Truyện ngắn: Kỷ niệm viết báo

Đỗ Xuân Thu| 22/06/2017 10:26

Ngôi nhà hai tầng khang trang bề thế nằm dưới chân một quả đồi ngút ngàn cây xanh. Phía trước nó là một cái hồ khá rộng. Nước hồ trong xanh in rõ hình những đám mây trắng đang lững lờ trôi. Xung quanh ngôi nhà là khu vườn đồi, toàn cà phê và hồ tiêu, xa hơn nữa là khu chè.

ADQuảng cáo

Lô nào hàng ấy được đốn tỉa bằng chằn chặn, chờ ra giêng, có mưa xuân xuống chắc chắn búp sẽ đâm ra tua tủa. Những tiêu, cà phê, những chè, cả cái hồ nước trong xanh kia nữa đã làm nền tôn lên cho ngôi biệt thự này một vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa hiện đại. Đó là khu trang trại nổi tiếng của huyện miền núi này. Chủ nhân của nó là ông Bùi Văn Quảng. Ba người cán bộ, nhà báo vừa có mặt ở nhà ông. Họ là anh Phấn - cán bộ tuyên giáo huyện, Thu Hà - nhà báo tỉnh và Mai Khanh - bạn của Thu Hà.

Minh họa: Ngọc Tâm

Có chuyến đi này, với Mai Khanh đó là cái duyên. Mai Khanh đi để xem con bạn nó tác nghiệp thế nào. Đàn bà con gái chọn nghề gì không chọn lại đi chọn cái nghề báo cho nó khổ cơ chứ. Bề ngoài tưởng họ nhàn, thế mà cũng vất vả đáo để. Bất kể nắng mưa, sớm tối, bất kể xa gần, ngày nghỉ, ngày lễ họ đều phải chạy theo sự kiện để viết bài đưa tin. Mấy đứa cùng học với nhau, đứa thì giáo viên, đứa thì công chức. Mình thì làm tài vụ cho một công ty lớn. Chỉ có Thu Hà là “tay ngang”, đang làm Công an tỉnh, ham mê viết báo, quay ngoắt một cái theo nghề báo này. Mai Khanh từ tận ngoài Bắc về chơi với Thu Hà nhưng tòa soạn đang chờ bài vì đã có kế hoạch lên trang trước đó. Nghỉ sao được? Thôi thì thông cảm cho nó. Biết đâu mình đi với nó chả thu lại được điều gì thú vị ấy chứ?”. Thế là hai đứa xe máy lên đường.

Thu Hà được tòa soạn phân công viết về người tốt việc tốt trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Nắm bắt tình hình, trăn trở mãi chị vẫn chưa tìm được đối tượng để viết. Hôm hội nghị tổng kết năm, biểu dương những người sản xuất giỏi của tỉnh, do bận công việc nên chị đến muộn. Tới nơi thì hội nghị đã tan. Sau khi trình bày rõ nguyện vọng của mình, ban tổ chức giới thiệu cho Thu Hà “ở huyện ấy có người ấy, viết được đấy”. May quá, thế là có được “nhân tố mới”. Chị quyết định lên đường theo địa chỉ đó. Đúng ngày hẹn với ban tuyên giáo huyện này thì Mai Khanh về chơi. Không thể lỡ hẹn và cũng không còn thời gian lui lại nữa. Báo đã lên khuôn chờ bài rồi. Thu Hà đành phải kéo Mai Khanh đi cùng. Chỉ nắm sơ qua thông tin về nhân vật, vừa lo xong kế hoạch, vừa háo hức với điển hình, Thu Hà sốt sắng lắm. Về huyện, họ được anh Phấn, cán bộ tuyên giáo huyện dẫn đi. Tới ủy ban xã, xã bận không có người dẫn tiếp. Người ta vẽ lối chỉ đường cho họ. Không đi được xe máy, ba người đành gửi xe ở ủy ban xã đi bộ tiếp. Hỏi thăm từ ngoài buôn hết người nọ đến người kia họ đều chỉ vào “hướng ấy, nơi quả núi xanh xanh ấy, đi độ tiếng đồng hồ nữa thì tới”. “Vợ chồng nhà nó ở trong đó đó”. Ba người cuốc bộ leo đồi mệt nhoài. Áo họ ướt đẫm mồ hôi. Đôi chân Mai Khanh mỏi nhừ. Hai bắp chân chị như cứng lại. Còn Thu Hà vẫn cứ bước phăm phăm. Máu nghề nghiệp thôi thúc chị. Chị cười nói ríu ran trêu đùa với Mai Khanh và động viên lại cả anh Phấn nữa. Lặn lội vượt mấy quả đồi, qua mấy con suối, cuối cùng họ cũng tới được nơi cần đến. Trang trại của ông Quảng nằm cách biệt hẳn với khu dân của buôn.

Vừa bước vào cửa, Mai Khanh hơi sững sờ. Cô nhìn chủ nhân thấy có vẻ quen quen. Ông Quảng bắt tay mọi người niềm nở. Mai Khanh trân trân nhìn ông cố lục trong trí nhớ của mình xem đã gặp người này ở đâu. Anh Phấn giới thiệu Thu Hà, Mai Khanh và nói rõ mục đích cuộc viếng thăm. Ông Quảng xuýt xoa rót nước mời khách. “Tôi ở heo hút thế này mà anh và hai chị vẫn tới thăm được. Thật quý hóa. Mà… tôi chẳng có gì để viết đâu. Thôi thì, anh chị đã lên đến đây thì cứ ở lại thăm trang trại rồi ăn cơm với vợ chồng tôi cho vui. Tôi không biết nói gì đâu”. Đưa chén nước mời khách, ông cười rất xởi lởi. Thói quen nghề nghiệp, Thu Hà biết ông chủ này khá vui tính. Nếu cứ sổ sách ghi chép thì chưa chắc được thông tin gì. Tốt nhất là hòa mình với chủ tâm sự trò chuyện khắc ra việc.

Được biết vợ ông Quảng đi chợ vắng trưa mới về, Thu Hà tranh thủ khai thác tư liệu: “Các cháu nhà ta đâu cả bác?”. Ông Quảng đáp: “Vợ chồng tôi mới được một cháu thôi. Cháu học bán trú, tối mới về. Ban ngày chỉ có hai vợ chồng, vào vụ vẫn phải thuê thêm người làm đấy”. Hà đưa mắt một lượt quan sát phòng khách. Chợt chị dừng lại ở hai tấm bằng khen của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các bằng khen đều ghi “có thành tích xuất sắc” của ông Quảng. Cái thì “trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc”, cái khác lại ghi “trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới”. Thu Hà mạnh dạn hỏi về từng cái một. Với cái “bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chị hỏi: “Bác Quảng được bằng khen này sáu năm rồi à?”. Ông Quảng thật thà đáp: “Vâng, sáu năm rồi chị ạ!”. “Thành tích cụ thể là gì hả bác?”. “Bác ấy có công bắt tên cướp và dẫn đầu trong phong trào làm kinh tế của xã này đấy nhà báo ạ”. Anh Phấn nhanh nhảu trả lời thay. “Có gì đâu chị. Không có tôi lúc đó thì người khác cũng làm vậy mà”, ông Quảng phân trần. “Có phải cái vụ ở ga Vũ Ẻn không bác?”, Mai Khanh bất chợt xen ngang. “Vâng, chị cũng biết à?”. Đến lượt Mai Khanh chột dạ. Chị sững sờ giục: “Cụ thể thế nào bác kể cho chúng em nghe đi?”. Ông Quảng có vẻ lúng túng. Rồi lấy lại tự tin, ông bắt đầu kể. “Hôm đó, tôi vừa được ra trại về…”. “Bác dự trại sáng tác về à?”. Thu Hà cắt ngang lời ông Quảng. “Không. Tôi vừa từ trại tù về cô ạ”. Giọng ông Quảng sắc gọn. Ông nói và nhìn thẳng vào mắt mọi người. Cả Thu Hà và Mai Khanh cùng tròn xoe mắt sững sờ giây lát. Thu Hà cảm thấy xấu hổ về câu hỏi vô duyên của mình. “Chắc các cô lạ lắm hả?”, ông Quảng dừng lại hỏi Thu Hà. “Dạ. Không ạ - Thu Hà chống chế - Bác kể tiếp đi?”. “Vâng - ông Quảng tiếp tục - Nó là thế này. Tôi đang chờ tàu về quê thì nghe tiếng kêu “cướp, cướp”, vội vàng nhìn về phía đó thì thấy một tên ôm cái túi du lịch cướp được từ một cô gái đang đứng ngơ ngác trong sân ga. Cô ta ú ớ kêu. Tất cả mọi người lúc đó đều sững sờ. Chưa ai kịp phản ứng gì. Thấy vậy, tôi lao theo tên đó. Được mấy chục mét thì túm được nó. Nó chống cự quyết liệt. Chúng tôi vật lộn nhau. Tên cướp rút dao đâm vào người tôi. Cánh tay tôi buốt nhói. Máu chảy ra mát lạnh. Tôi vẫn ôm ghì lấy nó. May mà mọi người kịp đến tiếp sức cho tôi, tóm gọn nó. Sau đó, tôi được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Cũng may, vết thương vào phần mềm nên vài ngày sau tôi cũng được ra viện”.

ADQuảng cáo

“Ôi! Đúng là bác rồi! Thế mà dạo đó, em tìm bác mãi”. Mai Khanh reo lên và chạy tới ôm lắc hai vai ông Quảng. Cả ông Quảng và Thu Hà cùng anh Phấn đều tròn mắt ngạc nhiên. “Chính em là người bị tên cướp đó cướp cái túi đây bác ơi! Trời ơi! Hôm nay em mới được gặp ân nhân. Cảm ơn bác nhiều lắm”. Rồi Mai Khanh vội ríu rít kể: “Lúc họ đưa bác đi, em nhìn rất kỹ gương mặt bác. Cho nên, lúc nãy vào đây nhìn thấy bác, em đã ngờ ngợ. Hôm đó, nhận lại cái túi du lịch, bác biết không, trong túi đó của em có hơn năm chục triệu đồng. Tiền của cơ quan em đấy? Vừa lúc tiếng còi tàu kéo lên báo hiệu tàu chuyển bánh. Em vội phải lên tàu kịp mang tiền về cho đơn vị thanh toán chế độ cho anh em. Mấy hôm sau, em xin phép đơn vị về Vũ Ẻn vào bệnh viện tìm lại bác để nói lời cảm ơn. Hỏi thăm ai người ta cũng biết việc đó nhưng đều không rõ người đàn ông ấy sau khi ra viện đã đi đâu. Em có đến một số nơi khác nữa hỏi dò nhưng cũng không ai biết gì hơn. Cuối cùng, em đành trở lại đơn vị mà cứ ân hận mãi không biết tên bác ở đâu để có một lời cảm ơn cho phải phép. May quá, hôm nay gặp lại bác đây rồi. Cho em cảm ơn bác, bác nhé”. Mai Khanh nắm chặt tay ông Quảng lắc lắc. “Ơn huệ gì cô ơi! Không mất của, lại được gặp nhau thế này là may, là vui lắm rồi”, ông Quảng nói. Cả bốn người nói cười rôm rả. Chẳng còn phân biệt chủ khách nữa.

Thì ra thế. Hà nhớ lại ngày đó, chị đi dự lớp tập huấn báo chí về thì nghe được tin này. Báo chị cũng có một bài viết về ông Quảng. Đăng ảnh ông ấy hẳn hoi. Giá mà Mai Khanh đọc được thì đỡ phải mất năm sáu năm mới gặp lại như hôm nay. Kể cũng khó, công ty Mai Khanh ở mãi tận biên giới, lại khác tỉnh, báo tỉnh mình chắc gì đến được nơi đó. Rồi từ đó trở đi, ông Quảng bộc bạch mọi điều. Từ việc vì tội trộm cắp, đánh nhau mà ông phải đi cải tạo ba năm đến chuyện về làng phục thiện, vươn lên khẳng định mình như thế nào. Từ chuyện bới đất, lật cỏ trồng vải, trồng chè đến việc đắp đập đào ao thả cá. Rồi chuyện nuôi dạy con cái, chuyện hòa nhập cộng đồng, chung tay xây dựng nông thôn mới với làng, với xã. Ông vô tư cởi lòng mình ra với mấy vị khách, chẳng để ý họ là nhà báo, nhà tuyên giáo gì nữa. Cứ có sao ông kể vậy.

Đang vui thế thì vợ ông Quảng đi chợ về. Ông Quảng giới thiệu khách với vợ. Thu Hà sững người. Vợ ông Quảng cũng tròn xoe mắt, ú ớ: “Cô là… là Hà… Thu Hà phải không?”. “Vâng. Em là Hà đây. Còn chị là… là… Loan… “Loan bột” phải không?”.

Rồi họ ôm chầm lấy nhau. Kẻ khóc, người cười líu ríu. Đến lượt anh Phấn, ông Quảng và Mai Khanh ngơ ngác.
Mãi sau, bà Loan buông Thu Hà ra, nói với chồng: “Đây là cô Thu Hà, quản giáo của em ngày xưa đấy. Không ngờ bây giờ cô ấy lại là nhà báo”. Thu Hà nhìn mọi người phân bua: “Chị Loan đây, sáu năm về trước, phải sáu năm không chị nhỉ?”. Quay sang bà Loan, Thu Hà hỏi, rồi chẳng để bà Loan trả lời, Thu Hà kể tiếp: “Chị Loan vào trại tạm giam của tỉnh với tội danh tổ chức sử dụng chất ma tuý trái phép. Em được lãnh đạo phân công quản lý chị ấy. Hôm người ta dẫn chị vào trại, em ngạc nhiên sao lại có người con gái đẹp thế mà phạm tội ma tuý cơ chứ. Dạo đó, chị Loan trắng và xinh lắm. Chị như bông hoa nổi lên giữa đám tù nhân nữ”. “Thế dạo này dễ chừng chị không xinh chắc?”. Bà Loan cắt ngang trêu chọc. “Chị vẫn đẹp chị ạ”, Thu Hà nói. “Thì vẫn”. Bà Loan cười: “Hồi ấy là những ngày đen tối nhất của đời chị. Nếu không có em thì đời chị đã tan rồi. Chẳng có được như ngày hôm nay đâu. Xấu hổ quá. Nhục nhã quá. Nghe bọn xấu làm liều nên mới đến nông nỗi ấy. Mấy lần chị tìm đến cái chết nhưng không được. Em luôn canh chừng chị, nhỏ to tâm sự, khuyên giải cho chị. Chị hiểu dần ra. Đặc biệt, sau cái đận chị bị đau ruột thừa phải đi cấp cứu ở trong trại, em tiếp máu cho chị, chị càng hiểu em và các cán bộ ở trại hơn. Chị thấy cần phải sống. Ra tù, chị quyết tâm làm lại cuộc đời. Và chị đã gặp anh Quảng đây. Biết được quá khứ của chị nhưng anh vẫn thương yêu chị và nhất mực lấy chị làm vợ. Hai vợ chồng với hai bàn tay trắng, được sự giúp đỡ của chính quyền, của bà con chòm xóm, anh chị đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc, nhất là chị đã tìm lại được chính mình”.

Bà Loan nói một thôi một hồi theo dòng tâm sự. Bà vui lắm. Niềm vui ánh lên trong đôi mắt ngời ngời. Đợi cho bà bớt phần xúc động, Mai Khanh chỉ tay vào ông Quảng, nói với bà Loan: “Ân nhân của em đây này, bác ơi!”. Bà Loan ngạc nhiên nhìn mọi người. Ông Quảng ý nhị nhìn Thu Hà. Anh Phấn nhanh nhảu kể lại câu chuyện bắt cướp ở sân ga lúc nãy cho bà Loan nghe. Nghe xong, bà reo lên như trẻ con: “Trời ơi! Quả đất xoay tròn. Thế mà suốt bao nhiêu năm anh ấy có nói gì cho chị biết đâu”.

Sau đó bà Loan tíu tít hỏi về Thu Hà. Thu Hà bộc bạch: “Hồi làm quản giáo, em có tính ủy mị, thương người, mê thích văn chương. Nói thật với chị công việc đó không hợp với em. Một bên là tội phạm, một bên lại suốt ngày mơ mộng thì làm sao mà hoàn thành tốt nhiệm vụ được. Biết được nguyện vọng của em, đúng lúc tòa báo tỉnh xin người, lãnh đạo đồng ý cho em chuyển ngành. Vậy là em theo nghiệp này, chị ạ”. “Vậy là mừng cho em được làm điều mình thích. Còn việc chồng con, nhà cửa thế nào rồi?”. Bà Loan vỗ vai Thu Hà hỏi. Hai người ríu rít chưa hết chuyện nó đã sang chuyện kia. Ông Quảng thấy vậy giục: “Thôi, chị em nhà chị vừa nấu cơm vừa trò chuyện. Trưa rồi. Ta làm bữa liên hoan hội ngộ cho vui đi”.

Bà Loan sực tỉnh vội xuống bếp làm cơm. Thu Hà cùng Mai Khanh chạy theo phụ tá cho bà. Khoản nội trợ, Mai Khanh tài hơn chị. Bữa trưa hôm ấy, tất cả mọi người đều vui lâng lâng. Bao nhiêu chuyện về ông Quảng, bà Loan, cả Mai Khanh cùng những người tốt xung quanh nữa thì một bài báo của mình làm sao mà viết hết, nói hết được? Thu Hà vừa ăn vừa ngây ngất nhìn họ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Kỷ niệm viết báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO