Truyện ngắn: Người đóng vai Bác Hồ

Đỗ Xuân Thu| 18/05/2017 10:12

Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn đồng thời cũng là bí thư chi bộ cơ quan của tôi đã nói: “Về văn nghệ, chi ủy chi bộ giao cho đồng chí Tùng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

ADQuảng cáo

Đồng chí là một sĩ quan trẻ, trợ lý tuyên huấn, có nghiệp vụ chuyên môn nên đồng chí Tùng lo việc này là đúng. Trung đoàn ta là Trung đoàn anh hùng và đã từng được Bác Hồ về thăm, sáng tác như thế nào thì sáng tác phải nói được truyền thống đó. Ta vừa kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Sư đoàn vừa kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ. Cơ quan cho đồng chí nghỉ mười ngày để sáng tác”. Tôi mất ăn mất ngủ về cái mệnh lệnh chết người đó.

Tranh minh họa

Phong trào văn nghệ của Trung đoàn này rất khá. Phòng truyền thống treo đầy bằng khen, giấy khen, đủ các loại huy chương của các mùa hội diễn. Chết cái, nhân tố hát hò được thì đã ra quân hoặc chuyển đơn vị khác hết cả. Với lại, những lần đó, đơn vị còn cho tỷ lệ có người ngoài  tham gia trong đội văn nghệ. Lần này, để đánh giá thực chất phong trào, chủ trương các đơn vị phải tự lo lấy tiết mục của mình, không mượn diễn viên ngoài nữa. Tất nhiên, đêm giao lưu vẫn có địa phương song đó là tiết mục riêng xen kẽ trong chương trình của đơn vị. Thế có khổ cho tôi không cơ chứ! Suy nghĩ nát nước, cuối cùng tôi tặc lưỡi: “Thôi, không hát được thì đóng kịch vậy!

Nhưng mà kịch bản ở đâu? Chẳng lẽ lấy những vở kịch cũ dàn dựng lại? Không được. Vì những vở kịch này có nói gì đến sư đoàn, trung đoàn? Nghĩ đến đây, tôi chợt nhớ tới Quỳnh Trang. Giá lúc này có em thì hay biết mấy. Dạo còn học trong trường, Quỳnh Trang nổi tiếng là một tác giả viết kịch sung sức. Chỉ cần cho em chủ đề, phác thảo ý tưởng là sau một vài đêm em đã có trong tay một kịch bản chững chạc. Tôi yêu dáng hình em, tính nết em đã đành còn chết mê chết mệt về tài năng của em nữa. Ngược lại, em lại yêu tôi về khả năng sáng tác hoạt cảnh dân ca, về chơi các nhạc cụ dân tộc, về cái tính hào hoa phong nhã đôi chút bốc đồng của tôi nữa. Trong chuyên môn em hiện đại bao nhiêu thì tôi lại cổ điển bấy nhiêu. Bạn bè cứ gán ghép chúng tôi là mô hình của sự kết hợp giữa tiên tiến hiện đại với đậm đà bản sắc dân tộc. Là dân sự gửi đi học nên khi ra trường Quỳnh Trang được tỉnh nhận về giảng dạy tại một trường văn hóa nghệ thuật. Chúng tôi vẫn liên lạc với nhau. Em giao ước: “Khi nào anh viết được một kịch bản chững chạc đưa em duyệt thì em sẽ đưa anh về giới thiệu với bố mẹ em”. Nghĩ đến đó, tôi bừng tỉnh. Phải rồi, nhân dịp này mình sẽ chứng minh cho em điều này. Một mũi tên trúng hai mục đích, hãy cố lên.

Lời chủ nhiệm chính trị Trung đoàn văng vẳng bên tôi. Phải rồi! Tôi sẽ viết một vở kịch về Bác Hồ. Truyền thống sư đoàn, hình ảnh thiêng liêng của Bác đã hút hết hồn tôi. Nghĩ tới Quỳnh Trang cộng với nhiệm vụ thôi thúc, cảm hứng tuôn trào trong tôi. Chưa bao giờ tôi lại viết say sưa đến thế. Câu nọ gọi câu kia, cảnh nọ thúc cảnh kia. Đêm thứ chín tôi gần như thức trắng. Kèn báo thức tập thể dục vang lên. Tôi giật mình buông bút cũng vừa lúc đến câu cuối của vở kịch.

Chẳng quan tâm đến mấy giờ sáng, tôi tức tốc cầm bản thảo chạy lên phòng chỉ huy. Ông Hoàn, chủ nhiệm chính trị đang quần  đùi áo lót múa võ ngoài sân: “Báo cáo chủ nhiệm! Em đã viết xong kịch bản rồi ạ!”. Ông Hoàn dừng tập. Cầm tập bản thảo trên tay, ông nheo mắt cười: “Cậu khá. Hôm nay tớ sẽ xem. Có gì tối ta gặp nhau trao đổi nhé”.

Cả ngày đó, tôi làm một giấc thẳng cẳng từ sáng chí tối. Ngủ bù cho gần chục đêm thức trắng. Cơm tối xong, tôi lên phòng chủ nhiệm. Ông đã ngồi chờ tôi tự bao giờ. Ông nói luôn: “Cậu viết hay lắm. Tớ đã đọc rất kỹ. Có điều phải chỉnh sửa lại đôi chút” và nhìn xoáy vào tôi thăm dò.

Tôi thận trọng: “Sửa chỗ nào ạ?”. Ông Hoàn nói: “Đoạn Bác Hồ về thăm đơn vị đó. Hoành tráng quá. Vệ binh, tiêu binh, cờ hoa ầm ĩ cả lên. Trên thực tế thì làm gì có thế. Hồi chiến tranh, Bác đến thăm đơn vị nào thường không đi vào cổng chính, không vào hội trường hay phòng chỉ huy mà cụ đến thẳng phòng ăn, nhà bếp, phòng nghỉ của bộ đội, thậm chí tới thăm các công trình vệ sinh cơ. Thăm trước, làm việc sau. Cụ sâu sát lắm chứ không như cậu vẽ đâu”.

Nói xong, ông Hoàn cười to. Tôi lúng túng. Ông chỉ cho tôi mấy chi tiết cần điều chỉnh. Đoạn, ông đột ngột hỏi tôi: “Thế cậu nghĩ ai sẽ đóng Bác Hồ?”. Tôi ớ người. Quả thực tôi chưa nghĩ đến điều này. Phần vì do cảm hứng trào tuôn lôi cuốn tôi, phần vì thực sự tôi cũng chưa nghĩ tới. “Đấy. Vấn đề là ở chỗ ấy đấy. Kịch bản hay mà không có người diễn, diễn không tốt thì...”. Ông bỏ lửng câu nói và ngồi trầm ngâm. “Với lại - ông nói tiếp - người đóng Bác Hồ phải là người thực sự sống có mẫu mực, được anh em yêu mến. Đó là tôi chưa nói đến ngoại hình phải giống Bác”.

Thế là, sự việc lại có vẻ khó đi. Đúng như lời ông Hoàn nói, vở kịch của tôi có hơn chục nhân vật. Các nhân vật này chiến sĩ đơn vị tôi đều có thể vào vai được. Riêng vai Bác Hồ thì… “Chủ nhiệm tìm giúp em với. Chẳng lẽ bỏ vở kịch?”. “Bỏ thế nào được. Nội dung cậu viết tốt thế, trúng thế, sao lại bỏ? Bảo đảm diễn tốt thì chắc chắn Trung đoàn mình sẽ ăn giải cao”. Ông Hoàn nói với giọng dứt khoát.

“Chào hai thầy trò! Có gì mà các cậu ngồi nghiêm trọng vậy! Uống cà phê mà không gọi tớ!”. Tôi và ông Hoàn cùng quay ra cửa. “Ôi, anh Tiến! Chúng tôi đang bàn về chương trình văn nghệ. Giới thiệu anh, đây là cậu Tùng, cán bộ tuyên huấn mới về Trung đoàn ta. Còn giới thiệu với Tùng đây là anh Tiến, Trung đoàn phó chính trị cũng vừa về Trung đoàn tuần trước thay anh Hải chuyển lên sư”. Ông Tiến giơ tay bắt tay tôi: “Thế ra tôi với cậu đều là lính mới của Trung đoàn?”.

Cậu liên lạc lấy thêm cốc cà phê cho ông Tiến. Tôi lặng lẽ quan sát ông, đặc biệt cái trán hói đến tận đằng sau gáy đã thu hút sự chú ý của tôi. Ông có khuôn mặt vuông chữ điền, đôi mắt sáng, cái miệng rộng và rất hay cười. Bộ râu quai nón rậm rì che gần kín khuôn mặt. Giọng ông trầm, ấm và truyền cảm. Mới gặp ông lần đầu tôi đã cảm thấy dễ chịu. Đầu tôi bỗng lóe lên: Mời ông Tiến vào vai Bác Hồ được chăng? Khuôn mặt ấy, vóc dáng ấy vào tay tôi hóa trang ba chục phút là ổn. Cắt tỉa bộ râu, phấn son vào là xong. Vốn dĩ chuyên hóa trang cho các diễn viên nên tôi biết. Nhưng chẳng lẽ thủ trưởng lại lên sân khấu? Liệu sếp có nghe không?

“Cậu làm gì mà ngồi ngây ra thế?”. Ông Tiến nhìn tôi hỏi. Tôi lúng túng chống ngượng. Ông Hoàn đáp thay: “Cậu ấy đang lo về vở kịch. Quên không nói với anh, chúng tôi đang bàn về vở kịch của cậu Tùng”. Ông Tiến vồn vã: “Cậu viết kịch à? Giỏi! Con gái tớ cũng viết được kịch đấy”. Ông Hoàn phân bua: “Chả là thế này, vở kịch của cậu Tùng rất hay song chưa phân được một vai mà vai này lại là vai chính anh ạ!”. “Vai gì?”, ông Tiến sốt sắng. “Vai Bác Hồ, thủ trưởng ạ!”, tôi vội nói. “Viết kịch về Bác Hồ cơ à?”. Ông Tiến hỏi lại. Ông Hoàn giải thích: “Năm nay kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Sư đoàn đúng tháng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh Bác Hồ, mà Bác Hồ từng đã về thăm Sư đoàn ta nên chi bộ giao cho cậu Tùng sáng tác một vở kịch có nội dung đó”. “Tốt! Tuyên huấn là phải thế. Trước tớ làm mãi, tớ biết!”. Ông Tiến xởi lởi.

ADQuảng cáo

Thấy vậy, tôi chủ động: “Báo cáo hai thủ trưởng! Em có ý này không biết có nên nói không?”. “Ý gì? Sao cứ ấp úng thế?”. Cả hai ông cùng hỏi lại và chăm chú nhìn tôi. Tôi quyết định: “Em là họa sĩ không chuyên, em thấy thủ trưởng Tiến vào vai Bác Hồ là rất được đấy ạ”. Ông Tiến trợn mắt nhìn tôi còn ông Hoàn thì nhìn như xoáy vào mặt ông Tiến. Tôi sợ quá: “Dạ, dạ nếu nếu không được thì thì thôi ạ!”. “Không phải là không được mà cậu làm tớ bị bất ngờ”. Ông Tiến hạ giọng.

Chủ nhiệm Hoàn nói: “Quả là con mắt cậu Tùng tinh. Càng ngắm anh tôi thấy anh càng có nét giống Cụ. Thôi, anh giúp chúng tôi vì màu cờ, sắc áo của Trung đoàn ta. Điều này, thì anh hiểu”. Bàn thảo mãi, cuối cùng ông Tiến đã nhận đóng vai Bác Hồ.

Những ngày tập thật vất vả. Tôi vừa là tác giả, vừa là đạo diễn, nhắc vở. Được cái ông Tiến nhập vai rất nhanh. Thì ra, trước đây ông đã từng là đội trưởng đội tuyên văn của một sư đoàn. Tôi vui vì đứa con tinh thần của tôi, tôi còn có niềm tự hào khác nữa đó là những ngày này tôi chỉ huy được cả Trung đoàn Phó chính trị. Có hôm, tôi đùa với ông Tiến: “Cháu cho chú làm Bác Hồ, chú phải gả con gái cho cháu đấy!”. “Cái cậu này! Tớ nhất trí mà con gái tớ không chịu thì cậu ăn vạ tớ à?”. Ông nói và cười vui vẻ với tôi.

Tổng duyệt, đội văn nghệ chúng tôi làm như thật. Đến khi ông Tiến bước ra sân khấu thì cả hội trường lặng đi. Giống Bác Hồ quá. Chỉ ngắm thôi đã sướng rồi. Ngay sau khi màn hạ, Trung đoàn Trưởng nói với tôi: “Tham gia hội diễn xong, cho cậu nghỉ mười ngày coi như thưởng phép”.

Tôi sướng run người và nghĩ ngay đến Quỳnh Trang. Tôi điện cho em bằng mọi giá phải lên xem vở kịch của tôi rồi đưa tôi về ra mắt bố mẹ. Em cười trong  máy và nhận lời liền. Người tôi lâng lâng.

Đêm văn nghệ. Cả đội hồi hộp. Đến bản lĩnh kỳ cựu như ông Tiến cũng bồn chồn. Tôi, ngoài sự hồi hộp chung ra còn có cả nỗi thấp thỏm mong chờ Quỳnh Trang lên. Sao gần đến giờ diễn rồi mà vẫn không thấy em đâu? Điện thoại di động cho em thì ngoài vùng phủ sóng. Tôi sốt ruột quá.

Ngồi hàng nghế đầu tiên, tôi chăm chú theo dõi đứa con tinh thần của mình. Đang mê mải vậy thì cậu bảo vệ đắt tay một cô gái đến bên: “Anh Tùng, có bạn gái gặp anh này”. Tôi giật mình ngoảnh lại: “Quỳnh Trang. Tôi reo lên: “Sao em đến muộn thế?”. “Xe máy em bị hỏng dọc đường, sửa mãi mới được. Diễn lâu chưa anh?”, em hỏi tôi. “Vừa  mới bắt đầu. Em đến thật đúng lúc”.

Người tôi rạo rực lâng lâng. Sân khấu diễn, cả ngàn người lặng yên. Đến đoạn Bác Hồ xuất hiện thì không ai bảo ai, tất cả đều reo to: “Bác Hồ! Bác Hồ kìa! Giống quá!”. Khi tiếng Bác cất lên, tất cả lại im lặng. Ai cũng tròn mắt, há miệng nhìn lên sân khấu. Người tôi nổi da gà. Tôi quên cả Quỳnh Trang đang ở bên. Em ôm chặt vai tôi, nghển cổ lên để theo dõi.

Vở diễn kết thúc, mọi người lao lên sân khấu tặng hoa và chụp ảnh chung với “Bác Hồ”. Tôi cũng cầm tay Quỳnh Trang chạy lên. Đến gần “Bác Hồ”, Trang sững người, tròn mắt, rồi bất chợt lao đến ôm lấy “Bác Hồ”. “Bố! Sao bố lại ở đây?”. “Quỳnh Trang! Con đến lúc nào vậy?”.

Mọi người ngơ ngác. Tôi đứng như trời trồng nhìn cảnh tượng ấy. Trung đoàn trưởng can thiệp: “Thôi, bố con nói chuyện sau. Để “Bác Hồ” chụp ảnh lưu niệm với mọi người đã”. Tôi hỏi nhỏ Quỳnh Trang: “Bố em thật à?”.  Em gật đầu: “Bố em đấy. Cụ ở trên biên giới mới chuyển về đơn vị này chưa kịp báo tin cho mẹ em và em”.

Chết tôi rồi. Tôi đần mặt ra vội nhớ lại những ngày qua mình có gì khiếm khuyết không. Sao lại thế được cơ chứ? Biết ăn nói ra sao bây giờ?

Khi mọi người về vãn, ông Tiến đến bên chúng tôi. Quỳnh Trang giới thiệu tôi và lý do em có mặt. Ông dang tay ôm lấy tôi và cười lớn: “Duyên kỳ ngộ đấy Tùng ạ. Cậu cho tớ đóng Bác Hồ, tớ cho cậu con gái tớ”. Quỳnh Trang nắm tay bố nũng nịu. Cô đấm thùm thụp vào người tôi: “Bắt đền anh đấy!”.

Tôi ngây người không nói nổi lời nào trân trân đứng ngắm ông. Lòng tôi dâng lên niềm cảm xúc và thầm gọi: “Bác Hồ ơi!”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Truyện ngắn: Người đóng vai Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO