, bàn ghế xộc xệch xiêu vẹo; nhìn đôi ba đứa học trò mặt mũi lem luốc, đen nhẻm, đầu tóc rối bù, vàng khẹt với đôi chân trần, quần áo mỏng manh, rách rưới và những cặp mắt ngơ ngác… trong đầu Thi ánh lên đôi phút nản lòng. Nhưng rồi… bao ý nghĩ cùng lúc vụt lên trong đầu Thi. Thi được ba mẹ nuôi cho ăn học là để sau này ra trường đem kiến thức mình học được dạy lại cho các em. Vì rằng thời buổi này, có được việc làm là đáng quý. Thi cũng muốn giúp mẹ bớt khổ. Phần nữa là cô hiểu được ước mơ cháy bỏng của những đứa trẻ quê nghèo nơi miền núi xa xôi này, chúng cũng cần được học như bao đứa trẻ khác… Nghĩ vậy, rồi Thi tự dặn lòng mình phải cố gắng.

Học trò đứa nào cũng thích nhìn Thi. Chúng ngạc nhiên và vui vẻ thì thầm với nhau, chưa bao giờ được nhìn thấy một cô giáo nào đẹp đến thế. Cô có dáng người cao ráo, khuôn mặt tròn trịa, làn da trắng hồng và mái tóc dài xõa ngang lưng. Cô không chỉ vẽ đẹp, cô còn hát rất hay. Giọng cô ấm lắm. Chúng cứ muốn nghe mãi. Cứ muốn nhìn mãi. Thằng bé Hà khá lém lỉnh, chỉ vì muốn được nghe giọng cô nên kiếm cớ hỏi đủ thứ trên trời dưới đất. Cả lớp học chỉ vỏn vẹn có 6 em tuổi từ 8 đến 10, vậy mà rôm rả, rộn vang hơn cả tiếng chim rừng sớm mai. Mỗi khi được cô Thi cười đáp lại, đứa nào cũng bẽn lẽn nhưng kì thực trong lòng thì thích thú và cảm thấy như nhận được ơn huệ.

Học trò quý Thi lắm. Lớp có mấy đứa, vậy mà đứa nào cũng tranh nhau gọi Thi là mẹ. Cứ một hai gọi  “Mẹ Thi”. Có hôm chúng đem tặng Thi bó hoa rừng hái dọc đường núi trên đường tới trường. Hôm thì chúng đem biếu cô mớ rau rừng, cái măng, quả bí,… Rồi Thi rất ấn tượng với những bức tranh các em tự vẽ. Đó là những gì gần gũi quanh chúng. Nào hoa lá, cỏ cây, muông thú, đồ vật, rồi người thân,… Tuy còn vụng về thế nhưng rất thật. Đặc biệt là khi vẽ Thi, mỗi đứa dành cho cô giáo của chúng những điểm nhấn khác nhau. Đứa là đôi mắt, đứa là nụ cười, mái tóc,… 5 năm dạy nơi trường bản, điều Thi cảm thấy ý nghĩa nhất ấy là được cùng các em thỏa sức ước mơ trong những bức tranh. Là được sẻ chia, đồng cảm với những số phận nghèo nhưng khát chữ, khát những điều mới mẻ, tốt đẹp. Chính những điều đó đã truyền lửa cho Thi có thêm động lực để gắn bó với nơi này. 

Mấy hôm trước, được nghỉ tết dương lịch, Thi xin về thăm mẹ mấy ngày. Mấy cô cậu học trò lại đứng xếp hàng nơi đầu núi. Chúng dặn dò, hứa hẹn và cả lo lắng nữa. Bé Thảo vui vẻ cười với mấy anh chị học trò của mẹ:

ADQuảng cáo

- Về nhà, em sẽ đem thật nhiều quà lên! Thằng bé Hà thì vẫn thế:

- Nhớ đem bút màu, giấy vẽ nữa! Hết đứa này đến đứa kia thay nhau dặn. Rồi cả bọn lại nhao nhao lên:

- Mẹ Thi về rồi lại lên với chúng con nghe mẹ! Chúng con sẽ đợi! Thi nghe mà xúc động. Cô đưa tay xoa đầu từng đứa rồi nhẹ nhàng:

- Rồi… mẹ sẽ lên!

Từ ngày Thi đi dạy trường xa, đành rằng là nhớ con, thương cháu, thế nhưng bà Phượng, mẹ Thi vẫn vui vẻ khích lệ để con yên tâm với công việc. Mấy lần lên thăm nơi con dạy, chứng kiến cuộc sống của những đứa trẻ nghèo, bà không khỏi xót xa, động lòng. Từ đó, cứ mỗi lần Thi về thăm nhà, thể nào khi con trở lại trường, bà cũng vui vẻ chuẩn bị quà cho lũ nhỏ. Chỉ có một điều, ấy là bà cảm thấy lo cho tương lai của con gái. Liệu rồi cuộc sống của mẹ con Thi cứ mãi thế hay sẽ tốt đẹp hơn? Nghĩ đến đó, bao nhiêu nỗi buồn về cuộc hôn nhân dang dở của Thi lại hiện về khiến tim bà đau nhói.

Thi quen Trường từ hồi cuối cấp ba. Tình yêu giữa hai người đã sớm nảy sinh và được giữ gìn suốt bốn năm đại học. Mấy tháng sau khi ra trường xin được việc, đám cưới đơn giản mà đầm ấm đã được hai bên gia đình tổ chức cho đôi trẻ. Nhưng rồi hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Ngày Thi sinh bé Thảo cũng là ngày Trường gặp nạn. Trường mất mà không kịp nhìn mặt con. Kể từ đó, Thi buồn bã nhưng rồi lấy con làm niềm vui, lấy công việc để xoa dịu đi sự mất mát lớn lao của bản thân. Cô làm mẹ đơn thân đã năm năm nay. Thương cảnh con gái bất hạnh, có lần, bà Phượng đã khuyên con nên đi bước nữa để có nơi nương tựa, có người đỡ đần chuyện con cái, thế nhưng Thi chỉ cười. Chuyện đã qua lâu rồi nhưng không hiểu sao hình ảnh Trường vẫn in đậm trong trái tim Thi. Thi khó có thể mở lòng với người khác. Thi bảo thế. Đơn thân đơn chiếc nuôi con, giờ bé Thảo cũng hơn 5 tuổi, Thi xem đó là điểm tựa bình an chứ chẳng ước mong gì cao xa. Có chăng, ước mong cháy bỏng của cô là san sẻ bớt cái khó, cái khổ; là giúp cho các em học trò của mình có thêm nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống.

Những ngày cuối đông trên bản làng heo hút. Gió rít từng cơn lạnh lẽo thấm vào da thịt giá buốt. Mưa rừng lâm thâm. Từ xa, ngôi trường Thi dạy đã hiện ra trước mặt. Vẫn ở đầu con dốc là bóng dáng của những đứa trẻ đang đứng đợi. Thấy mẹ con Thi đến gần, chúng nhảy lên sung sướng rồi reo hò:

Mẹ Thi… mẹ Thi lên rồi chúng mày ơi!”.  Rồi chúng chạy ùa đến. Chờ con bé Thảo xuống xe, cả bọn ôm lấy nhau mừng rỡ ngỡ như cả mấy năm không gặp dù mới chỉ xa nhau có mấy ngày. Chúng ríu rít đặt vào tay Thi món quà ngày đông rực rỡ, đó là những cành trạng nguyên với những bông hoa màu đỏ thắm. Chúng bảo hoa tượng trưng cho niềm vui vô bờ của chúng khi được gặp lại cô. Thằng Hà lại thêm:

- Đó còn là vẻ đẹp của cô. Cô giống như bông hoa rừng nơi đây!

Nói xong, cả bọn lại nhìn Thi cười tí toét. Dẫu thấm mệt vì đoạn đường lên núi trắc trở nhưng nhìn những đôi mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ, ngây thơ của học trò bên đôi dép mới, chiếc áo mới cô tặng và cả những bông trạng nguyên tươi tắn cô đang cầm trên tay, Thi cảm thấy thật ấm lòng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bông hoa rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO