Tản văn: Nghề dạy học

Thanh Ba| 17/11/2017 09:30

Từ xưa, nghề giáo đã được xã hội đề cao hết mực. Đó được xem là “nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

ADQuảng cáo

Bởi thầy cô không chỉ là người lái đò thầm lặng, miệt mài đưa từng thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức mà còn dạy chúng ta phép tắc ứng xử, đạo lý làm người. Chính điều này mà từ khi còn nhỏ cho đến khi đã trưởng thành, các thế hệ học trò phải luôn tôn kính và biết ơn thầy cô mình một cách sâu sắc. Điều đó đã được ông cha ta nhắc nhở trong nhiều câu nói như: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), hay “Ngày nào em bé cỏn con/ Bây giờ em đã lớn khôn thế này/ Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”,… Đây cũng là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một trong những nét đẹp văn hóa truyền thống bao đời của dân tộc.

Nghề giáo vốn dĩ đẹp là thế. Ấy vậy mà trong hiện tại, không phải không có những lo lắng, chênh chao. Ở thời buổi kinh tế thị trường bây giờ, dường như đồng lương của nghề giáo chỉ đủ cho thầy cô sống một cách eo hẹp, thu nhập thấp hơn hẳn so với nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Bên cạnh đó là những mệt mỏi của chuyện họp hành, sổ sách, những việc không tên ngoài việc chuyên môn. Xã hội ngày càng phát triển nhưng học sinh cá biệt lại ngày càng nhiều, trở thành gánh nặng không chỉ đối với xã hội, gia đình mà còn đối với thầy cô, những người trực tiếp dạy dỗ các em, thậm chí là thầy cô phải chịu những hệ lụy đáng buồn từ học trò, nhất là những học trò mình chủ nhiệm. Đã thế, giáo viên luôn sống trong trạng thái thấp thỏm trước những loay hoay cải cách chương trình cũng như phương pháp dạy học; nhất là lo sợ trước những chuyện giảm biên chế, thuyên chuyển, cắt hợp đồng...

ADQuảng cáo

Nhớ lại ngày mẹ dắt tôi đến trường, mẹ chỉ đứng ngoài cửa lớp. Cả lớp trật tự nghe cô sắp xếp, dặn dò thật nghiêm trang. Nói chuyện với thầy cô, bao giờ mẹ cũng thưa gửi đàng hoàng. Và rồi chúng tôi cũng vậy, thấy thầy cô từ xa đã phải đứng vòng tay cúi chào. Chúng tôi cứ thế trưởng thành trong sự dìu dắt của các thầy cô với bao kỷ niệm ăm ắp ân tình, yêu thương.

Thực ra, bây giờ không phải không có những thầy cô tốt, học trò ngoan. Xã hội nào, dù nhiều hay ít cũng tồn tại những hạn chế, tiêu cực. Trước những thử thách mới của xã hội như hiện tại, những người làm thầy làm cô càng phải vững tâm, kiên trì thực hiện sứ mệnh cao cả của mình. Có như vậy mới có thể làm thay đổi nhận thức xã hội, được xã hội đề cao và bao thế hệ học sinh yêu mến.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản văn: Nghề dạy học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO